Dự án sân bay Long Thành: Đại biểu Quốc hội "hứa" sẽ... bấm nút

Theo chương trình nghị sự, sáng nay (4/6) Quốc hội sẽ có phiên thảo luận quan trọng tại hội trường về chủ trương đầu tư dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hầu hết các ý kiến của các ĐBQH mà Infonet tham vấn trước phiên thảo luận quan trọng này đều tỏ ra đồng tình với chủ trương xây dựng sân bay Long Thành và "hứa" sẽ bấm nút... 

 ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng): "Xây dựng sân bay Long Thành càng sớm càng tốt"

Tôi cho rằng rất cần thiết phải xây dựng sân bay Long Thành và ủng hộ Chính phủ đưa dự án này vào càng sớm càng tốt. Căn cứ vào báo cáo của Chính phủ và thực tế thì ngay cả khi chúng ta đang mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất để đón được 25 triệu khách/năm thì tới năm 2017 sân bay này cũng sẽ quá tải. Chưa kể, nếu tính cả phương án đền bù, di dân … thì việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất cũng rất tốt kém, mà thời hạn sử dụng không nhiều.

Dự án sân bay Long Thành: Đại biểu Quốc hội "hứa" sẽ... bấm nút ảnh 1
ĐBQH Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng)

Trước sau gì chúng ta cũng phải xây dựng sân bay Long Thành. Xây dựng sớm giá thành sẽ hạ hơn, càng để lâu giá thành xây dựng càng tăng lên.

Tuy nhiên, cũng phải nghiên cứu tính khả thi của dự án làm sao cho có hiệu quả nhất. Ngoài ra, cũng phải tính toán phương án khi có sân bay Long Thành rồi nhưng vẫn sử dụng hiệu quả, phát huy được Tân Sơn Nhất, làm sao để Tân Sơn Nhất trở thành sân bay “dự bị” của Long Thành khi có trục trặc.

ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) – Phó chủ nhiệm Ủy ban thanh thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội: "Quốc hội sẽ giám sát quá trình xây dựng sân bay Long Thành"

Tôi ủng hộ chủ trương đầu tư dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành). Vừa rồi Chính phủ đã có báo cáo điều chỉnh về hiệu quả và phân kỳ đầu tư dự án này, trong đó đáng chú ý tổng số vốn đầu tư đã giảm khoảng 1/3 so với trước.  Sự điều chỉnh này cho thấy Chính phủ đã lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, dư luận và cử tri cả nước.

Dự án sân bay Long Thành: Đại biểu Quốc hội "hứa" sẽ... bấm nút ảnh 2
ĐBQH Lê Như Tiến (Quảng Trị)

Nhưng tôi lưu ý, dù vay vốn của nước ngoài cũng là gánh nặng cho ngân sách, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay. Do đó, Chính phủ vẫn cần phải rà soát mạnh hơn nữa để thay đổi phương thức huy động vốn xã hội hóa, tránh gánh nặng tới ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, việc giảm 1/3 số vốn đầu tư thì cũng phải xem mục tiêu ban đầu đặt ra có đạt được hay không? Nếu vẫn đạt được thì chứng tỏ mức dự kiến vốn ban đầu “có vấn đề”. 

Tôi cũng lo yếu tố nữa, giống như trong đấu thầu thường khi bỏ thầu thì thấp, nhưng khi triển khai, hoàn thiện thì tổng mức đầu tư dự án lại đội lên, khi đó đã là “chuyện đã rồi”. Vì thế, điều không chỉ riêng tôi mà nhiều ĐBQH khác mong muốn là Chính phủ phải giải trình rõ, việc giảm mức tổng đầu tư có ảnh hưởng gì tới chất lượng, tiến độ dự án hay không? Liệu có đội vốn trong quá trình thực thi hay không?...

Đáng chú ý trong báo cáo của Chính phủ cũng tính toán cho biết, mức độ tác động của dự án này tới nợ công là rất nhỏ. Nếu quả thật đây là số liệu chuẩn thì quá tốt, đáng mừng để các ĐBQH có thêm niềm tin quyết định “bấm nút” cho dự án quan trọng này.

Đây là công trình quan trọng quốc gia vì thế các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ cũng cần vào cuộc, tăng cường giám sát trong quá trình thực hiện dự án.

ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai): Dự án sân bay Long Thành phải "xây móng" niềm tin với đại biểu, nhân dân

Bất kỳ dự án nào đưa ra thì người dân, cử tri cũng sẽ đặt câu hỏi liệu dự án này có lợi ích nhóm không? có ai xà xẻo hay được lợi gì từ các dự án đó…? Dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành khi đưa ra bàn luận cũng không tránh khỏi những “ngờ vực” này từ phía cử tri, dư luận.

Dự án sân bay Long Thành: Đại biểu Quốc hội "hứa" sẽ... bấm nút ảnh 3
ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai)

Riêng dự án sân bay Long Thành, vốn chỉ là 1 dự án thành phần của tổng thể quy hoạch triển khai 10 năm nay, trên thực tế đã triển khai những dự án thành phần khác. Đặt vấn đề ra Quốc hội quyết định chủ trương, nhưng trước đó Đảng đã có Nghị quyết 49 về chủ trương rồi. Đáng lý ngay từ đầu phải bàn có nên làm ko thì mới quy hoạch đường xá, cầu cống… chứ còn bây giờ là chuyện đã rồi. Nên giờ đưa ra Quốc hội thảo luận thì cũng chỉ bàn chuyện làm thế nào tốt nhất, rẻ nhất, hiệu quả nhất. Và Quốc hội cũng sẽ phải giám sát, đưa ra cơ chế để làm sao khi triển khai dự án thuận lợi nhất thôi.

ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình): "Chủ trương đúng nhưng cần tính toán kỹ hiệu quả, phân kỳ đầu tư của dự án"

Đây là chủ trương đúng vì một quốc gia với trên 90 triệu dân cũng cần có sân bay quốc tế tầm cỡ, trước hết phục vụ nhu cầu trong nước. Thứ hai, đón khách du lịch quốc tế và thứ ba là phục vụ chiến lược phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn mới.

Vấn đề đặt ra là phải tính đến tính hiệu quả, có lộ trình và quy hoạch tổng thể, nếu không tính sớm quy hoạch sau này sẽ rất tốn kém. Đặc biệt, chúng ta phải tính đến hiệu quả kinh tế. Bên cạnh sân bay phải tính đến xây dựng hạ tầng cơ sở, đường xá, các khu nghỉ ngơi… từ đó xác định bao nhiêu % công nghệ, thiết bị máy móc sẽ phải đầu tư mua của nước ngoài và bao nhiêu % sử dụng từ nguồn sản xuất trong nước để thiết kiệm giá thành đầu tư.

Dự án sân bay Long Thành: Đại biểu Quốc hội "hứa" sẽ... bấm nút ảnh 4
ĐBQH Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình)

Quốc hội sẽ thảo luận về dự án này và có thể sẽ đi tới thống nhất về chủ trương đầu tư dự án, còn lộ trình thế nào, cách làm ra sao phải tính toán một cách bài bản và thận trọng. Nếu chúng ta cứ sợ mà không dám làm, không dám đầu tư thì bao giờ mới có sân bay tốt mang tầm cỡ khu vực, quốc tế?

Khi Quốc hội quyết thông qua chủ trương thì mới tính đến phương án chi tiết, đánh giá khả thi. Khi đó, không chỉ còn Bộ Giao thông vận tải mà nhiều cơ quan cũng sẽ vào cuộc thẩm định phương án đầu tư xem có khả thi không. Sau đó sẽ còn rất nhiều công đoạn phải làm, như giải phóng mặt bằng, giá đền bù cho phù hợp với từng giai đoạn nhất định, phù hợp với quy định của pháp luật…

Theo Infonet