Dự án 61 Trần Phú và dấu ấn Him Lam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nhóm Him Lam tham gia dự án 61 Trần Phú với 2 vai. Đầu tiên, họ là đối tác của Postef - chủ khu đất. Thứ đến, họ cũng chính là cổ đông của Postef.
Công trình cũ trên khu 'đất vàng' 61 Trần Phú (Nguồn: Internet)
Công trình cũ trên khu 'đất vàng' 61 Trần Phú (Nguồn: Internet)

Chiều 6/4, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã có chỉ đạo, yêu cầu UBND TP Hà Nội khẩn trương có văn bản yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng thi công công trình tại số 61 Trần Phú (quận Ba Đình), đồng thời tổ chức kiểm tra quy trình, thủ tục triển khai dự án này. Kết quả thực hiện chỉ đạo báo cáo về Thường trực Thành ủy trước ngày 8/4/2022.

Quyết định dừng thi công dự án tại số 61 Trần Phú được đưa ra trong bối cảnh dư luận lo ngại rằng công trình thay thế gồm tổ hợp thương mại, dịch vụ và khách sạn cao cấp cao 11 tầng có thể phá vỡ cảnh quan kiến trúc của Khu trung tâm chính trị Ba Đình.

Công trình cũ trên khu đất này vốn là toà nhà Pháp cổ, được xây dựng từ đầu thế kỷ 20, toạ lạc trên khu ‘đất vàng’ rộng hơn 9.000 m2, tiếp giáp 4 tuyến phố gồm Trần Phú, Lê Trực, Hùng Vương và Nguyễn Thái Học. Nhiều năm qua, toà nhà này được sử dụng làm trụ sở chính và nhà máy sản xuất của CTCP Thiết bị Bưu Điện (Postef – Mã CK: POT).

Trong những năm đầu thế kỷ 21, Postef từng có dự định xây dựng khu đất này trở thành trung tâm công nghệ cao và trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D). Tuy nhiên, trong cơn sốt chuyển đổi nhà máy, xí nghiệp thành đất thương mại, công ty đã quyết định mang khu đất 61 Trần Phú đi góp vốn triển khai dự án bất động sản.

Cụ thể, tháng 12/2011, Postef đã ký hợp đồng hợp tác với Liên danh CTCP Liên Việt Holdings – CTCP Him Lam để đầu tư xây dựng và khai thác kinh doanh dự án đầu tư xây dựng công trình đa chức năng tại 61 Trần Phú với tổng mức đầu tư 1.574,5 tỉ đồng. Vốn góp của dự án là 1.039,2 tỉ đồng, trong đó Postef thực hiện góp vốn bằng quyền sử dụng đất – tương đương 530 tỉ đồng (chiếm 51%), bên liên danh góp vốn bằng tiền là 509,2 tỉ đồng.

Gần 6 năm sau, ngày 24/6/2017, UBND TP Hà Nội mới ra Quyết định số 3841/QĐ-UBND phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Theo đó, tổng diện tích ô đất nghiên cứu là 9.078 m2, trong đó diện tích lập dự án khoảng 7.523 m2, diện tích đất trong phạm vi mở đường theo quy hoạch khoảng 1.555 m2. Diện tích đất xây dựng công trình khoảng 3.757 m2 (mật độ xây dựng 50%), còn lại là sân đường nội bộ, cây xanh, bãi xe (khoảng 3.766 m2). Tầng cao công trình gồm 11 tầng nổi và 6 tầng hầm. Tổng diện tích sàn tầng nổi khoảng 32.306,6 m2, tổng diện tích sàn tầng hầm khoảng 43.023,2 m2; chiều cao công trình là 42,9m.

Đến năm 2018, Postef đã nộp 24,7 tỉ đồng tiền ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án và 604,1 tỉ đồng tiền thuê đất theo Thông báo 19289/CCT-TB&TK ngày 27/9/2018 của Chi cục thuế quận Ba Đình. Đến năm 2019, công ty đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho lô đất này với mục đích sử dụng mới.

Khi thủ tục pháp lý của khu đất cơ bản được hoàn tất, Postef bất ngờ trình Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 (AGM 2019) chủ trương chuyển nhượng toàn bộ dự án ở 61 Trần Phú.

Tuy nhiên, AGM 2021 của Postef đã thông qua việc tạm dừng chủ trương chuyển nhượng dự án.

Tính đến ngày 31/12/2021, Postef ghi nhận chi phí xây dựng cơ bản dở dang đối với dự án này là 808,1 tỉ đồng. Công ty cũng ghi nhận khoản phải trả lên tới 846,9 tỉ đồng cho CTCP Liên Việt Holdings, là tiền nhận góp vốn của đối tác cho dự án tại khu ‘đất vàng’ 61 Trần Phú.

Tính đến cuối năm 2021, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) vẫn là cổ đông lớn nhất của Postef với tỉ lệ sở hữu 49,99% vốn điều lệ.

Đáng chú ý, công ty này còn có hai cổ đông lớn khác là CTCP Chứng khoán Liên Việt (11,323% VĐL) và bà Nguyễn Thị Bích Hồng – Chủ tịch HĐQT Chứng khoán Liên Việt (7,717% VĐL), và một nữ cổ đông gần lớn là bà Phạm Thị Thanh Hồng (4,541% VĐL)./.