Đột phá năng lượng: Ai Cập đặt cược vào "vành đai mặt trời" để vượt qua khủng hoảng điện

Ai Cập bắt đầu xây dựng Obelisk, nhà máy điện mặt trời kết hợp pin lớn nhất nước, nhằm giải quyết khủng hoảng điện và giảm phụ thuộc vào khí đốt. Dự án trị giá 590 triệu USD do Scatec phát triển.
Các tấm pin mặt trời tại nhà máy hiện tại của Scatec ở Benban, Ai Cập, hoàn thành vào năm 2019. Ảnh: Scatec.

Ai Cập đã bắt đầu xây dựng nhà máy năng lượng mặt trời kết hợp pin lưu trữ quy mô lớn đầu tiên của mình, trong nỗ lực tận dụng nguồn ánh sáng mặt trời dồi dào để giải quyết cuộc khủng hoảng điện năng đang ngày càng nghiêm trọng.

Dự án mang tên Obelisk, tọa lạc tại thành phố Nagaa Hammadi, sẽ kết hợp sản xuất 1,1 gigawatt điện mặt trời cùng 200 megawatt-giờ pin lưu trữ. Với tổng vốn đầu tư 590 triệu USD, nhà máy đang được xây dựng bởi Scatec, một công ty năng lượng tái tạo đến từ Na Uy, chuyên hoạt động tại các thị trường mới nổi.

Scatec hiện đã có bốn dự án năng lượng tái tạo khác tại Ai Cập, và quốc gia Bắc Phi này đang đặt mục tiêu nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo từ 13% (năm 2023) lên 42% vào năm 2030.

Hiện tại, khoảng 75% điện năng của Ai Cập phụ thuộc vào khí đốt, nhưng do sản lượng khí nội địa suy giảm trong những năm gần đây, nước này đã phải nhập khẩu khí đốt và đối mặt với giá cả leo thang, khiến các đợt mất điện diện rộng liên tục xảy ra.

“Các nền kinh tế đang phát triển là những bên chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ giá nhiên liệu tăng cao. Với năng lượng tái tạo, bạn không phải phụ thuộc vào việc nhập khẩu nhiên liệu. Đây còn là câu chuyện về sự ổn định”, ông Terje Pilskog, Giám đốc điều hành Scatec, chia sẻ với CNN.

Theo tổ chức Global Solar Council, 60% diện tích đất đai tốt nhất thế giới cho phát triển điện mặt trời nằm ở châu Phi, nhưng chỉ 3% sản lượng điện của lục địa này đến từ mặt trời vào năm 2023. Tuy nhiên, năm 2024, 75% các dự án điện mặt trời mới ở châu Phi được xây tại Nam Phi hoặc Ai Cập. Trong khi đó, 18 quốc gia châu Phi có tiềm năng triển khai các dự án điện mặt trời quy mô trên 100 MW vào năm 2025 – tăng đáng kể so với chỉ hai nước vào năm 2024. Mục tiêu của châu Phi là đạt 300 GW công suất điện mặt trời vào năm 2030, cao hơn cả công suất hiện tại của Mỹ.

Đèn đường và các tòa nhà chìm trong bóng tối trong sự cố mất điện ở quận Mokattam, thủ đô Cairo của Ai Cập vào ngày 25/6/2024. Ảnh: AFP.

Mặc dù Ai Cập vẫn đang tìm kiếm thêm các nguồn khí đốt nội địa, quốc gia này đã đưa ra các mục tiêu tái tạo đầy tham vọng, từng đăng cai Hội nghị khí hậu COP27 vào năm 2022. Tuy nhiên, theo ông Karim Elgendy, Giám đốc điều hành Viện Carboun – một tổ chức tư duy chiến lược về năng lượng và khí hậu khu vực Trung Đông - Bắc Phi – động cơ chính cho các dự án tái tạo mới là kinh tế, chứ không phải môi trường.

Với sự phụ thuộc nặng nề vào khí đốt và sản lượng ngày càng giảm từ mỏ khí Zohr chủ lực, Ai Cập đang gặp khó khăn nghiêm trọng trong việc đảm bảo nguồn điện ổn định.

Tháng 5 và 6 năm nay, Ai Cập đã phải phát hành đấu thầu nhập khẩu gần 2 triệu tấn dầu nhiên liệu để đáp ứng nhu cầu điện trong mùa hè, do giá khí nhập khẩu quá đắt. Mùa hè với nhiệt độ lên đến 42°C ở phía nam khiến nhu cầu sử dụng điều hòa tăng vọt. Thủ tướng Mostafa Madbouly gần đây đã kêu gọi người dân tiết kiệm điện để tránh mất điện.

Nhà máy năng lượng mặt trời Benban ở miền Nam Ai Cập là một trong những nhà máy lớn nhất thế giới. Ảnh: Scatec.

"Vành đai năng lượng mặt trời kỳ diệu"

Sự nóng nực của mùa hè Ai Cập không chỉ tạo áp lực lên hệ thống điện mà còn mang đến giải pháp. Miền Nam Ai Cập, nơi dự án Obelisk đang được triển khai, nằm trong khu vực được ông Elgendy gọi là “vành đai mặt trời kỳ diệu”. Theo Global Solar Atlas, Ai Cập có tiềm năng điện mặt trời đứng thứ tư thế giới.

Vấn đề cố hữu của năng lượng mặt trời là tính không liên tục – chỉ hoạt động ban ngày – trong khi giải pháp lưu trữ pin quy mô lớn trước đây quá tốn kém. Nhưng hiện nay, giá pin đang giảm mạnh, kết hợp với chi phí vận hành và lắp đặt điện mặt trời rẻ hơn, những dự án như Obelisk, tích hợp cả hai công nghệ, đang mở ra hướng đi đột phá.

Theo ông Elgendy, do quy mô lớn và vị trí thuận lợi, dự án Obelisk “có thể chứng minh cho thế giới thấy rằng ‘điện mặt trời cộng với pin lưu trữ’ có thể xóa bỏ điểm yếu lớn nhất của năng lượng tái tạo”.

Chi phí cho các dự án lưu trữ pin đã giảm tới 89% từ năm 2010 đến 2023, nhờ năng lực sản xuất tăng mạnh, đặc biệt từ Trung Quốc. Elgendy dự đoán rằng, vào năm 2027, “các nhà máy điện mặt trời + pin sẽ là hình thức phát điện rẻ nhất”.

Báo cáo từ Global Solar Council cũng xác nhận rằng khả năng lưu trữ năng lượng là yếu tố then chốt thúc đẩy sự phát triển điện mặt trời toàn cầu. Tuy nhiên, trong khi tổng dung lượng lưu trữ toàn cầu đạt 363 GWh vào năm 2024, châu Phi mới chỉ đạt 1,6 GWh.

Dù giá pin đã giảm, điện mặt trời rẻ vận hành, nhưng xây dựng các nhà máy kiểu này vẫn đòi hỏi khoản đầu tư ban đầu rất lớn, và khó tiếp cận vốn. Ông Elgendy nhận định, “rủi ro đầu tư cao ở các nước đang phát triển khiến chi phí xây dựng đắt hơn tại châu Phi”. Trong năm 2024, châu Phi chỉ thu hút 3% tổng đầu tư năng lượng toàn cầu.

Dự án Obelisk sẽ nhận được 479,1 triệu USD tài trợ từ Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD), Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) và Tổ chức Đầu tư Quốc tế Anh (BII).

561 MW công suất mặt trời đầu tiên và toàn bộ công suất pin dự kiến sẽ được đưa vào vận hành trong nửa đầu năm 2026, và hoàn tất toàn bộ 1,1 GW vào cuối năm.