Tờ báo chỉ cụ thể lãnh đạo trẻ Ả Rập Saudi non kinh nghiệm là Phó thái tử Mohammed bin Salman, con trai cưng của Vua Salman.
Theo WSJ, một số người Ả Rập Saudi hết sức quan ngại việc thiếu kinh nghiệm điều hành của Phó thái tử, và chủ trương đối ngoại hung hăng của ông góp phần gây bất ổn khu vực, gây nguy hiểm cho đất nước cùng các nước láng giềng, vào lúc các nước đang ráng xử lý sự xung đột đầy phức tạp của khu vực, và khi giá dầu thấp càng tăng sức ép lên chính phủ Ả Rập Saudi.
Con cưng của nhà vua
Vị Phó thái tử khoảng 30 tuổi, tức nhỏ hơn Thái tử Mohammed bin Nayef những 20 tuổi, được ghi nhận là một ông hoàng nhiều tham vọng, nắm nhiều quyền lực hơn người anh họ vốn có tên đầu tiên trong danh sách kế ngôi.
Vài giờ sau vụ tữ hình chặt đầu giáo sĩ Nimr hôm 2.1 làm bùng nổ khủng hoảng ngoại giao ở vùng Vịnh, hai nhà lãnh đạo trẻ Ả Rập Saudi đã đi xem một cuộc đua ngựa ở ngoại ô thủ đô.
Đó là cách thể hiện tinh thần đoàn kết của hoàng gia Ả Rập Saudi trong một thời điểm nhạy cảm. Trên thực tế, hai người kế ngôi thứ nhất và thứ nhì Nayef-Salman là thù địch của nhau.
Không thể rõ ai điều hành Ả Rập Saudi: Vua Salman, Phó thái tử đầy tham vọng, Thái tử Nayef kiêm Bộ trưởng Nội vụ. Phó thái tử Salman kiêm cả 3 chức Ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng kinh tế.
Năm 2015, Phó thái tử Salman quyết định can thiệp quân sự, đánh quân Houthi thiểu số thân Iran ở Yemen, khiến Ả Rập Saudi xung đột với Iran.
Ông cũng phản đối Syria thân Iran, nên ủng hộ chuyện Ả Rập Saudi trang bị vũ khí cho quân nổi dậy đòi lật đổ Tổng thống Syria Bashar Assad, vào lúc Mỹ không còn tích cực hỗ trợ lực lượng nổi dậy này, theo WSJ.
Ngay sau khi đăng quang hồi đầu năm 2014, Vua Salman đã thay đổi nhân sự chính phủ, kết quả là lập hai hội đồng, một phụ trách chính sách nội địa, một nắm các mảng chính trị-an ninh.
Phó thái tử Salman làm Chủ tịch Hội đồng phát triển kinh tế (thay nhiều cơ quan vốn từng vạch chính sách trong nước, từ kinh tế đến giáo dục, y tế).
Ông tập hợp nhiều cố vấn trẻ từng du học ở các trường danh tiếng của Mỹ và châu Âu để tiến hành chương trình cải cách, ví dụ khuyến khích phụ nữ đi làm, cho họ có quyền tranh cử ở các hội đồng thành phố.
Sao chép chính sách cũ có từ thập niên 1970
Dù chỉ huy cuộc can thiệp quân sự ở Yemen, Phó thái tử rất kín tiếng, không hề có những tuyên bố công khai. Mãi đến giữa tháng 12.2015, ông mới có 2 tuyên bố công bố trong cùng một tuần.
Thứ nhất là tuyên bố lập một liên minh Hồi giáo mới chống quân khủng bố IS, trong cuộc họp báo chỉ kéo dài 6 phút.
Hai ngày sau, ông định hình tương lai Ả Rập Saudi trong “Kế hoạch chuyển hóa quốc gia”, với sự tham dự của 300 nhân vật được mời bàn việc nước: một loạt những cải cách để nâng cao hiệu quả khoản chi công, cho đến việc lập những nguồn thu mới không lệ thuộc dầu thô bằng cách giảm trợ giá và áp các loại thuế.
Ông thừa nhân chính phủ quản lý các nguồn tài nguyên quá kém: “Thách thức lớn nhất của chúng ta là làm sao tăng hiệu quả chi tiêu công, có được nhiều nguồn thu hơn và đa dạng hóa nền kinh tế Ả Rập Saudi”.
Ông nói nạn thất nghiệp, khoảng 12% trong giới trẻ, vẫn là “thách thức quan trọng và chủ đạo”. Ông thừa nhận chất lượng cuộc sống và môi trường của Ả Rập Saudi góp phần vào nạn thất nghiệp này. Ông gọi đó là “tình trạng bị bỏ mặc ở Ả Rập Saudi ”
Phó thái tử cũng thừa nhận: “Chúng ta đang lâm nạn tham nhũng nghiêm trọng” và ông hy vọng rằng lĩnh vực tư nhân sẽ giúp xử lý tệ nạn này.
Đó là lần đầu tiên Phó thái tử phát biểu lâu về việc ông muốn nắm quyền điều khiển đất nước.
Nhưng các quan chức chính phủ đã nói nhiều về những kế hoạch cải cách đầy tham vọng. Ví dụ, không lệ thuộc dầu thô là một mục tiêu mà mỗi kế hoạch phát triển của chính phủ đều đặt ra, từ cuối thập niên 1970 đến nay. Vậy mà dầu thô vẫn chiếm 75% trong nguồn thu ngân sách năm 2015.
Lãnh đạo trẻ đối mặt nhiều thách thức
Hai ông hoàng của Ả Rập Saudi hiện đối mặt với những thách thức:mối đe dọa khủng bố từ Nhà nước Hồi giáo IS, nguồn thu giảm sâu do giá dầu rớt mạnh, vùng Vịnh đang hỗn loạn.
Trong quá khứ, lãnh đạo Ả Rập Saudi từng trải qua những thách thức này, nhưng chưa bao giờ họ phải đối phó tất cả các thách thức trong cùng một lúc.
Vụ chặt đầu giáo sĩ giáo sĩ Nimr (có tín đồ trong cộng đồng Shiite thiểu số ở Ả Rập Saudi) cùng với một số người Sunni bị kết án là khủng bố Al-Qaeda đe dọa nhà nước Ả Rập Saudi, đã khiến dân Iran biểu tình, đập phá sứ quán Ả Rập Saudi ở Tehran.
Quan hệ ngoại giao giữa các nước vùng Vịnh theo đạo Hồi dòng Sunni với Iran theo dòng Shiite xấu đi nghiêm trọng, đã đẩy giá dầu tăng lên trước khi lại giảm thấp.
Ả Rập Saudi đã phải giảm đáng kể giá dầu thô bán cho châu Âu, một động thái nhằm chặn Iran vốn thoát khỏi lệnh cấm vận quốc tế và đang tìm cách kích thích xuất khẩu.
Ả Rập Saudi cũng vừa công bố chương trình thắt lưng buộc bụng, giảm chi ngân sách 14% trong năm 2016, đồng thời tuyên bố giá xăng sẽ tăng một nửa.
Đây là một quyết định không tránh được: giá dầu thế giới giảm mạnh, nguồn tài chính dự trữ của Ả Rập Saudi suy kiệt khiến không còn có thể trợ giá xăng dầu mạnh như trước, phải tăng giá bán xăng dầu. Mảng trợ giá giáo dục, chăm sóc sức khỏe của chính phủ cũng bị cắt giảm nguồn chi.
Cuộc khủng hoảng này cũng “quạt” lên sự đầu cơ ở các thị trường tiền tệ hôm 5.1, khi sự cô lập chính trị và những sức ép kinh tế có thể khiến Ả Rập Saudi phải từ bỏ chính sách lâu nay là dựa vào đồng USD.
Vĩnh Thụy - Theo The Wall Street Journal, Một thế giới