Trang tin Hoa ngữ Creaders ngày 25/5 dẫn bài viết của "Daily Express" cho biết, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã có kế hoạch bí mật để cho người dân Hồng Kông tị nạn và cung cấp cho họ quyền cư trú ở Anh “nếu họ bị Trung Quốc tiếp tục đàn áp”. Ông Johnson hồi đầu năm nay đã đề xuất như trên trong một cuộc họp với một số thành viên của Quốc hội tại nơi cư trú của ông ở nông thôn. Đề nghị của ông đã được các nghị sĩ tham dự cuộc họp này nhất trí tán thành.
Bài báo của "Daily Express" cũng nói, tạm thời không rõ đề xuất có liên quan của ông Johnson, chỉ trao quyền cư trú cho những người Hồng Kông mang hộ chiếu nước ngoài của Anh và người thân của họ, hay là cho tất cả mọi người dân Hồng Kông. Cách làm này tương tự vào những năm 1970, người Anh đã cấp quyền cư trú cho những người nhập cư châu Á đã bị chính quyền Uganda ở Châu Phi bức hại.
Người phát ngôn của Thủ tướng Boris Johnson hôm thứ Sáu 22/5 nói rằng chính phủ Anh đang theo dõi chặt chẽ tình hình. Là một bên soạn thảo và ký kết "Tuyên bố chung Trung-Anh", Vương quốc Anh “sẽ cố gắng duy trì quyền tự trị của Hồng Kông và tôn trọng một quốc gia, hai chế độ”.
Ông Chris Patten, cựu Toàn quyền Hồng Kông: Anh có trách nhiệm "về đạo đức, kinh tế và pháp lý" đối với Hồng Kông và nên đứng ra bảo vệ Hồng Kông (Ảnh: Reuters).
|
Cựu Toàn quyền Hồng Kông Chris Patten nói với The Times rằng "người Hồng Kông đã bị Trung Quốc phản bội". Ông Patten nói rằng Anh có trách nhiệm "về đạo đức, kinh tế và pháp lý" đối với Hồng Kông và nên đứng ra bảo vệ Hồng Kông.
Sau 150 năm thống trị Hồng Kông, Anh đã trao lại chủ quyền Hồng Kông cho Trung Quốc vào năm 1997. Toàn quyền Hồng Kông Chris Patten khi đó chứng kiến việc quốc kỳ Anh ở Hồng Kông bị kéo xuống. "Tuyên bố chung Trung-Anh" được ký năm 1984 bởi cựu Thủ tướng Trung Quốc Triệu Tử Dương và cựu Thủ tướng Anh Margarett Thatcher cam kết sẽ đảm bảo quyền tự trị cao của Hồng Kông theo nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ". Nhưng ông Patten nói "Luật An ninh Quốc gia" mà Trung Quốc dự định thực hiện ở Hồng Kông có thể phá hoại cam kết này.
Ông Patten cho rằng phương Tây nên ngừng theo đuổi "mỏ vàng" huyễn hoặc Trung Quốc. "Chúng ta không nên để bị lừa nữa, đừng nghĩ rằng sau khi cúi đầu trước Trung Quốc, sẽ có một hũ vàng lớn đang chờ chúng ta. Tất cả đều là ảo tưởng". Ông nói, "Chúng ta luôn luôn tự lừa dối chính mình, trừ khi chúng ta làm mọi thứ người Trung Quốc muốn, nếu không sẽ bỏ lỡ các cơ hội thương mại lớn. Tất cả đều nhảm nhí”.
Ông O'Brien, cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng, cũng cho biết hôm Chủ nhật 24/5, việc Trung Quốc xúc tiến ban hành Luật An ninh Quốc gia cho Hồng Kông có thể dẫn đến các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và đe dọa vị thế của Hồng Kông như một trung tâm tài chính lớn.
Ông Manfred Weber, Chủ tịch European People's Party (Đảng Nhân dân châu Âu, EPP) kêu gọi thực hiện chính sách ngoại giao châu Âu lấy phương hướng là thực hiện quan niệm giá trị. Ông nói, đối với châu Âu, "tự do cá nhân, dân chủ, pháp quyền và kinh tế thị trường xã hội" đều là vấn đề quan trọng. Người Hồng Kông “muốn thấy chúng ta đứng về phía họ".
Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, Trưởng quan Đặc khu hành chính Hồng Kông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: NYT).
|
Các chính trị gia Đức cũng chỉ trích cách làm của Trung Quốc. Ông Friedrich Merz của đảng CDU yêu cầu Châu Âu và Mỹ gửi "tín hiệu rõ ràng yêu cầu Trung Quốc dừng lại". Ông chỉ ra: "Thế giới không thể khoanh tay đứng nhìn khi chính quyền Trung Quốc phá hoại hiệp ước và phá hoại nền dân chủ của Hồng Kông”.
Bà Thái Anh Văn, người đứng đầu chính quyền Đài Loan viết trên mạng xã hội tối Chủ nhật 24/5 rằng Điều lệ quan hệ Hồng Kông và Macao đã có các quy định liên quan trong việc “hỗ trợ người dân Hồng Kông bị áp bức”. Trong thời gian qua, Đài Loan với tinh thần nhân đạo đã liên tục đưa ra các biện pháp cứu trợ nhân đạo.
Bà Thái Anh Văn cũng đề cập rằng theo Điều 60 của Điều lệ quan hệ Hồng Kông-Macao, một khi tình hình ở Hồng Kông thay đổi, Điều lệ sẽ chấm dứt áp dụng một phần hoặc toàn bộ. Bà hy vọng rằng tình hình ở Hồng Kông sẽ không đi xa đến mức đó.
Hãng tin CNA của Đài Loan trích dẫn một nguồn tin nói rằng nếu Luật An ninh Quốc gia được thông qua, Hồng Kông sẽ bị trở thành “một quốc gia, một chế độ” và địa vị của Hồng Kông sẽ bị thay đổi về cơ bản, điều này sẽ gây nguy hại cho an ninh của Đài Loan. Tình trạng Hồng Kông trở thành khu vực đặc biệt theo Điều lệ Hồng Kông, Ma Cao hiện tại sẽ không còn tồn tại và Điều lệ Hồng Kông và Macao sẽ chấm dứt áp dụng. Khi đó phải sử dụng "Điều lệ quan hệ nhân dân qua eo biển" để giải quyết các vấn đề của Hồng Kông. Vào thời điểm đó, vốn đầu tư vào Hồng Kông sẽ như đầu tư vào đại lục và các yêu cầu cư trú của người dân Hồng Kông sẽ không còn được áp dụng, điều đó có nghĩa là một mức độ nào đó Hồng Kông sẽ bị “Trung Quốc hóa”.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính: việc ban hành Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông là nhằm đối phó với thiểu số những người chủ trương “Hồng Kông độc lập”, “xã hội đen”...(Ảnh: Dongfang).
|
Trong khi đó, Trung Quốc đã biện hộ cho quyết định quan trọng này của họ. Theo AFP tại thời điểm xảy ra đối đầu giữa người biểu tình Hồng Kông và cảnh sát ngày 24/5, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã tuyên bố tại một cuộc họp báo rằng việc thiết lập kiện toàn và thực thi Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông là rất cấp thiết và không thể chần chừ, tất phải tiến hành. Ông Vương Nghị tuyên bố rằng kể từ khi Hồng Kông nổ ra phong trào biểu tình chống Luật dẫn độ vào tháng 6 năm ngoái, sự can thiệp của các thế lực bên ngoài đã gây ra tác hại nghiêm trọng cho an ninh quốc gia của Trung Quốc.
Trang tin Đa Chiều dẫn lời ông Vương Nghị nêu 4 lý do giải thích việc Trung Quốc ban bố Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông: Thứ nhất, các công việc liên quan đến Hồng Kông là vấn đề nội bộ của Trung Quốc và không cho phép bên ngoài can thiệp; Thứ hai, giữ gìn an ninh quốc gia từ trước đến nay là việc thuộc quyền chính phủ trung ương; Thứ ba, làn sóng chống Luật dẫn độ gây nguy hại đến an ninh quốc gia, xây dựng và kiện toàn chế độ tương ứng là điều cấp bách, cần phải làm ngay; Thứ tư, quyết định này nhằm “đối phó với hành vi nguy hại an ninh quốc gia của thiểu số người, không ảnh hưởng đến nền tự trị cao của Hồng Kông, không ảnh hưởng đến tự do và quyền lợi của dân chúng Hồng Kông, không ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư nước ngoài ở Hồng Kông”.
Ông Hàn Chính, Phó Thủ tướng Trung Quốc cũng nói tại cuộc họp báo hôm 25/5, việc ban hành Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông là nhằm đối phó với thiểu số những người chủ trương “Hồng Kông độc lập”, “xã hội đen”; “tóm lại là trừng trị một số ít người để bảo vệ tuyệt đại đa số dân chúng Hồng Kông, an toàn tính mạng tài sản, quyền lợi cơ bản, tự do và lợi ích thiết thân của nhân dân”.
Ngày 24/5, biểu tình bạo lực tái diễn ở Hồng Kông sau mấy tháng yên tĩnh (Ảnh: Dongfang).
|
Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), Trưởng quan Đặc khu hành chính Hồng Kông hôm Chủ nhật 24/5 viết trên Facebook rằng, nhiều người đã để lại bình luận trên Facebook của bà trong những tháng gần đây, cho rằng chính quyền Hồng Kông nên nhanh chóng khởi xướng lập pháp theo Điều 23 của Luật cơ bản. Bà nhấn mạnh sẽ cùng đội ngũ làm hết sức mình để tuyên truyền và giải thích tầm quan trọng của Luật An ninh quốc gia cho công chúng, "để chống lại các cuộc tấn công vô lý và phỉ báng tùy tiện mà các thế lực chống Trung Quốc và những người chống chính quyền đang phát động”. Bà cho rằng “tuyệt đai đa số dân chúng Hồng Kông có đôi mắt sáng sẽ không bị lừa dối bởi các lực lượng phá hoại an ninh xã hội”.
Trong khi đó, ngày Chủ nhật 24/5 tại Hồng Kông đã xảy ra cuộc biểu tình phản đối ban bố Luật An ninh Quốc gia của hàng vạn người. Những người biểu tình đã hô các khẩu hiệu chống Trung Quốc, hô hào “Hồng Kông độc lập”, đặt chướng ngại vật trên đường. Cảnh sát đã dùng vòi rồng, hơi cay giải tán và đụng độ đã xảy ra giữa cảnh sát với người biểu tình khiến hàng chục người bị thương phải vào viện điều trị, 193 người bị cảnh sát bắt giữ. Đây là vụ biểu tình bạo lực đầu tiên xảy ra ở Hồng Kông sau mấy tháng im ắng.