Theo đó, World Bank cho biết GDP Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức gần 6,8% trong năm 2018, cao hơn mức dự báo 6,3% đối với các nền kinh tế thị trường mới nổi khác ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.
Đà tăng trưởng của Việt Nam vẫn đứng vững nhờ sự hỗ trợ bởi sức cầu mạnh trong nước kết hợp với sự năng động của các ngành chế tạo, chế biến theo định hướng xuất khẩu mặc dù điều kiện bên ngoài không thuận lợi.
Cụ thể, sức cầu trong nước vẫn mạnh, được phản ánh qua đầu tư và tiêu dùng tư nhân tiếp tục đứng vững và được sự tiếp sức bởi mức lương cao hơn, chính sách tiền tệ tạo thuận lợi và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn đổ vào mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp và xây dựng tăng trưởng 8,9%, nhờ thành tích tăng trưởng sáng lạng ở mức 12,9% trong các ngành chế tạo, chế biến. Mức tăng trưởng 3,7% trong ngành nông nghiệp là nhờ sức cầu bên ngoài tuy giảm nhưng vẫn ở mức cao. Ngành dịch vụ tăng trưởng ở mức 6,9% do du lịch và tiêu dùng tư nhân vẫn phát triển tốt.
Hoạt động kinh tế khởi sắc hơn cũng đã tiếp sức tạo việc làm và tăng lương thực tế.
Cụ thể, báo cáo cho biết mức lương thực tế đã tăng 3,2% trong nửa đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm trước. Số liệu thất nghiệp theo báo cáo chính thức vẫn được giữ nguyên ở mức 2,2% đến Quý 3, 2018, ngang bằng so với 2017, còn tỷ lệ khiếm dụng lao động (thất nghiệp trá hình - PV) giảm nhẹ xuống 1,5% trong cùng kỳ, so với mức 1,6% năm 2017.
Về hoạt động điều tiết thị trường tiền tệ, World Bank cho biết các chính sách tiền tệ vẫn theo hướng tạo thuận lợi, nhưng điều kiện tín dụng đã bị thắt lại trong nửa sau năm 2018 trong điều kiện lạm phát tăng nhẹ.
Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã hạ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của khu vực ngân hàng và đặt ra hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Lãi suất liên ngân hàng tăng lên và đã song hành với lãi suất chiết khấu. Kết quả là tăng trưởng tín dụng của năm tính đến tháng 10 hạ nhiệt, còn bình quân 15% (so cùng kỳ năm trước), từ mức 18.6% cùng kỳ năm 2017.
“Nhưng tỷ lệ tín dụng trên GDP của Việt Nam vẫn cao, ở mức 136% trong Quý 3/2018” - Báo cáo của World Bank lưu ý.
Báo cáo cũng cho biết, chỉ số giá tiêu dùng tăng dần trong năm 2018 đến tháng 10, chủ yếu do tăng giá các mặt hàng thiết yếu thuộc diện nhà nước quản lý, nhưng vẫn ở mức vừa phải là 3,6% (so cùng kỳ năm trước).
Mức bội chi ngân sách dự kiến sẽ rơi vào khoảng 4% GDP trong năm nay, thấp hơn so với mức 4,3% năm 2017, điều này góp phần giúp kiềm chế áp lực từ nợ công gia tăng.
“Các nhà hoạch định chính sách nên tận dụng lợi thế trong lúc động lực tăng trưởng còn đang thuận lợi để đẩy mạnh cải cách cơ cấu nhằm tăng cường đầu tư và tăng trưởng dựa trên khu vực tư nhân, song song với cải thiện hiệu suất đầu tư công” - ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam chia sẻ trong buổi lễ công bố báo cáo.
Về trung hạn, World Bank dự báo đà tăng trưởng của Việt Nam cũng sẽ theo xu hướng toàn cầu – giảm dần xuống mức 6,6% và 6,5% cho các năm 2019 và 2020, chủ yếu do sức cầu bên ngoài suy yếu. Lạm phát dự kiến vẫn không đáng kể, xoay quanh chỉ tiêu 4% của NHNN trong điều kiện chính sách tiền tệ dự kiến sẽ được thắt lại trong trung hạn.
Mặt khác, báo cáo của World Bank cũng cho biết thị trường trong nước bắt đầu cảm nhận tác động lan tỏa do biến động tài chính toàn cầu tăng lên trong nửa cuối năm 2018 và chỉ ra một số rủi ro trong năm 2019.
Cụ thể, báo cáo của World Bank nhận định công cuộc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và khu vực ngân hàng chậm lại có thể làm suy giảm viễn cảnh tăng trưởng và làm tăng nghĩa vụ cho khu vực công. Việt Nam cũng dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động bên ngoài do thương mại đã được mở cửa mạnh mẽ trong khi dư địa chính sách tiền tệ và tài khóa còn hạn chế.
Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang có thể ảnh hưởng đến viễn cảnh theo định hướng xuất khẩu của Việt Nam và sức cầu bên ngoài giảm xuống có thể làm cho vị thế kinh tế đối ngoại yếu đi và tăng trưởng GDP giảm xuống.
Thanh khoản trên toàn cầu bị thắt chặt có thể làm giảm dòng vốn đầu tư đang đổ vào, đồng thời gây áp lực đối với đồng nội tệ và giá trị tài sản.
Ngoài ra, trong bối cảnh Hiệp định Hợp tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam – EU (EVFTA) vừa được thông qua, phần chuyên đề đặc biệt của ấn bản báo cáo của World Bank kỳ này tập trung bàn về việc đơn giản hóa các biện pháp phi thuế quan nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam./.