Các chuyên gia tại Ford đang cố gắng ngăn chặn tai nạn do lái xe say rượu bằng cách phát triển một "bộ đồ say xỉn" dựa trên khoa học. Họ đang thử nghiệm nó với các thanh, thiếu niên trong một nỗ lực để làm cho họ "thật sự sợ hãi", một phần trong chương trình Ford Driving Skills for Life.
Phóng viên điều tra Jeff Rossen đã thử mặc "bộ đồ say xỉn", bao gồm các vật nặng trên đầu gối và cánh tay của anh và một chiếc kính trùm mắt, theo nghĩa đen có thể gọi là "kính bia rượu" để giới hạn tầm nhìn. Khi không mặc bộ đồ, anh đã vượt qua một cách suôn sẻ khi thực hiện bài kiểm tra mức độ tỉnh táo tại một bãi đỗ xe mô phỏng cũng như lái xe vượt chướng ngại vật, tất cả đã thay đổi khi mặc bộ đồ này, kết quả rất ấn tượng.
Video bản tin về "Drunk Suite"
Trong bản tin, khi mặc bộ đồ vào Jeff cảm giác như mình bị say xỉn, và không còn đủ tỉnh táo. Đầu tiên, anh thực hiện bài test đi trên đường thẳng với 10 bước đi. Và anh đã bước đi như người say xỉn, rất khó khăn. Anh đã thất bại ở bài test này. Tiếp sau đó anh thực hiện bài test "đá cọc phân cách giao thông" (kick the cone). Và thật ngạc nhiên, anh đã không đá trúng cọc khi chỉ đứng cách đó khoảng 20 cm. Có vẻ như anh đang say xỉn. Và bài test cuối cùng, anh lái xe trên sa hình mà anh đã được lái qua trước đó (khi chưa mặc bộ đồ xay xỉn). Ngay khi xuất phát, Jeff đã loạng choạng, và bắt đầu va vào các cọc tiêu phân cách giao thông. Hết cọc này đến cọc khác. Một chuyên gia đi cùng anh trên xe nói: nếu đó là một đứa trẻ, chắc có lẽ đã xảy ra nhiều vụ chết chóc. Và Jeff đã thất bại. Khi nhìn lại sa hình vừa lái xe qua, anh thật sự kinh ngạc vì những thiệt hại khủng khiếp mà anh đã gây ra.
Tại Việt Nam, theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia: Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông nếu uống rượu, bia dễ bị hưng phấn, chay xe với tốc độ cao. Ngoài ra, rượu, bia chính là nguyên nhân trực tiếp làm giảm tốc độ phản ứng của lái xe, làm giảm khả năng điều khiển tự chủ, phản xạ dẫn đến gia tăng mức độ rủi ro và tai nạn giao thông. Trung bình mỗi ngày, ở Việt Nam có 24 người tham gia giao thông và "không về nhà", 60 người khác bị thương vì tai nạn giao thông có liên quan tới rượu bia. Nói về tai nạn giao thông, Việt Nam cũng mất 2,5% GDP/năm trong khi tăng trưởng cả nước hằng năm chỉ khoảng 6%.
Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông, mặc dù qua các năm từ năm 2014 đến năm 2016, số lượng các vụ tai nạn giao thông, số lượng người chết, bị thương do tai nạn giao thông có chiều hướng giảm dần. Nhưng tỷ lệ tai nạn giao thông do nguyên nhân rượu bia đang có dấu hiệu tăng, trung bình mỗi năm khoảng 36,6 % tổng số vụ tai nạn giao thông. Thời gian xảy ra tai nạn chiếm tỷ lệ cao là từ 12h đến 24h. Số lượng thanh, thiếu niên sử dụng rượu, bia cũng ngày càng tăng. Cùng với đó số lượng tiêu thụ rượu bia ở Việt Nam cũng ngày càng tăng năm 2012 là 2,8 tỷ lít bia, năm 2013 là 3 tỷ lít bia, năm 2014 là 3,1 tỷ lít bia, năm 2015 là 3,4 tỷ lít bia, năm 2016 là 3,8 tỷ lít bia.
Các thông tin trên là đáng báo động khi số lượng tai nạn giao thông ở độ tuổi thanh, thiếu niên do sử dụng rượu, bia gia tăng. Cần có những biện pháp cụ thể không những về chế tài xử phạt, mà quan trọng hơn hết là nâng cao nhận thức, ý thức của người điều khiển phượng tiện giao thông nói chung, và lứa tuổi thanh, thiếu niên nói riêng. Cần có những mô hình thực tiễn như "bộ đồ say xỉn" để giáo dục cho lứa tuổi thanh, thiếu niên. Cho họ được trải nghiệm thực tế khi đang còn tỉnh táo và thấy được hậu quả sẽ khủng khiếp như thế nào khi lái xe trong tình trạng say xỉn.