Đức có kế hoạch mua hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow-3 của Israel

VietTimes – Đức hiện có kế hoạch mua hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow-3 trị giá 4 tỉ USD do Israel và Mỹ hợp tác phát triển và chế tạo để chống lại các đòn tấn công tiềm năng bằng tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung của Nga.

Với tổng trị giá 4 tỉ euro, Đức có kế hoạch mua hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow-3 của Israel, được trang bị những tên lửa đánh chặn ngoài tầng khí quyển. Chính phủ Đức đang xem xét mua hệ thống này nhằm phòng thủ chống lại các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mang đầu đạn hạt nhân, hóa học, sinh học hoặc thông thường từ phía Nga.

Để đặt hàng cho hợp đồng mua sắm, chính phủ liên bang Đức dự định yêu cầu quốc hội thanh toán trước 560 triệu euro, sớm nhất vào ngày 15/6. Thời gian giao hàng dự kiến là năm 2025, kết quả đàm phán hợp đồng cuối cùng dự kiến ​​​​sẽ hoàn tất cuối năm 2023 Đây sẽ là hợp đồng vũ khí trang bị lớn nhất trong lịch sử ngành công nghiệp quốc phòng Israel.

Những cuộc đàm phán giữa Israel và Đức, liên quan đến việc mua tổ hợp phòng thủ tên lửa Arrow-3 đã diễn ra trong hơn một năm. Thủ tướng Đức Olaf Scholz chính thức bày tỏ sự quan tâm đến khả năng mua hệ thống Arrow-3 trong một cuộc gặp với cựu thủ tướng Israel Naftali Bennett.

Sau cuộc họp, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz đã liên lạc với chính quyền Mỹ yêu cầu phê duyệt thương vụ. Nhưng yêu cầu bị từ chối, thậm chí sau nhiều lần đàm phán thuyết phục Nhà Trắng. Thương vụ bắt buộc phải có sự chấp thuận của Mỹ, do quốc gia này đã chi trả 80% ngân sách cho dự án hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow-3 với khoản đầu tư lên tới 2,2 tỉ USD vào những hoạt động nghiên cứu và phát triển của Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Israel (IAI).

PhongtenluadanhchanArraw301.jpg
Tổ chức Phòng thủ Tên lửa Israel tiến hành phóng thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow 3 ở Alaska. Ảnh Tổ chức Phòng thủ Tên lửa Israel.

Arrow-3 hay Hetz 3 là tên lửa chống tên lửa đạn đạo siêu thanh ngoài tầng khí quyển, do Israel và Mỹ đồng đầu tư, phát triển và sản xuất. Dự án do Tập đoàn công nghiệp Hàng không Vũ trụ Israel (IAI) và Boeing thực hiện dưới sự giám sát của cơ quan “Homa” (Rampart) thuộc Bộ Quốc phòng Israel và Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ.

Tổ chức phòng thủ tên lửa Israel phóng thử nghiệm tên lửa Arrow-3 ở Alaska. Mỹ. Video Bộ quốc phòng Israel.

Stark, một công ty con của Israel Aerospace Industries có trụ sở tại Mỹ đã được chọn để sản xuất thùng vận chuyển - phóng Arrow 3, đã thực hiện chuyến giao hàng đầu tiên vào tháng 9/2018. Arrow-3 cũng là tên lửa chống vệ tinh, sẽ đưa Israel trở thành một trong những cường quốc tên lửa phòng thủ vũ trụ hàng đầu thế giới do không có nhiều quốc gia có khả năng bắn hạ được vệ tinh.

Phương pháp đánh chặn ngoài khí quyển được cấp bằng sáng chế của Arrow 3 là một tên lửa đánh chặn hai tầng, tương tự như tên lửa phòng không Arrow-2, nhưng chỉ sử dụng công nghệ đánh chặn động năng đầu đạn (hit-to-kill).

Hầu hết các phương tiện đánh chặn trên bầu khí quyển sử dụng động cơ đẩy nhiên liệu lỏng hoặc khí nén để cơ động trong không gian, nhưng đầu đạn đánh chặn mới của Israel sử dụng một động cơ đẩy tên lửa thông thường, trang bị vòi phun vectơ lực đẩy có điều khiển.

Vũ khí cung cấp khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo ngoài bầu khí quyển (trong giai đoạn bay trong không gian thuộc quỹ đạo đường đạn). Với khả năng chuyển hướng linh hoạt của động cơ vectơ, đầu đạn đánh chặn có thể chuyển hướng đột ngột, cho phép xoay vòng để quan sát các vệ tinh đang đến gần và đầu đạn tên lửa đạn đạo. Phạm vi hoạt động của tên lửa đánh chặn có thể lên tới 2.400 km, độ cao chiến đấu đạt 100 km.

Theo Military Leak