|
Chính phủ nên điều chỉnh chính sách để tận dụng tối đa nguồn lực trong kỷ nguyên số hiện nay. |
Câu chuyện về Dự thảo luật An ninh mạng luôn là đề tài bàn luận sôi nổi và ý kiến trên được đưa ra tại Hội thảo "Kinh tế số và chính sách an ninh mạng Việt Nam" do Hội Truyền thông số Việt Nam phối hợp với Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tổ chức gần đây tại Hà Nội.
Nhận định về ảnh hưởng của Luật An ninh mạng, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Internet kiêm CEO Netnam cho biết, dự luật An ninh mạng sẽ ảnh hưởng 2 chiều: Thứ nhất là đối với những người phải thực thi và phải bỏ chi phí ra, chiều thứ hai là đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ an ninh mạng.
Dưới góc độ doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, theo ông Bình, sẽ thấy cơ hội kinh doanh khi họ có đủ năng lực và giấy phép. Còn ở góc độ người phải chi tiền, như các cơ quan, tổ chức sử dụng dịch vụ thì sẽ tạo gánh nặng chi phí.
Là một doanh nghiệp trực thuộc Hiệp hội Internet Việt Nam, ông Bình bày tỏ mong muốn nếu được thông qua, Luật An ninh mạng sẽ không nên tạo nên những rào cản đối với việc kinh doanh thông thường của các doanh nghiệp.
“Nhà nước có lý của mình khi phải ra được luật về an ninh mạng, trong khi doanh nghiệp lại mong muốn có môi trường kinh doanh cởi mở, ít cản trở”, ông Bình nói.
Trong khi đóng, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông, Hội truyền thông số Việt Nam lại cho rằng Luật an ninh mạng đưa ra sẽ giúp tận dụng triệt để được các lợi thế của Việt Nam trong kỷ nguyên số hiện nay.
Ông Đồng cho biết, lợi thế của kinh tế Việt Nam là ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, khu vực nhỏ và vừa – những khu vực sẽ được hưởng lợi rất nhiều trong làn sóng công nghệ hiện nay.
“Công nghệ số đang làm thay đổi thói quen của người dùng đồng thời kéo các doanh nghiệp nhỏ và vừa, từ những hộ gia đình vào hệ thống kinh tế số một cách hiệu quả, giảm chi phí kinh doanh, tối ưu hóa các công việc marketing”, ông Đồng cho biết.
Hơn nữa, với kinh tế số, sẽ khó có thể xuất hiện tình trạng một doanh nghiệp lớn thống trị hoàn toàn một mảng riêng biệt. Thay vào đó, nhờ công nghệ, lợi ích sẽ được lan tỏa ra khắp nơi và các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tiếp nhận được các lợi ích này.
Từ những phân tích trên, ông Đồng cho rằng, Luật an ninh mạng nên xây dựng các chính sách pháp lý tạo ít rào cản đối với doanh nghiệp thì sẽ tận dụng được những lợi ích trên.
“Chúng ta phải làm thế nào đấy để gỡ bỏ giấy phép con giúp kinh tế số vượt qua biên giới quốc gia”, ông Đồng nói và cho biết, “Cách làm thế nào thì phụ thuộc vào nhà nước và sẽ đặt ra thách thức rất lớn đối với nhà nước”.
Cụ thể, các thay đổi về chính sách để phù hợp với kỷ nguyên công nghệ này có thể làm thay đổi những quyền lực truyền thống của nhà nước, ví dụ như tiền ảo hay chủ quyền quốc gia. Nhưng mặt khác, ông Đồng nhận định, cùng với việc thay đổi các chính sách một cách thích hợp thì vai trò của nhà nước sẽ tăng lên theo, chỉ có điều là cách làm, cách quản lý sẽ khác đi.
Ông Đồng nhấn mạnh, chính sách ở đây không phải là pháp lý, pháp lý chỉ là một trong rất nhiều chính sách và chúng ta đang tập trung quá nhiều vào các giải pháp pháp lý, cần phải nhìn rộng ra thì mới có cách tiếp cận toàn diện hơn.
Dưới góc độ quản lý nhà nước, bà Đỗ Hải An, Phó Phòng Chính sách & Hợp tác Quốc tế, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và truyền thông cho biết thêm, hiện Luật an toàn thông tin đã quy định rất kỹ về kỹ thuật xử lý bảo đảm an toàn an ninh thông tin.
Do đó, Luật an ninh mạng, theo quan điểm riêng của bà An, thì sẽ tập trung vào điều chỉnh nội dung thông tin được lưu chuyển, ví dụ như các vấn đề về tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước… Phải làm sao để đảm bảo an toàn an ninh trên thông tin đó, đảm bảo không bị xuyên tạc chống phá…
"Có thể không cần phải ra thêm Luật An ninh mạng, vì Luật an toàn thông tin đã xây dựng bộ quy chuẩn về an toàn thông tin khá cụ thể và chi tiết, nên không cần điều chỉnh thêm bằng một luật nữa, tránh chồng chéo trong quản lý và khiến doanh nghiệp bối rối trong việc thực hiện", bà Hải An nói thêm.