Đứng trên mảnh đất thơm ngon nhất ngành game, Việt Nam tận dụng ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Ngành game Việt hưởng lợi từ yếu tố địa lợi, nhân hoà, nhưng vẫn còn nhiều dư địa để khai thác ngàng công nghiệp trị giá 184 tỉ USD.

Việt Nam nằm trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, vốn chiếm đến một nửa doanh thu ngành game toàn cầu. Doanh nghiệp trong nước đã tận dụng tốt cơ hội này, song dư địa vẫn còn rất lớn và không ít rào cản khiến mảng này chưa phát triển hết tiềm năng.

Ông Lã Xuân Thắng, Trưởng bộ phận phát hành khu vực của VNGGames, cung cấp số liệu cho thấy quy mô ngành game toàn cầu năm 2022 đạt mức 184 tỉ USD, một ngành công nghiệp khổng lồ.

Trong đó, một nửa thị trường đang thuộc khu vực châu Á Thái Bình Dương, do đó Việt Nam đang đứng trên miếng bánh thơm ngon nhất của ngành. Các doanh nghiệp sản xuất và phát hành trong nước đã tận dụng tốt cơ hội này.

Hiện nay, số lượng người chơi game tại Việt Nam đạt mức 50 triệu người, tức khoảng 50% dân số - cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Tỷ lệ người chơi game sẵn sàng chi trả cũng đứng đầu khu vực.

Bên cạnh đó, số lượng người chưa tiếp cận Internet hiện chiếm khoảng 21%, chỉ xếp sau Indonesia.

Những con số này cho thấy tiềm năng thị trường game tại Việt Nam rất lớn.

Ông Lã Xuân Thắng đánh giá Việt Nam đang nằm trong khu vực tiềm năng nhất của ngành game toàn cầu. (Ảnh: Hải Đăng)

Ông Lã Xuân Thắng đánh giá Việt Nam đang nằm trong khu vực tiềm năng nhất của ngành game toàn cầu. (Ảnh: Hải Đăng)

Trước đó, ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT), cũng đưa số liệu chứng minh Việt Nam có vị thế quan trọng trên toàn cầu trong việc sản xuất các game có quy mô nhỏ và vừa. Trong 10 studio game hàng đầu châu Á Thái Bình Dương và Úc, Việt Nam chiếm một nửa. Cứ 25 game đưa lên kho ứng dụng iOS và Android thì có 1 game của Việt Nam. Chưa hết, 50% tựa game mobile được chơi nhiều nhất có nguồn gốc từ Việt Nam.

Dù vậy, doanh thu ngành game tại Việt Nam còn rất thấp trong khu vực và toàn cầu. Riêng mảng trò chơi trực tuyến, doanh thu hiện chỉ khoảng 665 triệu USD, đứng thứ 5 trong khu vực. Doanh thu này cũng chiếm chưa tới 1% doanh thu toàn cầu, cho thấy phần dư địa rộng mở còn lại để khai thác.

Đó là chưa kể hơn một nửa doanh thu này chảy sang các nước khác, chủ yếu là Singapore - nơi doanh nghiệp Việt đăng ký trụ sở nhằm tận dụng chính sách ưu đãi nơi đây.

Để tận dụng các cơ hội trên và hạn chế tình trạng tiền người Việt chảy sang nước khác, các bên nhấn mạnh vào việc điều chỉnh chính sách, thay đổi nhận thức và tăng cường nhân sự cho ngành game.

Ông Lê Quang Tự Do cho biết, đang nghiên cứu và đề xuất để giảm một số loại thuế phí, thủ tục để tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp. Đồng thời có chính sách khuyến khích các loại game mới dựa trên Blockchain, HTML5.

Cùng với đó, cả chính phủ và doanh nghiệp đều đang tuyên truyền thay đổi nhận thức cho ngành game nhằm thu hút nhân sự làm việc trong lĩnh vực này.

Dù phát triển nhưng ngành game Việt không nằm ngoài tác động chung của toàn thế giới trong bối cảnh suy giảm kinh tế hiện tại. Doanh thu các game trả phí giảm xuống, trong khi nhóm trò chơi giá rẻ hoặc miễn phí tăng lên, theo nhận định của ông Lã Xuân Thắng.

Trong 12 tháng gần nhất, doanh thu các game có mức tiêu phí cao sụt giảm, điển hình như trò chơi nhập vai (RPG Game) giảm 11%. Đây là mảng game mang lại doanh thu cao nhất trong nước.

Trong khi đó, tổng doanh thu các loại game có mức tiêu phí thấp lại tăng lên, điển hình như các dòng Hyper Casual, Action - Moba - eSports.

Đại diện VNGGames nhận định ảnh hưởng kinh tế khiến người chơi chuyển sang nhóm game giải trí nhiều hơn. Do đó, doanh nghiệp game trong nước đang chuyển hướng cung cấp các loại game từ mid-core (độ khó trung bình) sang thể loại dễ hơn, casual, nhằm tiếp cận khách hàng.

Cho đến hết năm 2023, tình hình ngành game vẫn chịu ảnh hưởng bởi kinh tế vĩ mô. Chuyên gia dự báo ngành này sẽ khởi sắc trở lại vào năm 2024, với mức doanh thu toàn cầu có thể đạt gần 194 tỉ USD.

Theo Vietnamnet