|
Đức là quốc gia có quy định khắt khe nhất đối với hoạt động của các mạng xã hội |
Đạo luật mà Quốc hội Liên bang Đức thông qua có tên gọi là “Network Enforcement Act” (tạm dịch là Luật cưỡng chế hành vi sai phạm trên Mạng). Đạo luật này còn có một tên gọi “dân dã” khác là “luật Facebook”. Sau khi được bỏ phiếu thông qua vào ngày 30/6, đạo luật sẽ chính thức có hiệu lực vào tháng 10/2017.
Theo các quy định trong đạo luật, các công ty truyền thông xã hội sẽ phải đối mặt với một mức phạt nghiêm khắc nếu không kịp thời xóa bỏ trong vòng 24 giờ các nội dung “rõ ràng là bất hợp pháp”. Đó là các nội dung mang tính chất thù hận, phỉ báng và kích động bạo lực. Các mạng xã hội sẽ phải trả khoản tiền phạt ban đầu là 5 triệu euro (129 tỷ đồng). Số tiền có thể tăng lên đến 50 triệu euro (khoảng 1296 tỷ đồng). Các công ty truyền thông cũng sẽ có khoảng thời gian 1 tuần để xóa bỏ các thông điệp khó phân biệt nội dung hơn.
Bộ trưởng Tư pháp Đức Heiko Maas và những người ủng hộ đạo luật đã lập luận rằng cần phải hạn chế sự lan rộng của ngôn từ thù ghét. Pháp luật Đức cần phải có những quy định chặt chẽ về điều này. Tuy nhiên, các nhà hoạt động vì quyền lợi số đã chỉ trích mạnh mẽ đạo luật này. Họ nói rằng nó đã vi phạm quyền tự do ngôn luận, và nó gây khó khăn cho các công ty công nghệ cao khi xác định tính hợp pháp của các nội dung trực tuyến.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tư pháp Đức vẫn cương quyết bảo vệ lập luận của mình: “Kinh nghiệm cho thấy nếu không có áp lực chính trị, các mạng xã hội sẽ không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình. Đạo luật này là bắt buộc. Tự do ngôn luận sẽ dừng lại tại ngưỡng vi phạm pháp luật".
Facebook đã có những phản hồi sau khi đạo luật được thông qua tại Đức: “Chúng tôi tin rằng những giải pháp tốt nhất sẽ được đưa ra khi đại diện chính phủ, xã hội dân sự và đại diện các công ty công nghệ ngồi lại với nhau để tìm ra tiếng nói chung. Đạo luật hiện nay sẽ ngăn cản những nỗ lực tìm ra giải pháp cho vấn đề này. Chúng tôi cho rằng do sự xem xét không kỹ lưỡng cũng như sự tư vấn không chính xác nên chính phủ Đức đã thông qua đạo luật này. Facebook sẽ tiếp tục nỗ lực để đảm bảo an toàn cho người sử dụng mạng xã hội”.
Người phát ngôn của Twitter đã từ chối bình luận về đạo luật mới được thông qua.
Trong những năm gần đây, các nhà lập pháp Đức đã tăng cường các biện pháp để ngăn chặn các lời tuyên bố thù địch trên mạng xã hội, trong bối cảnh mà tình trạng căm ghét người di cư đang tăng cao. Facebook, Twitter và Google đã đồng ý loại bỏ nội dung thù địch khỏi nền tảng của họ trong vòng 24 giờ, theo một thỏa thuận năm 2015 với chính phủ Đức. Nhưng một báo cáo năm 2017 do Bộ Tư pháp đưa ra cho thấy các công ty này đã không thực hiện được cam kết của mình.
Hồi đầu tháng này, cảnh sát Đức đã lục soát 36 hộ gia đình để tìm bằng chứng về các phát ngôn chứa nội dung thù hận. Năm ngoái, 60 người cũng đã bị cáo buộc có những phát ngôn mang tính thù hận và kích động bạo lực sắc tộc.
Các công ty truyền thông xã hội đang phải đối mặt với áp lực từ các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu, đòi hỏi phải xóa bỏ những phát ngôn thù địch, tin giả, và tuyên truyền khủng bố. Tháng trước, Hội đồng Châu Âu đã chấp thuận một loạt các đề xuất đòi hỏi các công ty phải chặn bất kỳ video nào chứa lời nói thù hận hoặc kích động bạo lực. Bộ trưởng Tư pháp Đức cũng đã kêu gọi các nước thuộc liên minh Châu Âu ban hành những quy định chặt chẽ hơn về vấn đề này.