Đừng nuông chiều doanh nghiệp nhà nước nữa!

Cải cách thể chế là mệnh lệnh không thể chần chừ – TS Nguyễn Đình Cung kêu gọi và chỉ rõ những điều “không thể” và “có thể” trong quá trình này.
Đừng nuông chiều doanh nghiệp nhà nước nữa!

Lời kêu gọi nói trên của Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung được đưa ra tại một cuộc hội thảo do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh chủ trì hồi cuối tháng 8 vừa qua, với sự tham dự của khá nhiều diễn giả là những nhà kinh tế hàng đầu của Việt Nam hiện nay.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, việc thay đổi vai trò của kinh tế nhà nước là chưa thể, nhưng thay đổi vai trò của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thì có thể và “nếu làm được thì đó là bước tiến lớn”. Việc đổi mới vai trò, chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức; công cụ và năng lực quản lý của chính phủ, bộ ngành và địa phương cũng là có thể, dù cũng có những hạn chế nhất định.

Ngày 17/7/2012, kế hoạch tái cơ cấu DNNN được phê duyệt. Năm 2012, 74 DNNN đã được cổ phần hóa. Năm 2014 con số này lên tới 174 doanh nghiệp; nhiều doanh nghiệp quy mô lớn đang đi đúng định hướng cải cách như Vietnam Airlines, VNPT, EVN… Tuy nhiên, năm 2015 còn tới gần 400 doanh nghiệp cần được cổ phần hóa và đến nay mới chỉ thực hiện được chưa tới 1/4 chỉ tiêu. Aaron Batten, Kinh tế gia trưởng của ADB cho rằng, sở dĩ những năm trước đây cổ phần hóa diễn ra nhanh vì đa phần đó là các doanh nghiệp nhỏ, tỷ lệ cổ phần Nhà nước bán ra bên ngoài rất thấp. Nói cách khác, cổ phần hóa mới thành công về chiều rộng, chứ chưa đạt yêu cầu về chiều sâu. Sau cổ phần hóa, nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước vẫn chưa thể chủ động thúc đẩy tái cấu trúc công ty để nâng cao tính cạnh tranh. Mặt khác, cũng vì thế mà các DNNN sau cổ phần hóa khó thu hút nhà đầu tư chiến lược.

Trong khi đó, theo một kết quả nghiên cứu mới nhất vừa được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố, tiến trình cổ phần hóa chậm trễ do đã “hết nạc”, bắt đầu động chạm đến những “ông lớn” với nhiều khoản nợ thiếu rõ ràng, quản trị doanh nghiệp kém minh bạch… Nhiều tập đoàn lớn có mặt trong danh sách vay “khủng” tại các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng, như Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tập đoàn Sông Đà… Đặc biệt, mặc dù trong cơ cấu dư nợ cho vay của ngân hàng thương mại, tỷ trọng vốn vay của các DNNN đã giảm, nhưng vẫn còn ở mức rất lớn.

Theo đánh giá của TS Cung, việc cấp tín dụng với khối lượng lớn cho DNNN cho thấy các ngân hàng kỳ vọng về sự an toàn, “nói thẳng ra là họ mong muốn Nhà nước sẽ đảm nhận trách nhiệm trả nợ đối với các khoản nợ khi DNNN gặp khó khăn hoặc rơi vào tình trạng có thể giải thể hoặc phá sản”. Thực tế là Nhà nước cũng có nhiều động thái để “ủng hộ”, thậm chí “chỉ đạo” các ngân hàng cho DNNN vay vốn. Riêng trong năm 2014, đã có 20 văn bản của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chấp thuận hoặc đồng ý cho phép ngân hàng thương mại được cấp tín dụng vượt giới hạn cho các dự án của DNNN.

Thay đổi vai trò của kinh tế nhà nước là chưa thể, nhưng thay đổi vai trò của DNNN là có thể và nếu làm được thì là bước tiến lớn

Đảm bảo sự công bằng trong đối xử là chìa khóa

Nhìn nhận thực tế “còn hình thức” trong tiến trình cổ phần hóa DNNN, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính khẳng định, cơ chế nới room cho nhà đầu tư nước ngoài (quy định tại Nghị định 60/2015 hướng dẫn Luật Chứng khoán, đã có hiệu lực từ ngày 1/9/2015); cộng với việc sửa đổi Quyết định 37/2014 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại DNNN (theo đó những ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm cổ phần, sẽ bán 100% cổ phần cho các cổ đông bên ngoài) sẽ tạo động lực kích thích gia tăng sức cầu trên thị trường. “Nhà nước sẵn sàng gia tăng tỷ lệ cổ phần chào bán cho các cổ đông bên ngoài. Cơ chế bán cổ phần theo lô cũng sắp được ban hành, tạo thuận lợi tối đa cho khu vực tư nhân trong và ngoài nước nắm quyền sở hữu, quyết định phương án tái cơ cấu doanh nghiệp hậu cổ phần hóa, góp phần thúc đẩy sản xuất – kinh doanh hiệu quả hơn”, vị Phó Cục trưởng khẳng định.

Nhưng như vậy cũng chưa đủ. Vẫn theo ông Nguyễn Đình Cung, cần thu hẹp và giảm mạnh biên chế khu vực nhà nước (bao gồm cả bộ máy hành chính của Đảng, các cơ quan của đảng, các tổ chức chính trị xã hội); cắt bỏ các chức năng và nhiệm vụ không còn phù hợp để giảm gánh nặng chi ngân sách. Thu hẹp chức năng quản lý nhà nước để tập trung vào khắc phục khiếm khuyết thị trường. Tất cả các dịch vụ quản lý nhà nước như thanh tra, kiểm tra, kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch động, thực vật… để phục vụ quản lý nhà nước đều do ngân sách chi trả. Ngược lại, tuyệt đối không bố trí vốn đầu tư của nhà nước cho những dự án, công trình chưa cần thiết hoặc có thể huy động được các nguồn vốn khác như bảo tàng, nhà hát, rạp chiếu phim, nhà thi đấu thể thao…

Đáng lưu ý, một khuyến nghị không còn mới, nhưng đã được chuyên gia này nhấn mạnh một lần nữa với những nội dung hết sức cụ thể: “Đừng quá nuông chiều DNNN nữa. Hãy chấm dứt ngay các hiện tượng miễn, giảm, hoãn nộp thuế đối với DNNN hoặc giảm nợ, khoanh nợ, giãn nợ, chuyển giao nợ cho các tổ chức khác. Chính phủ không được đứng ra nhận nợ và trả nợ thay cho DNNN, trừ các khoản nợ mà Chính phủ bảo lãnh”.

Tiếp tục đề nghị sự công bằng trong đối xử với các thành phần kinh tế, hàng loạt kiến nghị khác được TS Nguyễn Đình Cung nêu ra, như xóa bỏ đặc quyền của DNNN trong việc tiếp cận nguồn vốn của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB); xóa bỏ chức năng quản lý nhà nước của một số DNNN đối với tài nguyên thiên nhiên cũng như đặc quyền phân bổ, sử dụng tài nguyên có liên quan…

Theo Báo Diễn đàn Doanh nghiệp