"Drama" giữa hai ông trùm không gian Jeff Bezos - Elon Musk ngày càng kịch tính

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Cuộc chiến kéo dài 17 năm giữa hai người khổng lồ của Trái đất cuối cùng đã bùng cháy vào không gian.
Ảnh: Business Insider
Ảnh: Business Insider

Là hai gã khổng lồ công nghệ nổi tiếng nhất, thành công nhất và được theo dõi nhiều nhất trên thế giới, Elon Musk và Jeff Bezos đều là những doanh nhân công nghệ "hoành tráng".

Musk là thành viên cốt lõi của PayPal, có nhiều kinh nghiệm xây dựng thành công ý tưởng mới và hiện là ông chủ của Tesla.

Amazon do Bezos thành lập trở thành biểu tượng công ty Internet thay đổi cơ cấu kinh tế. Cả hai đều đang sở hữu khối tài sản đáng kinh ngạc: Bezos tạm thời đứng đầu danh sách với 177 tỉ USD, theo sau là Musk với 151 tỉ USD.

Họ đều có công ty hàng không vũ trụ của riêng mình: SpaceX của Musk thúc đẩy tiến bộ nhanh chóng trong ngành hàng không vũ trụ tư nhân, đưa con người ngày càng gần hơn với du hành vũ trụ đã được thương mại hóa và bình thường hóa.

Blue Origin của Bezos được thành lập sớm hơn SpaceX và gần đây công ty đã hoàn thành thành công thử nghiệm bay thương mại của tàu vũ trụ có người lái.

Mặc dù cách đây không lâu Bezos đã tuyên bố "nghỉ hưu" khỏi Amazon và tập trung nhiều hơn vào Blue Origin và các mảng kinh doanh khác, nhưng trên thực tế, ông vẫn gánh vác nhiệm vụ giám sát và ra quyết định đối với các chiến lược chính và định hướng tương lai của Amazon.

Trong khi đó, Musk cũng đang gánh vác trách nhiệm CEO của nhiều công ty như Tesla, SpaceX, và Boring Company trong nhiều năm. Cả hai dường như có năng lượng vô hạn, thay đổi thế giới của chúng ta từ nhiều chiều cùng một lúc.

Bạn có thể nghĩ rằng hai người đàn ông đứng đầu về sự đổi mới công nghệ và khám phá khoa học của con người nên có thiện cảm với nhau? Câu trả lời là không hề!

Mặc dù họ đều có kinh nghiệm khởi nghiệp thành công và cùng ôm tham vọng cao cả nhưng trên thực tế, khoảng cách giữa Musk và Bezos đã kéo dài hơn chục năm. Thời gian gần đây, bất bình giữa hai người ngày càng gay gắt và có chiều hướng nóng lên.

Vài ngày trước, Musk đã tweet và chế nhạo Bezos: "Hoá ra ông Besos nghỉ hưu là để theo đuổi công việc toàn thời gian gây bất lợi cho SpaceX...".

Ở đây, Musk cố tình viết sai chính tả tên của ông Bezos với hàm ý giễu cợt.
Ở đây, Musk cố tình viết sai chính tả tên của ông Bezos với hàm ý giễu cợt.

Phát ngôn của Musk là nhằm vào việc Amazon lại hối thúc Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) bác bỏ kế hoạch phóng thêm cụm vệ tinh Starlink của SpaceX.

Động thái của Amazon đơn giản chỉ là một lời kháng nghị, không hẳn là kiện. Tuy nhiên, tuyên bố của Musk cũng không có gì sai. Bởi vì vào giữa tháng 8, Blue Origin không hài lòng với việc SpaceX độc quyền hợp đồng tàu đổ bộ lên mặt trăng mới của NASA (Dự án Artemis), và đã khởi kiện SpaceX.

Tính cả vụ kiện đấu thầu tàu đổ bộ mặt trăng và cản trở việc nâng cấp hệ thống Starlink, Bezos đã "đâm" Musk hai lần chỉ trong vòng nửa tháng. Không có gì lạ khi "Người sắt ở Thung lũng Silicon" lại tức giận đến vậy.

Nhưng tại sao cuộc đấu tranh giữa hai người lại nảy sinh? Để hiểu rõ tất cả những điều này, chúng ta hãy quay trở lại 17 năm trước.

Một bữa tối không phải là một bầu không khí hài hòa

Bữa ăn tối giữa Jeff Bezos và Elon Musk

Bữa ăn tối giữa Jeff Bezos và Elon Musk

Cuốn sách "Những bá chủ không gian" (The Space Barons) ghi lại một bữa ăn không vui vẻ gì giữa Bezos và Musk cách đây 17 năm.

Đó là năm 2004, cả hai còn ít nổi tiếng hơn ngày nay, nhưng cả hai đều có kinh nghiệm khởi nghiệp và cột mốc thành công vào thời điểm đó, nên họ tự nhiên đồng cảm với nhau.

Quan trọng hơn, cả hai đều cực kỳ mê khám phá không gian.

Bezos luôn có giấc mơ không gian thời trẻ, và ông cũng học Khoa Vật lý trước khi đến Princeton và chuyển sang Khoa "Khoa học Máy tính". Sau đó, ông thành lập Amazon và niêm yết thành công trong vòng vài năm. Thành công của Amazon mang lại nguồn tài chính khổng lồ cho Jeff, vì vậy, vào năm 2000, ông đã chính thức đăng ký Blue Origin.

Musk cũng mơ ước chế tạo tên lửa từ khi còn nhỏ. Sau khi bán startup Zip2 và PayPal thành công, Musk đã sử dụng 160 triệu USD tiền mặt mà mình kiếm được làm vốn khởi nghiệp để thành lập SpaceX. "Trong giai đoạn đầu, tôi thậm chí còn không cho bạn bè đầu tư vì sợ tất cả sẽ thua lỗ. Tôi nghĩ thà mất tiền của chính mình còn hơn", Musk hồi tưởng trong một cuộc phỏng vấn năm 2018.

Nói chung, vào năm 2004 khi bữa ăn này diễn ra, cả Bezos và Musk đều đã tham gia vào lĩnh vực hàng không vũ trụ tư nhân trong vài năm. Hai người tự nhiên có rất nhiều thứ để nói về không gian.

Tuy nhiên, trên thực tế, không khí của bữa tối này khác xa với sự "hòa hợp" mà người ta có thể tưởng tượng.

Cuốn sách viết rằng Musk, với tư cách là "người đến sau", giả vờ là "người đi trước" và muốn chia sẻ một số kinh nghiệm và bài học của mình với Bezos. Tuy nhiên, về cơ bản Bezos phớt lờ lời đề nghị của Musk.

"Tôi thực sự đã cố gắng đưa ra lời khuyên tốt cho ông ấy, nhưng ông ấy phần lớn đã bỏ qua nó".

Bezos hơn Musk 7 tuổi; Blue Origin được đăng ký sớm hơn SpaceX hai năm. Nếu người lớn tuổi không muốn nghe lời giảng của người trẻ tuổi hơn, đó là điều bình thường.

Vấn đề là Bezos chỉ tin vào việc "đi theo con đường riêng của mình" để thành công.

Tốc độ tăng trưởng ban đầu của Amazon không đặc biệt nhanh, và nhiều người không lạc quan về nỗ lực mà công ty đã đạt được vào thời điểm đó. Nhưng Amazon ngày nay, quy mô, vị thế và tầm quan trọng của nó, không còn gì để bàn nữa.

Bezos tin chắc rằng nếu bạn đi theo con đường riêng của mình và làm việc theo cách của riêng mình, thì ngay cả khi bạn đi đường vòng, bạn sẽ tự mình tìm ra con đường đúng. Đối với một công ty có mục tiêu 100 năm, thành công bền vững có thể còn đáng sợ hơn thất bại và khó khăn.

Đây là logo của Blue Origin được công bố vào giữa năm 2000. Không ít người hoang mang: "Logo sao lại rắc rối như vậy?"

Nhưng tất cả đều có dụng ý của nó. Khẩu hiệu "Gradatim Ferociter" trong tiếng Latinh theo nghĩa đen là "từng bước, đầy mạnh mẽ".

Hai con rùa tay cầm khiên, hướng về các vì sao. Tấm khiên mô tả các tốc độ khác nhau mà tàu vũ trụ yêu cầu để đạt đến các độ cao quỹ đạo khác nhau; hình ảnh của con rùa xuất phát từ truyện ngụ ngôn Rùa và Thỏ: chậm và chắc sẽ thắng trong cuộc đua.

Blue Origin so sánh tàu vũ trụ với con rùa. Linh vật của công ty cũng là một con rùa. Con rùa cũng được vẽ trên cửa của tàu vũ trụ trong chuyến bay thử nghiệm. Phương châm sống và làm việc "chậm mà chắc" của Bezos đã được phản ánh một cách sinh động.

(Thêm một chi tiết nhỏ: nghiên cứu khoa học đã phát hiện ra rằng quãng đường trung bình mà một con rùa đi được trong cuộc đời của nó dài hơn nhiều so với con thỏ.)

Linh vật của Blue Origin là một chú rùa
Linh vật của Blue Origin là một chú rùa

Theo Bezos, hàng không là ngành mạo hiểm và nhiều rủi ro, Blue Origin cần thời gian dài để đạt được sứ mệnh của nó. Vậy nên, họ làm việc một cách cẩn trọng, cải tiến dần dần và giữ ổn định các khoản đầu tư. Đi bước nhỏ, thường xuyên sẽ tạo ra tốc độ nhanh hơn và sớm có kết quả.

Tất nhiên, Bezos không muốn làm một "con rùa" mãi mãi. Vì vậy, có một yếu tố khác trong huy hiệu của Blue Origin: một chiếc đồng hồ cát có cánh, nghĩa là "Thời gian thắm thoắt thoi đưa".

Bữa tối năm 2004 đó, Bezos và Musk đã có một cuộc trao đổi quan điểm không mấy thân thiện. Sự ghẻ lạnh giữa hai người họ trở nên rõ ràng hơn với sự nóng lên dần dần của hàng không vũ trụ tư nhân và sự gia tăng cạnh tranh thị trường trong những năm qua.

Cuộc chiến ngổ ngáo của những khẩu đại bác

Năm 2013, NASA có kế hoạch cấp phép độc quyền bệ phóng LC-39A tại Trung tâm Hàng không Vũ trụ Kennedy cho SpaceX. Trước đây, hầu hết các vụ phóng quan trọng của NASA đều diễn ra tại đây, vì vậy việc bàn giao nó cho các công ty hàng không vũ trụ tư nhân chắc chắn là một sự kiện quan trọng và có ý nghĩa vinh dự rất cao.

Một bệ phóng quan trọng như vậy lại được ủy quyền riêng cho mình SpaceX? Bezos rất tức giận, tại sao lại dành cho SpaceX sự ưu đãi như vậy? Vì vậy, Blue Origin đã phát động một cuộc phản đối mạnh mẽ và kêu gọi chính phủ Mỹ biến LC-39A thành một sân bay vũ trụ thương mại hóa, có thể được sử dụng bởi bất kỳ công ty hàng không vũ trụ nào.

Bệ phóng LC-39A. Ảnh: NASA
Bệ phóng LC-39A. Ảnh: NASA

Ngày nay, việc Musk dám nói dám làm, làm mưa làm gió trên mạng xã hội không còn là chuyện lạ. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, khá sốc khi Musk bất ngờ phản pháo và gây thù chuốc oán với Bezos.

Trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông, Musk đã chỉ ra rằng hành vi phản đối của Bezos là một "chiến lược ngăn chặn đạo đức giả" và chỉ trích Blue Origin.

"Nếu họ có thể chế tạo tàu vũ trụ đáp ứng các tiêu chuẩn bay có người lái của NASA và tích hợp với Trạm vũ trụ quốc tế trong 5 năm tới, chúng tôi rất sẵn lòng đáp ứng yêu cầu của họ với bãi phóng 39A", Musk nói, không quên mỉa mai.

"Thành thực mà nói, tôi nghĩ khả năng chúng ta tìm thấy những con kỳ lân nhảy múa trong bệ phóng còn cao hơn".

Cuối cùng, SpaceX đã chiến thắng và giành được quyền sử dụng độc quyền LC-39A.

Năm 2010, Blue Origin đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế cho việc sử dụng tàu không người lái để hạ cánh và thu hồi tên lửa có thể tái sử dụng. Người phát minh ra bằng sáng chế bao gồm chính Bezos.

Lần này đến lượt SpaceX tỏ ra không hài lòng và đệ đơn phản đối lên Tòa án Sáng chế Mỹ, tuyên bố rằng công nghệ này không mới và khái niệm tàu không người lái đã xuất hiện trước đó hàng chục năm. Thẩm phán đồng tình với lý lẽ này, khiến Blue Origin rút phần lớn nội dung đăng ký bản quyền.

Kể từ đó, sự cạnh tranh giữa hai công ty ngày càng trở nên gay gắt. Trong quá trình phát triển tên lửa, Blue Origin thậm chí còn thuê người trực tiếp từ SpaceX với mức lương gấp đôi, thậm chí cao hơn. Thậm chí, SpaceX phải chặn hai chữ "blue" và "origin" trong hộp thư của công ty.

Đối với hành vi "đào góc tường" điên cuồng của Blue Origin, Musk đã nhận xét trong cuốn tiểu sử năm 2015 của mình: "Điều đó là không cần thiết và hơi thô lỗ".

Cuộc tranh cãi giữa hai nhà sáng lập cũng trở nên rõ ràng. Khi Bezos đăng video ca ngợi Blue Origin sau khi công ty này hạ cánh thành công tên lửa New Shepard năm 2015, ngay lập tức, Musk khẳng định SpaceX đã làm được điều đó từ ba năm trước.

Khi có cơ hội, Bezos chắc chắn không ngần ngại chế giễu Musk và SpaceX, nhưng lời nói của ông vẫn có vẻ đàng hoàng hơn.

Cuối năm 2015, SpaceX đã lần đầu tiên hoàn thành việc thu hồi tên lửa Falcon 9. Bezos đã gửi dòng tweet như một lời chúc mừng:

Khi mọi người nhìn thấy dòng tweet này, họ có thể nghĩ rằng Bezos khá thân thiện. Nhưng, trên thực tế, Bezos đang chơi trò ngụ ý. Dòng tweet của ông chỉ có 12 từ và 84 ký tự, nhưng lại ẩn chứa hai lớp nghĩa trong đó:

1) Đầu tiên là "Chào mừng đến với Câu lạc bộ", ngụ ý Blue Origin đã hoàn thành hạ cánh tên lửa tái sử dụng sớm hơn SpaceX (một tháng trước đó).

2) Tiếp theo là từ "Suborbital" (dưới quỹ đạo). Bezos nói kháy tên lửa của SpaceX chỉ có thể đạt độ cao dưới quỹ đạo.

Vì vậy, nhóm đối thoại này về cơ bản là cuộc đấu võ mồm cấp độ tuổi vị thành niên giữa hai tỉ phú!

Trên thực tế, Bezos và Musk, cộng với một ông trùm hàng không vũ trụ tư nhân khác, Richard Branson - ông chủ của Virgin Galactic, đều đang duy trì "bằng mặt không bằng lòng" giữa ba người. Nhưng mỗi khi một đối thủ đạt được một kết quả mới, hai người còn lại về cơ bản đều nói "Bạn không cao bằng tôi!" "Bạn không nhanh bằng tôi!"

Vào năm 2019, Amazon đã công bố Kuiper Systems, một dự án Internet vệ tinh giống với Starlink của SpaceX, khiến Musk trực tiếp gọi tên Bezos trên Twitter là "kẻ sao chép".

Năm 2019, Musk tiếp tục chỉ trích Bezos sau khi Blue Origin công bố thiết kế xe địa hình chạy trên Mặt Trăng mang tên Blue Moon.

Khi nào thì cuộc tranh cãi kết thúc?

Tháng 7 năm ngoái, Musk đã chơi tấn công cá nhân, và lần này thì hơi quá.

Musk tấn công tuổi tác của ông chủ Amazon: "Tốc độ tiến bộ quá chậm và thời gian còn lại của ông ấy không nhiều, nhưng tôi vẫn mừng vì những gì ông ấy đang làm với Blue Origin". (Vấn đề là năm ngoái Bezos mới 56 tuổi. Và Branson năm nay 71 tuổi cũng đã tự mình bay vào vũ trụ.)

Kể từ đó, về cơ bản, Musk đã rơi vào tình trạng không thể hòa hợp với Bezos, và liên tục đưa ra phát ngôn gây hấn.

Ví dụ, năm ngoái, cửa hàng sách điện tử Amazon Kindle đã gỡ bỏ một cuốn sách liên quan đến COVID-19 vì vi phạm chính sách, nhưng không nêu rõ cụ thể là gì. Musk liên tục đăng dòng tweet mang đậm tính chất "cà khịa", kêu gọi chia tách Amazon với danh nghĩa chống độc quyền.

"Điều này thật điên rồ. Đã đến lúc nên giải tán Amazon. Độc quyền là sai trái".

Về phần mình, Bezos ít thể hiện sự thù ghét Musk và SpaceX mà thay vào đó ông nhiều bình luận bóng gió về những kế hoạch của đối thủ, đặc biệt là tham vọng lớn nhất của Musk là đưa người lên sinh sống ở sao Hỏa.

Bezos thường nói về việc đưa người lên Mặt Trăng và mô tả ý tưởng vươn tới sao Hỏa là "thiếu động lực". "Hãy thử sống trên đỉnh Everest trong một năm xem bạn có thích không, vì nó có thể coi là vườn địa đàng khi so với sao Hỏa", ông chủ Blue Origin nói năm 2019. Khi giới thiệu về Blue Moon, Bezos cũng đề cập đến tham vọng lên sao Hỏa của SpaceX với dòng chữ "xa, rất xa".

Vào tháng 5 năm ngoái, NASA đã tuyển dụng SpaceX, Blue Origin và Dynetics, ba công ty hàng không vũ trụ tư nhân, để phát triển tàu đổ bộ mặt trăng (Human Landing System-HLS) - một phần trong chương trình chinh phục vũ trụ Artemis của Mỹ.

Như đã nói trước đó, tàu đổ bộ Blue Moon của Blue Origin đã được ra mắt vào năm 2019 nên lần này hãng vẫn tràn đầy tự tin. Kết quả là ở giai đoạn hiệu chỉnh vào tháng 4 năm nay, NASA dường như "bỏ quên" Blue Origin và Dynetics, và chỉ ký hợp đồng độc quyền với SpaceX.

Blue Origin và Dynetics ngay lập tức đệ đơn phản đối lên Văn phòng Giải trình Chính phủ Mỹ (GAO) và sau đó vào giữa tháng 8 năm nay, họ chính thức đệ trình NASA lên tòa án.

Bản đồ minh họa của Blue Origin về tàu đổ bộ mặt trăng
Bản đồ minh họa của Blue Origin về tàu đổ bộ mặt trăng

Tuy bị đơn trong vụ kiện này là cơ quan chính phủ Mỹ nhưng ai cũng thấy Blue Origin có hiềm khích với SpaceX, giống như cuộc chiến giành quyền sử dụng bệ phóng LC-39A trước đây. NASA cho biết họ đã tạm dừng hợp tác với SpaceX liên quan đến hợp đồng tàu đổ bộ Mặt Trăng cho đến hết ngày 1/11.

Đáp trả lại hành động của Jeff Bezos, Elon Musk đã tweet về một bức ảnh chụp Blue Moon với chú thích: "Đằng nào thì cái này (Blue Moon) vẫn không thuyết phục…"

Bức hình chụp tàu đổ bộ mặt trăng của Jeff Bezos dường như được chụp tại một sự kiện do Blue Origin tổ chức và cho thấy phần giữa thân tàu có vẻ đang bị bẹp.

Điều này vẫn chưa kết thúc. Trong vòng nửa tháng, SpaceX lại chạm trán với Bezos. Và lần này không phải Blue Origin mà là chính Amazon!

Trong nửa đầu năm nay, SpaceX đang chuẩn bị "nâng cấp" mạng Starlink, phóng 30.000 vệ tinh mới cho hệ thống thế hệ thứ hai nhằm cải thiện dịch vụ này thời gian tới.

Kuiper Systems, dự án Internet vệ tinh của Amazon, rõ ràng đang nhắm tới Starlink. Vì vậy, khi chứng kiến ​​SpaceX chuẩn bị phóng cụm vệ tinh mới, Amazon lại phản đối, cho rằng làn sóng nâng cấp này của Starlink có thể gây nhiễu cho các hệ thống vệ tinh khác, cũng như tạo ra nhiều rác vũ trụ.

Ngoài những dòng tweet của chính Musk về "kẻ kiện tụng chuyên nghiệp" Bezos, SpaceX cũng có phản hồi chính thức: "Hồ sơ lịch sử của Amazon đã chứng minh rằng khi công ty này tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh, họ sẽ luôn lạm dụng quy định và các thủ tục pháp lý để tạo ra trở ngại cho các đối thủ cạnh tranh, không cho phép đối thủ đi xa hơn mình".

Cho đến nay, mối "nghiệt duyên" giữa Bezos và Musk đã kéo dài từ bữa ăn năm 2004 đến hôm nay, tức 17 năm sau mà không hề có dấu hiệu dừng lại.

Những người bình thường không có ý kiến ​​gì về điều này, dù sao thì Musk cũng khá "giải trí", thậm chí có người còn nói rằng thực sự thú vị khi xem Bezos thỉnh thoảng pha trò.

Hơn nữa, sự nghiệp của họ vừa quá đỉnh vừa quá "đắt đỏ". Vì vậy, bất kể họ nói chuyện như thế nào, công ty của họ tranh chấp ra sao, điều đó cũng không ảnh hưởng đến những người hóng drama bên ngoài.

Theo Sina