Du học sinh chịu thiệt khi Mỹ và Trung Quốc chạy đua công nghệ

Chính xác hơn, những nạn nhân trong cuộc chạy đua công nghệ này chính là sinh viên quốc tế đến từ Trung Quốc với các chuyên ngành thuộc lĩnh vực công nghệ.

Giới hạn thời gian visa

Đầu tháng 6-2018, Bộ Ngoại giao Mỹ vừa ra thông báo sẽ rút ngắn thời visa của người dân Trung Quốc. Đối với những công dân Trung Quốc đang làm việc hay học tập trong một số ngành cụ thể, dù quy trình đăng ký visa sẽ không thay đổi so với trước nhưng họ sẽ không còn được cấp visa dễ dàng như trước kia nữa vì những thay đổi này.

Bắt đầu từ ngày 11-6, visa cấp cho công dân Trung Quốc sẽ bị giới hạn bởi các viên chức lãnh sự Mỹ, thay vì được tự động cấp cho thời hạn dài nhất có thể. Nếu sinh viên Trung Quốc học chuyên ngành robot, sản xuất công nghệ cao, hoặc hàng không, họ chỉ có visa một năm. Đây là những lĩnh vực mà Bắc Kinh đặt trong tâm trong chiến lược Made in China 2025.

Visa hạn chỉ còn một năm với sinh viên theo học ngành công nghệ. Ảnh: Internet

Cuộc chạy đua công nghệ giữa hai cường quốc

Phía Mỹ có động thái này vì họ lo sợ rằng những sinh viên Trung Quốc học các chuyên ngành trên có thể sẽ ăn trộm tài sản trí tuệ của Mỹ, theo hãng tin Associated Press. Những thay đổi về visa đã được Tổng thống Mỹ Donald Trump hé lộ trong kế hoạch an ninh quốc gia được công bố vào tháng 12-2017.

Kế hoạch này đã đề cập về việc các sinh viên quốc tế mà đang theo học các môn STEM (Khoa học, công nghệ, kỹ sư và toán) có thể sẽ phải đối mặt với vấn đề visa. Tổng thống Trump cũng đã đe dọa sẽ đặt một mức thuế quan 25% cho các mặt hàng công nghệ của Trung Quốc. Lý do ở đây là theo Tổng thống, Trung Quốc đang tiến hành những hành vi gian lận thương mại không công bằng và nhờ đó đã đạt được lợi thế so với Mỹ.

Cuộc canh tranh công nghệ quyết liệt Mỹ và Trung Quốc. Ảnh: Internet

Vài tháng trở lại đây, Mỹ và Trung Quốc vướng phải những vụ lùm xùm với ZTE và Huawei. Bộ Thương mại Mỹ vào tháng 4-2018 vừa qua đã ra lệnh cấm các công ty nước này bán thiết bị cho nhà sản xuất thiết bị viễn thông ZTE trong 7 năm bởi ZTE không tuân thủ thỏa thuận với chính quyền Washington. Trong khi đó, Huawei cũng đang bị Bộ Tư pháp Mỹ điều tra xem có vi phạm các lệnh cấm vận với Iran như ZTE hay không. Do đó, có nhiều khả năng các công ty công nghệ hiện đang nằm trong danh sách đó.

Theo báo cáo được tiết lộ hôm 16-4 của CTIA (Hiệp hội công nghệ quốc tế không dây Mỹ), Trung Quốc đang là nước dẫn đầu thế giới trong cuộc đua công nghệ 5G. Báo cáo này được thực hiện bởi công ty nghiên cứu viễn thông Analysys Mason và Recon Analytics. Trong đó, Trung Quốc đang là quốc gia đứng đầu sẵn sàng cho việc triển khai công nghệ 5G ưu việt. Vị trí thứ hai là Hàn Quốc và đứng thứ ba là Mỹ.

Ông Eric Schimidt, chủ tịch điều hành hãng công nghệ Alphabet Inc - công ty mẹ Google, đã lên tiếng cảnh báo về tiềm năng của Trung Quốc trong lần nhóm họp gần đây với một nhóm cố vấn Lầu Năm Góc ở Washington. Ông Schimidt lưu ý đến kế hoạch quốc gia của Trung Quốc về tương lai trí tuệ nhân tạo công bố hồi tháng 7. Kế hoạch này đặt mục tiêu đưa công nghệ AI đuổi kịp Mỹ trong vài năm tới và biến Trung Quốc thành một trung tâm phát minh AI của thế giới.

Theo PLO

http://kynguyenso.plo.vn/ky-nguyen-so/cong-nghe/du-hoc-sinh-chiu-thiet-khi-my-va-trung-quoc-chay-dua-cong-nghe-774078.html