|
TS Lê Mai Tùng chia sẻ kinh nghiệm của bản thân khi khởi nghiệp - Ảnh: HỮU KHOA |
Trong vòng nửa tháng, TS Lê Mai Tùng liên tiếp bước lên sân khấu "ẵm" giải nhất của hai cuộc thi về khởi nghiệp tại Việt Nam.
Đó là giải nhất cho dự án ShareCarForAds - quảng cáo trên xe hơi tại cuộc thi SwissInnovation Challenge Việt Nam (giải thưởng 15.000USD) và dự án EyeQ Tech - camera thông minh tại cuộc thi Bánh xe khởi nghiệp - Startup Wheel 2017 (giải thưởng 200 triệu đồng).
* Anh từng là giảng viên đại học tại TP.HCM, sau khi lấy bằng tiến sĩ ở Úc và có thời gian làm việc ở nước ngoài, anh về Việt Nam để khởi nghiệp. Trong khi nhiều người chọn phương án an toàn là làm việc ở nước ngoài, còn anh thì làm điều ngược lại?
Tôi không phải là người thích chọn phương án an toàn. Nếu muốn an toàn, ngay từ đầu tôi đã không đi du học. Tôi luôn chọn việc gì đó thật vui vẻ và hào hứng. Mỗi ngày thức dậy, đặt hai chân xuống đất thì mình cảm thấy tràn đầy niềm hứng khởi đi tới nơi làm việc mà mình thấy vui.
Khi làm việc ở Úc, tôi bắt đầu muốn đi, nhưng đi nước nào cũng là sự đắn đo. Tôi có thể sang Mỹ làm cho các công ty khởi nghiệp ở Mỹ hoặc sang châu Âu.
Nhưng tôi có một lựa chọn khác là về VN. Trước khi du học, tôi vẫn còn nặng nợ với việc giải quyết kẹt xe ở VN nên tôi muốn trở về thực hiện giấc mơ. Tôi không muốn từ bỏ giấc mơ đó. Nhưng ít ra bây giờ, khi tôi đã thực hiện và đã thất bại nhưng tôi vẫn thấy hài lòng bởi tôi đã gắng hết sức, làm đến cùng ý tưởng mà tôi ấp ủ.
* Có phải anh đang nói đến là PinBike - dự án ứng dụng công nghệ để đi chung xe gắn máy mà anh đã khép lại? Anh rút ra được bài học gì từ dự án này?
Tôi thiếu kiến thức về kinh doanh, thiếu kiến thức để xây dựng một sản phẩm mà thị trường mong muốn. Khi làm PinBike, nhiều người hỏi tôi thu tiền bằng cách nào. Tôi cứ nói rằng lấy người dùng trước rồi thu tiền sau.
Nhưng không đúng, sản phẩm này phải ra ngoài đời thực nên tự thân nó phải có kinh doanh để nuôi sống dự án. Nhưng lúc đó tôi thiếu kiến thức nên đã thất bại. Bài học rút ra cho tôi là phải xây dựng song song giữa kỹ thuật và kinh doanh, ngay cả xây dựng đội ngũ cộng sự cũng cần cân bằng giữa hai yếu tố đó.
TS Lê Mai Tùng đã chinh phục ban giám khảo cuộc thi Bánh xe khởi nghiệp - Startup Wheel 2017 để giành giải nhất với dự án EyeQ Tech - camera thông minh, khi anh trả lời thuyết phục mọi câu hỏi mà ban giám khảo đặt ra về tính ứng dụng của sản phẩm này - Ảnh: NGỌC HIỂN
* Bây giờ, anh lại xây dựng hai dự án mới, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực quảng cáo, nhưng nó có gì đặc biệt khiến anh chinh phục được ban giám khảo ở cả hai cuộc thi?
ShareCarForAds là quảng cáo trên xe cá nhân, nhưng yếu tố mới là khách hàng thanh toán chi phí dựa trên tổng quãng đường, khu vực xe chạy, số lượng người tiếp cận. Chỉ cần bằng phần mềm trên điện thoại di động, khách hàng sẽ biết ngay được các thông tin đó cho nên tính minh bạch cao.
Mới tháng 12 năm ngoái chúng tôi chỉ quảng cáo trên 50 xe nhưng đến bây giờ đã có hơn 1.600 xe và chúng tôi đang phát triển ở các địa phương khác ngoài TP.HCM.
Còn dự án EyeQ Tech thiên về trí tuệ nhân tạo. Đây là ứng dụng thị giác máy tính, thay cho đôi mắt con người. Hệ thống camera thông minh giúp phân tích giới tính, độ tuổi và hành vi của người xem để cá nhân hóa quảng cáo chạy trên màn hình.
Ngoài ra, ứng dụng còn đo đếm thói quen trong quá khứ, tần suất quay trở lại quán của khách hàng tại một điểm và hiện tại chúng tôi đã triển khai ứng dụng tại một hệ thống cà phê ở TP.HCM.
TS Lê Mai Tùng (áo trắng) hướng dẫn các sinh viên làm việc tại công ty của mình - Ảnh: HỮU THUẬN
* Anh thường chọn cộng sự là những sinh viên để gắn bó với công ty của mình, vậy anh có lời khuyên nào dành cho sinh viên khi quyết định làm việc ở các công ty khởi nghiệp hoặc đứng ra khởi nghiệp?
Sinh viên muốn làm trong công ty khởi nghiệp phải là những người lăn lộn, sẵn sàng đương đầu vô thử thách. Hiện nay có rất nhiều công ty khởi nghiệp để các bạn quăng mình vào làm tích lũy kinh nghiệm mà "học phí" do công ty trả.
Nếu các bạn làm có sai sót thì sai sót đó đều do công ty chịu. Còn nếu các bạn tự bước ra khởi nghiệp, nếu có sai sót thì chính các bạn gánh, mất tiền của các bạn. Tôi may mắn có cộng sự là những sinh viên giỏi, trong đó có nhóm sinh viên của khoa quản trị kinh doanh ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), dù là sinh viên nhưng các bạn làm việc rất chuyên nghiệp.
Tôi cho rằng trong khởi nghiệp, tuổi tác không quan trọng mà tuổi nghề rất quan trọng. Nếu bạn đi làm năm 20 tuổi, ra trường bạn có 2 năm kinh nghiệm. Nhưng nếu khi ra trường mới bắt đầu khởi nghiệp thì bạn có zero (0) năm kinh nghiệm.
Đừng khởi nghiệp vì mình không thích đi làm thuê cho người khác. Hãy khởi nghiệp bởi vì mình có đủ kinh nghiệm, đủ chín chắn để nhận ra những vấn đề mà người khác không giải quyết được.
Một lời khuyên nữa là hiện nay có cộng đồng khởi nghiệp, có rất nhiều mentor (người cố vấn) tốt hơn mình sẵn sàng đưa ra lời khuyên tốt. Còn nếu bạn cứ ru rú ở nhà, tự xây dựng sản phẩm rồi thất bại chẳng ai hay.
Khi bước ra ngoài, bạn sẽ gặp những người khởi nghiệp thành công, như tôi may mắn được gặp anh Trần Thái Sơn, CEO của Tiki. Anh Sơn đã chia sẻ nhiều về kinh nghiệp khởi nghiệp để đi tới thành công mà tôi rút ra được nhiều bài học. Do vậy, những người muốn khởi nghiệp hãy học hỏi những người đi trước để không đi lên những vết xe đổ trên con đường khởi nghiệp.
TS Lê Mai Tùng năm nay 34 tuổi, tốt nghiệp tiến sĩ tại ĐH New South Wales (Úc) sau đó làm việc tại công ty TripGo ở Úc và tại Nhật Bản trước khi về Việt Nam khởi nghiệp.
Anh là cha đẻ của ứng dụng PinBike, ứng dụng kết nối những người có nhu cầu di chuyển cùng một quãng đường. Sau PinBike, anh tiếp tục phát triển dự án Sharecar.vn, cung cấp dịch vụ đưa đón sân bay, cho thuê xe đường dài thông qua công nghệ.
Hiện nay, anh đang tập trung phát triển hai ứng dụng ShareCarForAds - quảng cáo trên xe và EyeQ Tech - camera thông minh đều sử dụng dụng công nghệ trong lĩnh vực quảng cáo.