Thông tin vừa được Ngân hàng Trung ương Nga công bố, tháng 1/2016, dự trữ vàng và ngoại hối của Nga đã tăng 3,2 tỷ USD, đạt 368,3 tỷ USD, bao gồm: 273,5 tỷ USD chứng khoán; 29,2 tỷ USD -tiền mặt; 2,5 tỷ USD - vốn dự trữ tại IMF; 7,9 tỷ -quyền rút vốn đặc biệt trong IMF.
Thêm vào đó, là 51,4 tỷ USD dự trữ vàng và khoảng 30 tỷ USD các tài sản tương đương khác.
Vào giữa năm ngoái, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga, Dmitry Tulin tuyên bố rằng, Moscow dự định tăng khối lượng dự trữ vàng và ngoại tệ lên mức 500 tỷ USD trong vòng từ 3 đến 5 năm, tùy thuộc vào các diễn biến kinh tế vĩ mô trên thực tế.
Cũng liên quan đến câu chuyện dự trữ ngoại tệ, mới đây, do doanh thu từ việc bán dầu sụt giảm đến 70%, Ngân hàng Trung ương Venezuela đã bắt đầu đàm phán với Deutsche Bank về việc đổi lượng vàng dự trữ của đất nước để lấy ngoại tệ tiền mặt.
Các chuyên gia ước tính rằng dự trữ ngoại hối của Venezuela vào khoảng 15,3 tỷ USD, trong đó dự trữ vàng chiếm tới 65%.
Được biết, ngay trong tháng Hai này, Venezuela sẽ phải thanh toán 2 tỷ USD trong tổng số 9,5 tỷ USD mà quốc gia này đang nợ nước ngoài. Trong khi, dự trữ tiền mặt của Cacaras chỉ còn tổng cộng 2,4 tỷ USD.
Đồng cảnh ngộ với Venezuela, 4.000 tỷ USD dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc cũng thu hẹp 1/5 kể từ mùa hè năm 2014. TheoThe New York Times, hơn 1/3 trong số đó được sử dụng trong vòng 3 tháng qua. Cuối tháng 1, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc là 3.230 tỷ USD.
Nguyên nhân chính của hiện tượng này, xuất phát từ việc Bắc Kinh dùng ngoại tệ để chống đỡ cho nội tệ, khi tình trạng di cư vốn ngày càng gia tăng.
Dương Nhâm