Đó là lưu ý của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2017 vừa được tổ chức.
2016 là năm bản lề của tái cơ cấu VNPT
Theo ông Phạm Đức Long, Tổng Giám đốc Tập đoàn, năm 2016 là năm đầu tiên VNPT chính thức vận hành theo mô hình mới và đây cũng là năm bản lề của tái cơ cấu VNPT. Dù gặp nhiều khó khăn trong quá trình thay đổi toàn diện mô hình và cách thức quản trị doanh nghiệp nhưng VNPT đã hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Cụ thể, tổng doanh thu của Tập đoàn đạt 133.233 tỷ đồng, bằng 102,5% kế hoạch, tăng 7% so với năm 2015. Tổng lợi nhuận đạt 4.380 tỷ, bằng 102% kế hoạch, tăng 20,3% so với năm 2015 và tăng gấp đôi so với thời điểm năm 2013 trước khi tiến hành tái cơ cấu. Tổng nộp ngân sách nhà nước là 3.600 tỷ, đạt 100,3% kế hoạch, tăng 1,4% so với năm 2015. Tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu hợp nhất toàn Tập đoàn đạt 7%, tăng 20,1% so với năm 2015. Cũng trong năm 2016, đã phát triển mới 6,5 triệu thuê bao di động Vinaphone, đạt tổng số thuê bao di động là 31,6 triệu. “Những con số này cho thấy hiệu quả từ mô hình mới của VNPT sau tái cấu trúc”, ông Phạm Đức Long nhấn mạnh.
Năm 2016 cũng là năm VNPT xác định mảng dịch vụ CNTT là mảng kinh doanh mũi nhọn giai đoạn 2016-2020, ông Phạm Đức Long khẳng định. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ cho lĩnh vực này, VNPT đã đạt được những thành tích đáng chú ý. Nhiều giải pháp CNTT của VNPT đã được đón nhận rộng rãi và được khách hàng đánh giá cao như VNPT-iGate, VNPT-iOffice, VNPT HIS.. VNPT cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược viễn thông - CNTT với 51/63 tỉnh thành trên cả nước; giải pháp thành phố thông minh của VNPT đã được 5 tỉnh thành phố lớn (trong đó có TP Hồ Chí Minh) lựa chọn để triển khai.
Ngoài ra, nhiều sản phẩm công nghiệp mang thương hiệu VNPT đã tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường trong nước và vươn ra quốc tế. Một số hợp đồng cung cấp thiết bị viễn thông cho đối tác tại Lào, Campuchia đã được ký kết.
Riêng trong năm 2016, với việc nhà máy sản xuất thứ 2 tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc chính thức đi vào hoạt động nâng tổng công suất lên tới gần 1 triệu sản phẩm/tháng, VNPT đã sản xuất và cung cấp ra thị trường gần 1,8 triệu thiết bị Modem ADSL và GPON ONT; 300.000 thiết bị MyTV Set-top-box và các thiết bị khác như wifi AP, modem wifi, điện thoại di động, smart box...
Đẩy mạnh các dịch vụ CNTT mang đậm dấu ấn của VNPT
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đánh giá cao nỗ lực của Tập đoàn VNPT để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong năm 2016. “Năm 2016 đánh dấu sự chuyển mình của Tập đoàn VNPT sau 1 năm thực hiện đổi mới, sắp xếp lại mô hình hoạt động theo Đề án tái cơ cấu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 888/QĐ-TTg. VNPT đã tiếp tục củng cố, khẳng định vị trí là một trong ba trụ cột chính trên thị trường viễn thông - CNTT tại Việt Nam”, Bộ trưởng nhận định.
Bộ trưởng đánh giá, trong điều kiện vừa tiếp tục ổn định, sắp xếp mô hình tổ chức, vừa triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2016, VNPT vẫn đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định, “cơ bản hoàn thành kế hoạch đã đề ra ”vì tổng doanh thu hợp nhất toàn Tập đoàn mới đạt 98,1%.
Tập đoàn VNPT đã từng bước chuyển dịch cơ cấu tăng trưởng từ các dịch vụ viễn thông truyền thống sang phát triển, cung cấp các sản phẩm dịch vụ viễn thông – CNTT. VNPT đã trở thành đối tác của nhiều Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong triển khai xây dựng hạ tầng viễn thông và CNTT phục vụ phát triển chính phủ điện tử.
Một điểm nổi bật trong hoạt động của Tập đoàn VNPT được Bộ trưởng đánh giá cao là VNPT đã chú trọng đầu tư chiều sâu trong công tác nghiên cứu và phát triển công nghiệp CNTT, bước đầu cho ra mắt nhiều sản phẩm mang thương hiệu VNPT như: điện thoại di động, modem ADSL, wifi, set top box…
Những sản phẩm này không những giải quyết được nhu cầu nội tại cho hoạt động kinh doanh của VNPT, giảm dần sự lệ thuộc vào các nhà sản xuất nước ngoài, mà còn đáp ứng được mong muốn của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong việc tạo ra các sản phẩm công nghệ mang thương hiệu Việt. Bộ trưởng mong muốn trong trong thời gian tới, lĩnh vực này sẽ góp phần quan trọng đem lại doanh thu, lợi nhuận lớn cho VNPT, khẳng định vị thế của VNPT là một Tập đoàn viễn thông - công nghệ hàng đầu tại Việt Nam.
Bộ trưởng cũng bày tỏ sự nhất trí cao với Tổng Giám đốc Phạm Đức Long khi đã “thẳng thắn nhìn nhận 9 vấn đề còn tồn tại của Tập đoàn trong năm 2016” để có định hướng khắc phục trong thời gian tới. Bộ trưởng Trương Minh Tuấn tin tưởng rằng việc nhìn ra được những hạn chế, yếu kém là một trong những yếu tố góp phần cho VNPT vượt qua chính mình để không ngừng phát triển.
Bộ trưởng chỉ đạo trong năm 2017 Tập đoàn cần đặc biệt tập trung chú ý các vấn đề cụ thể sau: Tập đoàn cần xác định mục tiêu, tầm nhìn trong lĩnh vực viễn thông, CNTT cả trong nước và ở nước ngoài, từ đó đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm thực hiện các tầm nhìn đó trong năm 2017 và những năm tiếp theo.
Bộ trưởng lưu ý VNPT cần tiến hành đánh giá hiệu quả thực chất của hoạt động sản xuất thiết bị đầu cuối, quản lý hiệu quả các cửa hàng đại lý SIM, thẻ hướng tới phát triển bền vững, tránh chạy theo doanh thu ảo.
Đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ viễn thông và CNTT, Bộ trưởng yêu cầu VNPT cần đẩy mạnh các dịch vụ CNTT mang đậm dấu ấn của VNPT, tiếp tục nâng cao chất lượng mạng lưới 3G, triển khai dịch vụ 4G trên phạm vi toàn quốc. Đặc biệt, Bộ trưởng lưu ý sau khi đã triển khai hạ tầng 4G cần đẩy mạnh cung cấp dịch vụ nội dung cho truyền hình, viễn thông.