Covid-19 đã được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận là một đại dịch. Rất nhiều nỗ lực đang được đổ vào việc phát triển vaccine cũng như các loại thuốc điều trị cho người mắc bệnh.
Ngoài việc đóng góp về vật chất hay công sức, người dùng máy tính trên toàn cầu hoàn toàn có thể sử dụng chính chiếc máy tính của mình để góp phần giúp các nhà khoa học "giải mã" virus SARS-CoV-2. Tất cả những gì bạn cần làm là tham gia vào dự án Folding@home do đại học Stanford khởi xướng.
Giải mã cấu trúc protein
Tất cả virus đều có thành phần protein, những phân tử sinh học cấu tạo từ acid amin. Các chuỗi acid amin với những đoạn "gấp" không theo quy luật nào khiến cho cấu trúc của protein rất phức tạp.
Virus cũng chứa protein, và mỗi loại virus có thể có cấu trúc protein khác nhau. Chính các protein trong virus giúp cho nó vượt qua được hệ thống miễn dịch và tái tạo. Để chống lại các virus, những nhà khoa học cần hiểu được protein của chúng có cấu trúc như thế nào.
Họ cần "mở" những nếp gấp của protein để tìm ra những chuỗi có thể tác động bằng thuốc. Để mở nếp gập, máy tính sẽ phải chạy các bài toán tái tạo liên tục nhằm tìm ra cấu trúc chính xác của chuỗi acid amin.
Dự án Folding@home đã được đại học Stanford giới thiệu từ năm 2000, với mục tiêu tái tạo lại cấu trúc protein của các loại virus, vi khuẩn gây bệnh nhằm tìm ra thuốc ức chế các bệnh như Alzheimer hay ung thư. Trước sự hoành hành của SARS-CoV-2, đại học Stanford tiếp tục kêu gọi người dùng máy tính trên toàn thế giới chung tay giải mã protein của loại virus này.
"Gần đây, chúng tôi đã tái tạo lại protein trong virus Ebola từng được coi là không thể tác động bằng thuốc, bởi những hình ảnh 3D trước đó không cho thấy vị trí có thể tác động. Từ các phép tái tạo, chúng tôi đã tìm ra một vị trí khác có thể dùng thuốc. Chúng tôi đã tiến hành các thí nghiệm để xác minh phép giả định từ máy tính, và giờ đây đang tìm kiếm loại thuốc có thể tấn công vào điểm yếu mới tìm ra", trang chính thức của dự án mô tả cách hoạt động của Folding@home.
Làm thế nào đế góp sức?
Để tái tạo cấu trúc protein, người dùng chỉ cần cài một chương trình từ trang web của đơn vị tổ chức, và bật nó lên. Chương trình sẽ tự động tối ưu tài nguyên của máy để vừa giải mã, vừa có thể hoạt động bình thường. Quá trình tái tạo được chia thành các phần rất nhỏ để máy tính của người dùng có thể xử lý.
Tất nhiên, máy tính càng mạnh càng có hiệu quả giải mã cao hơn, do đó cũng tái tạo được nhiều thành phần hơn. Với việc kêu gọi cộng đồng góp sức, Folding@home cho phép mọi người dùng có thể đóng góp vào quá trình tạo ra thuốc chữa cho những bệnh nặng của nhân loại bằng chính thiết bị của mình. Dự án cũng tạo nên một bảng xếp hạng cho những cá nhân hay nhóm có đóng góp nhiều nhất.
Người dùng Việt Nam đã biết đến phong trào này từ đầu những năm 2000, trong đó các diễn đàn chuyên về máy tính và ép xung như vOz hay Amtech đã lập nên các nhóm folding mạnh, đứng hàng top 100 trên thế giới. Để việc giải mã protein có hiệu quả, các nhóm sẽ phải kết hợp nhiều máy tính lại cùng giải mã hoặc sử dụng các phần cứng đặc biệt.
Bảng xếp hạng Folding@home từng là một cuộc đua của những nhóm yêu thích phần cứng ở Việt Nam, tuy nhiên phong trào này đã đi xuống khi những người có phần cứng mạnh chuyển sang "đào" tiền kỹ thuật số.
Trước tình hình của dịch Covid-19, diễn đàn vOz đã kêu gọi thành viên tham gia lại dự án. Trên nhóm của diễn đàn, anh Trịnh Ngọc Linh, thành viên quản trị cho rằng thành viên vOz nên "làm gì để sau có cái kể cho con cháu nghe về mùa nghỉ Tết năm ấy".
Dù lựa chọn tham gia với các nhóm Folding lớn hay đơn lẻ sử dụng máy tính của mình, đây vẫn là một dự án có ý nghĩa và đơn giản để bạn góp sức phòng đại dịch.
Theo Zing