|
Khung cảnh trù phú của xã Đô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, nơi có cả nghìn người dân đi xuất khẩu lao động. (Ảnh: Zing) |
Kiều hối tăng đều mỗi năm
Vụ việc 39 người nhập cư trái phép tử vong trên đường vượt biên tới Anh Quốc đã gây nên sự rúng động lớn trên toàn thế giới.
Theo xếp hạng của Ngân Hàng Thế Giới (World Bank), Việt Nam hiện đang là một trong những quốc gia nhận kiều hối lớn nhất thế giới. Trong đó, một phần lớn lượng kiều hối đổ về là từ nguồn nhân lực xuất khẩu lao động.
Dữ liệu Kiều hối thường niên mới cập nhật của tổ chức này cho thấy, kiều hối chuyển về Việt Nam năm 2019 ước tính đạt 16,7 tỷ USD - chiếm 6.4% GDP. Thời điểm năm 2000, kiều hối chỉ đạt 1,3 tỷ USD. Từ những con số trên có thể thấy sự tăng trưởng đều đặn của lượng kiều hối ở Việt Nam.
Tỉ lệ thuận với sự gia tăng của kiều hối là số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Theo số liệu từ tổng cục xuất khẩu lao động, trong 9 tháng đầu năm 2019 có 104.317 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tăng 2,15% so với 9 tháng đầu năm 2018. Riêng trong tháng 9, các doanh nghiệp đã cung ứng được 12.656 lao động, tăng 8,45% so với tháng 8 liền kề.
Đây chỉ là con số bề nổi của những lao động nước ngoài đi theo con đường chính thống, chưa kể đến những phi vụ “xuất khẩu lao động chui”. Cụ thể, theo một thống kê từ phía Chính phủ, mỗi năm lượng kiều hối mà người lao động Việt Nam đi xuất khẩu gửi về nước là 2,5 - 3 tỷ USD...
|
Tăng trưởng kiều hối mỗi năm của Việt Nam (Nguồn: Worldbank) |
Xuất khẩu lao động liệu có giàu
Anh T.H (Quê Hà Tĩnh) chia sẻ: “Ba anh đi xuất khẩu lao động ở Mỹ từ năm 2008, sau đó mỗi tháng gửi về nhà 120 triệu – 150 triệu, đi được 4 năm thì về Việt Nam”. Anh thừa nhận, nhờ những năm tháng cha mình bôn ba làm việc ở nước ngoài, gia đình anh đã vượt lên hàng khá giả.
Anh T.H xin phép không chia sẻ kỹ về công việc ba anh đã làm ở trời Tây nhưng cũng thừa nhận đã đi với con đường không chính ngạch. Anh cho biết, đa số những lao động nước ngoài ở quê mình đều mong kiếm được một số vốn nhất định rồi về quê hương làm ăn.
Tuy nhiên, không phải ai cũng thuận lợi như trường hợp gia đình anh T.H, vụ việc 39 người chết trên chuyến container vượt biên sang Anh Quốc với giấc mơ đổi đời là một ví dụ minh họa điển hình.
Theo thống kê, mức lương tối thiểu tại Hàn Quốc đang ở mức xấp xỉ 27 - 30 triệu VND/ tháng; Nhật Bản 20 - 30 triệu/tháng (tùy vùng miền); Singapore 23-26 triệu VND/ tháng; và tại Úc lên tới 65 triệu VND/tháng.
Như lời quảng cáo của các đơn vị chuyên hoạt động trong lĩnh vực môi giới, ngoài lương cơ bản, người lao động sẽ nhận thêm thù lao khá hậu hình nếu chăm chỉ và chịu khó làm thêm giờ. Tất nhiên, các quốc gia trên đều có những quy định nghiêm ngặt về thuế, bảo hiểm, bên cạnh đó là chi phí sinh hoạt cao. Nên theo những đơn vị này người lao động nếu cố gắng làm thêm và tiết kiệm mỗi tháng có thể gửi về quê 10-20 triệu VND.
|
Thống kê một các đơn vị chuyên hoạt động trong lĩnh vực môi giới xuất khẩu lao động (Nguồn Japan.vn) |
Người Việt đang nợ nần để được đi xuất khẩu
Theo một nghiên cứu của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), và Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), người Việt Nam đang phải trả phí lao động xuất khẩu cao hơn những quốc gia khác trong khu vực. Bên cạnh đó, người Việt Nam cũng phải vay nợ nhiều nhất để trang trải cho chi phí xuất khẩu lao động. Tổ chức này cũng chỉ ra có đến 76% lao động di cư Việt Nam bị lạm dụng quyền lao động của mình trong thời gian làm việc tại Malaysia và Thái Lan.
Theo một số thống kê từ các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực môi giới xuất khẩu lao động, chi phí xuất khẩu lao động theo đường chính ngạch đến Nhật Bản rơi vào khoảng 110 – 130 triệu đồng, Singapore 85-96 triệu đồng, trong khi đó ở Úc là 180 triệu – 200 triệu đồng.
Chi phí xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc không quá cao, chỉ nằm khoảng 26 triệu đồng, nhưng người lao động phải ký quỹ 100 triệu đồng để đảm bảo người lao động không trốn về nước trước hạn.
|
Người Việt Nam đang vay nợ nhiều bậc nhất thế giới để lấy tiền đi xuất khẩu lao động. (Ảnh: Internet)
|
Tuy nhiên, những con số này vẫn là khá khiêm tốn xo với con đường xuất khẩu lao động “chui” như trường hợp của 39 nạn nhân tử vong trên xe container vừa qua. Theo thông tin từ gia đình của một số người lao động xấu số này, họ phải vay đến 700 triệu để “cho con xuất khẩu lao động.”
Với số vốn vay để có thể đi nước ngoài làm việc, người lao động có thể chọn một con đường khác tại Việt Nam, tuy nhiên hứa hẹn thu nhập sẽ khó có thể hấp dẫn bằng xuất khẩu lao động.
Tuy nhiên, dù lựa chọn làm gì, người lao động cũng cần trang bị những kiến thức để bảo vệ bản thân, bảo vệ gia đình, tránh "tiền mất tật mang"./.