|
Nhà báo |
Mấy ngày qua tại đám tang của nghệ sĩ hài Anh Vũ ở TP.HCM đã có sự lộn xộn rất phản cảm của nhiều YouTuber, Streamers. Rất nhiều tay máy “khủng” chen chúc, giành chỗ để chụp hình, quay phim, livestream, selfie, check-in, thả tim, nói cười, tranh luận gay gắt về cách câu views với đám tang… Rất nhiều người trong số này đưa lên kênh YouTube cá nhân, đánh vào tâm lý tò mò, thu hút lượt views “khủng” để kiếm tiền, thật phản cảm!
Tình trạng này diễn ra ở nhiều đám tang những người nổi tiếng như diễn viên Wanbi Tuấn Anh, nghệ sĩ Minh Thuận, và bây giờ là nghệ sĩ hài Anh Vũ.
“Đội quân” YouTuber này ở đâu ra? Tất nhiên là từ nhu cầu của cộng đồng xem YouTube và từ hệ quả của “người người làm báo” trên mạng. Nhưng không phải báo chí chính thống - đặc biệt báo mạng, trang điện tử - là vô can hoàn toàn trong chuyện này.
|
Quá nhiều người có mặt nói cười chen lấn, livestream, selfie tại đám tang nghệ sĩ
|
Nhiều nhà báo, phóng viên chính thống nay đã thành các YouTuber chuyên nghiệp, họ gần như “quên” đạo đức báo chí để chen lấn cật lực nơi đây. Rồi cách chụp hình, quay phim, phỏng vấn, đặt câu hỏi của các phóng viên chính thống không phải lúc nào cũng chừng mực, hợp lý và đúng thời điểm. Chính cách khai thác "sắc sảo", khá “pro” từ họ đã có ảnh hưởng không ít tới các YouTuber, các Streamers…
Đã có nhiều cuộc cự cãi, xô xát nhẹ để giành vị trí giữa các YouTuber, Streamers và các phóng viên, nhà báo chính thống đến tác nghiệp. Những cuộc bàn luận về cách câu view, kéo lượt người xem của các đại diện từ báo chí quá dửng dưng và phản cảm trước cái chết của một con người. Dường như lượng view - cũng đồng nghĩa với nhuận bút, thu nhập - đã khiến nhiều người bất chấp, các Streamers, các YouTuber và vài tờ báo phải giành nhau “miếng cơm manh áo” ở một đám tang, thật đau đớn!
Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam do Hội Nhà báo Việt Nam ban hành ngày 24/12/2018 có 8 điều nhà báo không được làm khi tham gia mạng xã hội. Trong đó điều 7 ghi: “miêu tả thô thiển, phản cảm những hành động dâm ô, tội ác, thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa của dân tộc và đạo đức xã hội”. Nhìn cách tác nghiệp của một số nhà báo tại đám tang Anh Vũ có thể nói họ đã “thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa của dân tộc và đạo đức xã hội”.
|
Diễn viên Wanbi Tuấn Anh, nghệ sĩ Minh Thuận, và bây giờ là nghệ sĩ hài Anh Vũ đã không có được một đám tang bình thường
|
Đổ lỗi hoàn toàn cho các Youtuber, Streamers thì cũng dễ dàng thôi, vì chắc họ cũng không mấy quan tâm đến điều này. Nhưng có một điều, đó là tang gia và các nghệ sĩ, người dân đến viếng có phân biệt nổi đâu là báo chí chính thống, đâu là các Youtuber, Streamers không? Chắc là rất khó, vì thấy ai cũng quay quay, chụp chụp, cũng phỏng vấn, ghi chép khá “pro”. Không phải ngẫu nhiên mà nghe một câu chửi rất nặng: “báo chí như đám kền kền”. Nhiều báo nghiêm túc sẽ bất bình với câu chửi này, vì họ bị oan, nhưng cũng khó trách người chửi, làm sao họ phân biệt nổi.
Nhìn rộng hơn, hệ quả của điều này còn đến từ một phần thiếu sót ở giáo dục và gia đình. Thử làm một khảo sát những người trong độ tuổi U20, U30 xem phải ứng xử thế nào cho đúng mực tại một đám tang, chắc sẽ rất bất ngờ vì số đông sẽ không biết trả lời thế nào. Không phải họ dở, họ vô tâm, mà đơn giản, đa số không được hướng dẫn, nhắc nhở về điều này đủ nhiều để thành một thói quen ứng xử. Gặp đám tang phải cởi mũ, cúi đầu, đi chậm… dù đã có học, nhưng thoáng qua, nên ít còn được thực hiện. Nhiều vụ đánh nhau đến bị thương, chết người vì sự bất bình trước hành độ vô lễ với đám tang đã diễn ra nhiều nơi, đặc biệt ở các thành phố lớn. Không ngạc nhiên khi cụm từ “ứng xử tại đám tang” có hơn gần 55 triệu kết quả trên Google, cao một cách nhức nhối.
Với cộng đồng mạng rộng lớn thì thật khó kiểm soát, nhưng với các tờ báo, các trang điện tử… thì đâu là giới hạn tác nghiệp ở các đám tang? Mà đâu chỉ có đám tang, sự tác nghiệp vô cảm, vô văn hóa cũng đã xảy ra ở nhiều nơi trang trọng và riêng tư khác, trong đó có đám cưới, sinh nhật, thôi nôi…