Dự Luật về rượu bia: Kiến nghị 3 điều “nằm lòng” với đại biểu Quốc hội

BS.TS. Trần Tuấn
BS.TS. Trần Tuấn

Giám đốc Trung tâm NC&ĐT Phát triển Cộng đồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes -- Chưa đầy hai tuần nữa, các đại biểu Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự Luật Phòng chống tác hại của rượu bia (PCTHRB). Liệu dự Luật được thông qua hay bị phủ quyết? Hay thông qua với những nội dung khó đảm bảo được muc tiêu đề ra là khung pháp lý phòng chống hiệu quả THRB?

Rượu bia và các loại đồ uống có cồn được xác định là “ma lực” trực tiếp, đã và đang tác động gây hại tới 13/17 mục tiêu phát triển bền vững của đất nước! Tốc độ gia tăng tiêu thụ rượu bia của Việt Nam trong 7 năm (2010-2017) lên tới 90%, nhanh nhất thế giới (1)! Song hành là gia tăng bạo hành gia đình, bạo lực cộng đồng, ấu dâm, tai nạn giao thông, bệnh tật và nghèo đói. Vì thế, việc có được bộ luật ngăn chặn hiệu quả tác hại do rượu bia gây ra, là mong đợi của toàn xã hội!

Thế nhưng, thực tế cho thấy, ngành công nghiệp rượu, bia đã can thiệp trực tiếp vào tiến trình xây dựng của dự Luật, khiến dự Luật đang trong tình trạng “xa khoa học, xa dân, gần doanh nghiệp”. Thông điệp của một ĐBQH đưa ra tại phiên họp Quốc hội ngày 23/5/2019 và sau đó với giới truyền thông bên ngoài nghị trường, cho thấy có một bộ phận tham gia vào tiến trình chỉnh sửa dự Luật vẫn đang tiếp tục hành động theo hướng cắt giảm các điều luật quản lý về quảng cáo, về tăng thuế, về hạn chế sự có sẵn, cốt đẩy dự Luật rơi vào tình trạng “chung chung, mập mờ”, bảo vệ sự phát triển của ngành công nghiệp rượu bia cao nhất có thể. Vì thế, cần phải ngăn chặn hiệu quả sự can thiệp này!

Rượu bia và các loại đồ uống có cồn được xác định là “ma lực” trực tiếp, đã và đang tác động gây hại tới 13/17 mục tiêu phát triển bền vững của đất nước!
Rượu bia và các loại đồ uống có cồn được xác định là “ma lực” trực tiếp, đã và đang tác động gây hại tới 13/17 mục tiêu phát triển bền vững của đất nước!

Không chỉ cần đến quyết tâm chính trị của các nhà lãnh đạo cao nhất hệ thống nhà nước, mà còn phụ thuộc rất lớn vào tri thức cùng đạo đức của các ĐBQH, để sao cho, trong 10 ngày tới, dự Luật được chỉnh sửa theo hướng “vì dân, vì sự phát triển bền vững của đất nước”,  trước khi thông qua tại phiên họp toàn thể của Quốc hội ngày 14/6/2019. Có ba điều “nằm lòng” xin gửi tới các vị ĐBQH:

Thứ nhất: Hãy biết tủi hổ cho “những cái nhất ngược!”

Số liệu khoa học do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra, phản ánh Việt Nam hiện giữ nhiều “cái nhất” ngược liên quan tới bia rượu. Đó thực sự là điều tủi hổ!

Bởi tự hào gì, khi “đứng nhất” trong hàng ngũ tiêu thụ thứ sản phẩm gây nghiện, gây ngộ độc cho người sử dụng, hậu họa khôn lường cho gia đình và xã hội! Con số “nhất thế giới” về tốc độ độ tăng trưởng tiêu thụ rượu bia: Giai đoạn 2010-2017 tăng  tiêu thụ + 90%, đạt 8,9 lít cồn quy đổi/người 15-64 tuổi/năm, 2018 tiếp tục “phi mã”: Vượt “chỉ tiêu” 4,67 tỷ lít bia và 350 triệu lít rượu/năm, trong khi các “cường quốc rượu bia” như Tây ban Nha, Nga, Anh, Canada, Úc.. trong cùng thời kỳ đều “quay đầu” giảm mạnh tiêu thụ (Canada: -10.8%, Úc: -14,4%...) (1).

Bởi “không có bất kỳ mức rượu bia nào giúp cải thiện sức khỏe cả!” là thông điệp khoa học dẫn đường cho hành động của mọi trí thức và người dân có tâm trên thế gian này “vì một cộng đồng hạnh phúc và phát triển bền vững”!

Bởi làm sao không “xấu hổ” khi nhìn sang một bằng chứng cho “tình yêu” khác: Đàn ông Việt độ tuổi lao động 15-64 tuổi trong khi có “văn hóa rượu bia” mê say “ma men” nhất nhì thế giới, nhưng lại có “văn hóa yêu lao động” ở tầm năng suất “nhất ngược” trong khu vực! Thua cả Lào và chỉ bằng 7% so với Singapore!

Biết xấu hổ, là điều kiện thứ nhất để “cảnh tỉnh” với những thông tin “bảo vệ doanh nghiệp” được phát ra rất mạnh trong suốt hơn một năm qua và sẽ tiếp tục “lên cao trào” trong những ngày tới ở một số đại biểu và cả lãnh đạo các ủy ban chuyên trách của Quốc hội. Với họ, mục tiêu đầu tiên là bằng mọi cách tạo ra một phiên bản dự luật chung chung, mập mờ, không rõ cơ chế quản lý thực hiện, chặn sự đồng bộ “tăng thuế, giảm sự có sẵn, hạn chế tối đa quảng cáo bia rượu”, đẩy bia và các loại đồ uống có cồn khác ra khỏi tầm kiểm soát của Luật, hướng nghị trường sang mục tiêu “triệt tiêu mô hình sản xuất nhỏ” để mở đường cho sự độc chiếm thị trường Việt của các “tổ hợp cá mập” xuyên quốc gia trong ngành rượu bia quốc tế! 

Còn thông qua hay không thông qua, với họ không thành vấn đề! Bởi không thông qua, đồng nghĩa với sự kéo dài vô thời hạn tình trạng lý tưởng cho kinh doanh rượu bia như đã có được từ hơn hai chục năm nay. Còn thông qua, thì chắc chắn, chẳng có tác dụng gì cho mục tiêu “phòng chống tác hại”, trong khi, lại mở toang cánh cửa thênh thang độc chiếm thị trường của các ông lớn bia rượu đã cắm chốt ở Việt Nam!

ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn nhấn mạnh dự Luật không cấm rượu bia mà PCTHCRB đối với sức khỏe
ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn nhấn mạnh dự Luật không cấm rượu bia mà PCTHRB đối với sức khỏe

Thứ hai: Cần cảnh giác với kẻ hô hào “Văn hóa rượu bia” và “Uống có trách nhiệm”

Các luận điểm chính cho lập luận xây dựng dự Luật được phát ra từ ngành công nghiệp rượu bia như “Uống có trách nhiệm”, xây dựng “văn hóa rượu bia”, nhắc nhở “vui có chừng, dừng đúng lúc”…thực chất là những khẩu hiệu dối lừa xét cho mục tiêu PCTHRB, nằm trong chiến lược “tạo niềm tin khoa học” cho các ĐBQH và xã hội, để đương đầu với các chiến lược PCTHRB do WHO cùng khối y tế công cộng đưa ra! 

Bởi không như các loại đồ uống thông thường khác, sau khi uống rượu bia và đồ uống có cồn, chất cồn theo máu đến hệ thần kinh trung ương, gây tăng chất dẫn truyền thần kinh có tên Gama-Aminobutyric Acid (GABA). Chính chất này, khi tăng cao, sẽ gây ức chế hoạt động của vùng não hạnh nhân, trung tâm điều hành thần kinh cảm giác, vận động, trí nhớ, và học tập của con người. Hậu quả, làm thay đổi hành vi, lời nói, cảm xúc của người uống, đầu mối của “ma đưa đường, quỷ dẫn lối” cho những hành động bạo hành gia đình, bạo lực cộng đồng, ấu dâm, tai nạn giao thông.

Tính sẵn có “ra ngõ gặp hàng quán bia rượu”, sự tràn lan quảng cáo trên “khung giờ vàng” với những thông điệp ngỡ rượu bia tạo nên “Sức mạnh đàn ông Việt” cuốn hút thanh thiếu niên; sự bỏ mặc khối trường học không được bảo vệ với chất gây nghiện, sự thiếu vắng các biện pháp quản lý và chế tài xử phạt khoa học và đồng bộ, sự tha hóa đạo đức của giới “khoa học vì tiền” tạo ra vô số những “trí thức lưu manh” xuất hiện trong mọi tình huống liên quan tới tiến trình xây dựng chính sách công…đã khiến cả dân tộc “dắt tay nhau” đi vào tình trạng nghiện: Tới 47% “hộ gia đình có người thu nhập chính uống rượu bia ở mức độ nguy hại”, tỷ lệ “uống rượu bia ở mức độ nguy hại” tăng gấp đôi giữa năm 2010 và 2015. 

Năm 2017: “80,3% đàn ông Việt 25-64 tuổi hiện đang sử dụng rượu bia; Thanh thiếu niên từ 14-25 tuổi: 79,9% nam và 36,5% nữ có sử dụng rượu bia.
Năm 2017: “80,3% đàn ông Việt 25-64 tuổi hiện đang sử dụng rượu bia; Thanh thiếu niên từ 14-25 tuổi: 79,9% nam và 36,5% nữ có sử dụng rượu bia.

Hãy tự hỏi bản thân: Đã đủ “phát triển văn hóa rượu bia” chưa, khi số liệu năm 2017: “80,3% đàn ông Việt 25-64 tuổi hiện đang sử dụng rượu bia; Thanh thiếu niên từ 14-25 tuổi: 79,9% nam và 36,5% nữ có sử dụng rượu bia; trong số học sinh 13-17 tuổi có sử dụng rượu bia: 43,8% đã uống rượu/bia lần đầu trước tuổi 14 và 22,5% đã uống say ít nhất 1 lần!”.

Những “con số biết nói” trên khẳng định: Không dưới một nửa đàn ông Việt đã thành những con nghiện “tình nguyện suốt đời” cống nạp tiền cho ngành công nghiệp rượu bia rồi! Và đông đảo thanh thiếu niên Việt đang “từng ngày từng giờ” gia nhập “quân đoàn nghiện” dưới tác động của “nghệ thuật kinh doanh” đẳng cấp quốc tế của các doanh nghiệp bia rượu! Trò “xây dựng văn hóa” rượu bia là gì đây, khi “Chí Phèo” đã là hình ảnh phổ biến cho “đàn ông Việt” khắp hang cùng ngõ hẽm?

Thứ ba: Không được để tình trạng “Luật một nơi, định chế phạt vi phạm một nẻo”

“Nằm lòng” hai điều trên, tôi tin không ĐBQH nào thờ ơ với sự khẩn thiết phải ra Luật! Nhưng không phải là Luật với nội dung như phiên bản thảo luận ngày 23/3/2019! Nó phải là một phiên bản mới, với nội dung nhắm tới trước hết “ngăn ngừa hữu hiệu, chặn đứng dòng thanh thiếu niên gia nhập “đội quân” nghiện”! Vì thế, phải có những điều luật chặn đứng quảng cáo rượu bia ở mọi hình thức tác động tới trẻ em và thanh niên!

Phải xử phạt với những chế tài thật nghiêm mọi hình thức vi phạm khi để trẻ vị thành niên uống bia rượu! Phải có điều luật bảo vệ quyền “nói không với bia rượu” của trẻ em, phụ nữ và thiểu số “đàn ông Việt” còn sót lại trong thứ “Văn hóa rượu bia” mà ngành công nghiệp rượu bia đã tạo ra cho Việt Nam những năm qua!

Phải xử phạt với những chế tài thật nghiêm mọi hình thức vi phạm khi để trẻ vị thành niên uống bia rượu!
Phải xử phạt với những chế tài thật nghiêm mọi hình thức vi phạm khi để trẻ vị thành niên uống bia rượu! 

Nhưng có những điều luật đó mới là điều kiện cần! Can thiệp tinh vi của ngành công nghiệp rượu bia thông qua những “ngọn cờ” truyền thông đã biến dự luật trở nên “lơ mơ” trong thể hiện QUYỀN và TRÁCH NHIỆM của từng chủ thể ở mỗi điều luật đưa ra! Và tệ hơn nữa, nhóm “thủ lợi”, cơ hội đã tạo nên một cấu trúc luật phân tán “điều luật một nơi, chế tài xử phạt một nẻo” chẳng thể nào hình dung ra được mức độ xử phạt cụ thể với từng điều luật cụ thể! Lập luận “giao cho Chính phủ quy định cụ thể” là một trò “vô hiệu hóa”  luật “ngay từ bước đi ban đầu!”.

Ngộ ra “3 điều nằm lòng” trên, mọi sửa đổi đưa ra trong 10 ngày tới chắc chắn sẽ tạo nên một dự luật khoa học, định hướng hành động “chặn đứng và giảm thiểu tối đa tác hại của rượu bia đến sức khỏe và sự phát triển bền vững của đất nước”. 

Tôi dẫn ra dưới đây một ví dụ để “nằm lòng” cho công tác sửa đổi:

Sửa đổi theo nguyên tắc “rõ ràng, minh bạch quyền và trách nhiệm cho từng chủ thể chịu tác động của điều luật, đi kèm với chế tài xử phạt vi phạm”, các mục trên phải thể hiện lại cụ thể với nội dung cấm hành vi bán rượu bia cho người chưa đủ 18 tuổi”. 

Điều luật hiện tại cấm bán rượu bia cho người chưa đủ 18 tuổi

Mục 6, Điều 5 (những hành vi bị nghiêm cấm)

 6. Bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi khi biết rõ người mua chưa đủ 18 tuổi, người đã có dấu hiệu say rượu, bia.

Điều 28. Xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

2. Việc phát hiện vi phạm hành chính về phòng, chống tác hại của rượu, bia được áp dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ, bảo đảm xử lý kịp thời, triệt để.

3. Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Dưới đây thể hiện mục 6 điều 5 được sửa đổi sẽ là: 

Mục 6, điều 5 sau khi sửa đổi:

6. (Cấm) Bán rượu, bia và đồ uống có cồn nói chung cho người chưa đủ 18 tuổi. Các chủ thể liên đới vi phạm chịu xử phạt đồng bộ theo mức:

- Người trực tiếp bán: (1) phạt tiền mức gấp 1000 lần giá trị lượng hàng đã bán vi phạm; (2) Thu giấy phép kinh doanh 1 năm (3) Bắt buộc đi học tập trung 1 tuần về “Luật trẻ em”, “luật phòng chống tác hại của rượu bia” chịu mọi phí tổn đào tạo. Trường hợp tái phạm: (1) Thu giấy phép kinh doanh vĩnh viễn; (2) phạt tiền tối đa tới 100 triệu đồng; (3) phạt tù tối đa 6 tháng.  

- Người biết hành vi bán rượu bia cho người chưa đủ 18 tuổi nhưng không tố giác với một trong các cơ quan: Công an, y tế, hội bảo vệ quyền trẻ em, chính quyền địa phương: (1)Phạt tiền mức gấp 10 lần giá trị lượng rượu bia đã bán ra cho người chưa đủ 18 tuổi; (2) Bắt buộc đi học tập trung 1 tuần về “Luật trẻ em” và “luật phòng chống tác hại của rượu bia”, chiu mọi phí tổn đào tạo. Trường hợp tái phạm: (1) Phạt tiền tối đa tới 50 triệu đồng; (2) phạt tù cho hưởng án treo tối đa 3 tháng.  

- Người mua chưa đủ 18 tuổi: (1)phạt tiền mức gấp 100 lần giá trị hàng đã mua; (2) Bắt buộc đi học tập trung một tuần  “Luật trẻ em”, “luật phòng chống tác hại của rượu bia”.

- Bố mẹ, thầy cô giáo của người mua chưa đủ 18 tuổi: (1) Gửi kế hoạch phối hợp hành động giám sát dự phòng tái diễn hành vi hàng tháng, kéo dài tối đa tới 3 tháng sau khi người vi phạm trở về từ lớp họp tập trung.  

Bài của BS.TS. Trần Tuấn - Giám đốc trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD)-Cơ quan điều phối Liên minh Phòng chống Bệnh Không Lây nhiễm Việt nam (NCDs-VN).