|
Một binh sỹ PLA đóng tại Hong Kong (Ảnh: CNN) |
Trong bối cảnh làn sóng biểu tình dân chủ ở Hồng Kông ngày càng trở nên căng thẳng và diễn ra thường xuyên hơn, một tướng lĩnh của PLA đồn trú tại thành phố này đã đưa ra bình luận đầu tiên về tình trạng biểu tình trong tuần trước, nói rằng tình trạng bạo lực "không thể được khoan dung".
Kể từ đó trở đi, Hồng Kông tiếp tục chứng kiến thêm 5 cuộc biểu tình quy mô lớn liên tiếp, khiến hàng loạt cửa hàng phải đóng cửa, làm gián đoạn giao thông đường không và dẫn tới nhiều cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình. Thị trường cổ phiếu Hồng Kông đã trải qua ngày tồi tệ nhất trong nhiều tháng qua trong phiên giao dịch hôm đầu tuần này.
Dù chưa có dấu hiệu gì cho thấy chính quyền Bắc Kinh đang lên kế hoạch triển khai binh sỹ tới vãn hồi trật tự ở Hồng Kông, nhưng nỗi lo PLA can thiệp đã lan rộng khắp thành phố.
Tuy nhiên, quyết định triển khai PLA trên các tuyến phố của Hồng Kông sẽ "gây thiệt hại khó tưởng tượng nổi" đối với Hồng Kông và nền kinh tế của nó - Willy Lam, Giáo sư chuyên ngành chính trị thuộc ĐH Hồng Kông, nhận định. Theo đó, thị trường cổ phiếu sẽ sụp đổ, tiến đến là thị trường nhà ở. Một làn sóng di cư quy mô lớn có thể xảy ra sau đó.
Xét về mặt pháp lý, chính quyền Hồng Kông được phép đề nghị PLA đồn trú ở thành phố này (hơn 6.000 binh sỹ) hỗ trợ nếu như tình hình trật tự vượt ngoài tầm kiểm soát của họ. Nhưng do Hồng Kông có mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc đại lục, quyết định triển khai quân có thể tạo ảnh hưởng lan rộng khắp cả nước ngay trong lúc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vốn đang dễ bị tổn thương do cuộc chiến thương mại với Mỹ.
"Chỉ cần 100 binh sỹ xuất hiện trong khu kinh doanh, nếu họ bất ngờ xuất hiện trên trang nhất của các tờ báo lớn, điều đó sẽ tạo hiệu ứng rất đáng sợ tới các công ty đa quốc gia đang hoạt động ở Hồng Kông" - ông Lam nói.
Hiện trạng đặc biệt của Hồng Kông
|
Hành khách xếp hàng dài tại sân bay quốc tế Hồng Kông hôm 5/8 (Ảnh: CNN)
|
Thành phố từng là thuộc địa của Anh được trao trả về Bắc Kinh vào năm 1997, nhưng vận hành trên một hệ thống luật pháp đặc biệt, cho phép nó có sự tự do lớn hơn về kinh tế, xã hội nếu so với các thành phố khác của Trung Quốc.
Điều này đã tạo nên danh tiếng của Hồng Kông như một trong những trung tâm tài chính quan trọng bậc nhất của thế giới. Nó được xem là một nơi an toàn và ổn định, nơi mà các công ty, nhà đầu tư nước ngoài tìm đến đầu tư và làm ăn. Nhiều công ty đa quốc gia đến Hồng Kông để làm ăn với Trung Quốc, trong khi các công ty Trung Quốc cũng tận dụng thị trường cổ phiếu Hồng Kông để thu hút vốn.
Tập đoàn công nghệ Alibaba của Trung Quốc đã thu về khoản vốn lên tới 20 tỷ USD khi niêm yết cổ phiếu ở Hồng Kông. Hiện trạng đặc biệt của Hồng Kông cũng tạo ra lợi ích to lớn cho nền kinh tế Trung Quốc. Nó cung cấp cho Trung Quốc một cách thu hút nguồn vốn đầu tư khổng lồ từ các công ty nước ngoài mà không cần phải hoàn toàn mở cửa thị trường trong nước.
Năm 2016, 61% khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc, tương đương 82 tỷ USD, đến từ Hồng Kông - theo cơ quan tài chính của Hồng Kông. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình quy mô lớn - thu hút đến hàng triệu người tham gia - đã làm tê liệt thành phố này. Tháng 6 vừa qua, khi các cuộc biểu tình lớn nhất diễn ra, doanh số bán lẻ của Hồng Kông đã giảm 6,7% - theo giới truyền thông Trung Quốc.
Singapore vẫy gọi
|
Thị trường cổ phiếu Hồng Kông suy giảm trong phiên giao dịch hôm đầu tuần này (Ảnh: AP)
|
Thị trường cổ phiếu Hồng Kông - đứng thứ 5 trên thế giới xét về mức độ vốn hóa thị trường - có khả năng sẽ suy giảm mạnh mẽ nếu như có sự xuất hiện của PLA. Sự kiện đó có thể làm "bốc hơi" hàng tỷ USD giá trị thị trường của nhiều công ty. Và xét về danh tiếng an toàn, nơi mà các doanh nghiệp làm ăn tự do mà không chịu sự can thiệp của Bắc Kinh, sẽ phải mất rất lâu thị trường cổ phiếu Hồng Kông mới có thể phục hồi.
Theo ông Lam, khi đối diện với kiểu bất ổn như trên, các doanh nghiệp sẽ bắt đầu xem xét lại về việc đổ vốn đầu tư vào Hồng Kông; họ có thể tìm kiếm một nơi khác để làm ăn.
"Họ sẽ không ngừng hẳn hoạt động kinh doanh ở Hồng Kông, nhưng sẽ di dời nhiều phần doanh nghiệp tới Singapore và biến chúng thành trị sở chính trong khu vực" - ông Lam nói - "Phần lớn cư dân tầng lớp trung lưu của Hồng Kông có thể chuyển tới sinh sống ở các nước nói tiếng Anh".
Bằng chứng về một cuộc di cư từ Hồng Kông cũng có thể nghiền nát thị trường bất động sản Hồng Kông.
Ảnh hưởng từ nền kinh tế Hồng Kông sau đó có thể lan tới nền kinh tế của Trung Quốc - vốn đang suy giảm. Một số chính trị gia Mỹ thậm chí từng nói rằng họ đang thúc đẩy một cuộc đánh giá lại hiện trạng "tối huệ quốc" (MFN) trong thương mại của Hồng Kông đối với Mỹ, nếu như tình hình ở thành phố này diễn biến khó lường. MFN trao cho các nước nhiều lợi ích nhất định trong thương mại, trong đó có mức thuế quan thấp hơn với hàng nhập khẩu - theo chính phủ Mỹ.
Một nhóm các thượng nghị sỹ lưỡng đảng Mỹ đã đưa ra "Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông" trong tháng 6 vừa qua, trong đó tổ chức các cuộc đánh giá thường niên để xem quyền tự trị của thành phố này có đủ để được hưởng cách ứng xử đặc biệt hay không.
Ảnh hưởng về mặt ngoại giao
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Năm tuần trước nói rằng ông sẽ để cho Chính phủ Trung Quốc giải quyết các vấn đề ở Hồng Kông.
"Đó là vấn đề của Hồng Kông và vấn đề của Trung Quốc, bởi Hồng Kông là một phần của Trung Quốc, họ không cần lời khuyên" - ông Trump nói trước báo giới bên ngoài Nhà Trắng.
Nhưng chính phủ các nước chắc chắn sẽ theo dõi sát sao xem liệu PLA có triển khai binh sỹ tới Hồng Kông hay không; một phần là do nó là trung tâm tài chính toàn cầu, và cũng là một điểm đến nổi tiếng của du khách trên toàn thế giới. Trong trường hợp PLA triển khai binh sỹ vãn hồi trật tự ở Hồng Kông, hàng trăm nghìn công dân Australia, Pháp, Anh và Mỹ đang ở thành phố này cũng sẽ bị ảnh hưởng.
"Ảnh hưởng về ngoại giao và danh tiếng mà Trung Quốc phải hứng chịu sẽ là rất lớn, bởi hành động của họ ở Hồng Kông sẽ được phát đi trên khắp nơi trên thế giới" - Ben Bland, chuyên gia phan tích thuộc Viện Lowey ở Sydney, Australia, nhận định.
Theo CNN