Số lượng đồ điện trong nhà đến bao nhiêu thì gọi là nhiều? Một phòng 3 loại đèn, lắp mỗi phòng ngủ một cái TV và đặt điều hòa trong nhà vệ sinh liệu đã đạt được cái cảnh giới “nhiều” ấy? Bạn đừng vội đưa ra một lời nhận xét, cho tới khi chiêm ngưỡng ngôi nhà của anh chàng Kagura người Nhật này.
Là quản lý của hai chuỗi cửa hàng cho thuê phim và game, anh lần đầu tiên được “lên TV” hồi năm 2012, khi được phỏng vấn về “sự ám ảnh” của anh về Final Fantasy XI: một mình anh chơi tới 10 tài khoản khác nhau. Mỗi tài khoản lại nằm chễm chệ trên một màn hình riêng, với một máy PlayStation 2 riêng và dĩ nhiên là một tay cầm chơi game riêng.
Ngày xưa ...
Thời đại PS2 lụi tàn và dịch vụ chăm sóc cho PS2 cũng không còn. Bỏ lại kỷ nguyên đáng nhớ ấy sau lưng, anh Kagura chuyển sang lĩnh vực mới, nền tảng mới, ấy là hệ máy PC.
Nhiều thứ mới nhưng có một thứ vẫn không đổi, thậm chí là còn tăng lên, ấy là số lượng đồ điện tử trong căn nhà của anh.
NGÀY NAY!
Như bạn có thể thấy, anh đã nâng cấp toàn bộ hệ thống của mình lên, thêm vào bộ sưu tập của mình Dragon Quest X và Final Fantasy XIV và XV – rõ ràng đây là tựa game yêu thích của anh. Anh thổ lộ rằng chơi 10 máy một lúc thì hơi khó quá, vì thế anh quyết định chỉ mua 7 máy thôi. Đúng đó anh Kagura ơi, 10 cái nhiều quá!
Tất nhiên anh cũng tận dụng hết số màn hình khổng lồ ấy, chơi một lúc vài tài khoản và theo lời anh nói, điều đó cho anh một lợi thế rất lớn.
Để chuyển đổi giữa các game dễ dàng hơn, Kagura sử dụng một hệ thống phân định riêng cho số máy móc khổng lồ của mình: mỗi một tay cầm có một chỗ đặt riêng, một màu sắc riêng và anh có thể nhớ được rõ ràng rằng tay cầm nào là thuộc về trò chơi nào, nhân vật nào.
Hệ thống điện lớn hiển nhiên phải đi kèm với một hệ thống công tắc lớn. Anh Kagura đã sử dụng hệ thống điện gắn tường để bật/tắt giữa các màn hình, bàn phím, chuột và hệ thống âm thanh. Đó mới chỉ là một trong số nhiều điểm đặc biệt trong căn nhà thiên-đường-của-mọi-game-thủ này.
Kagura đúng là một fan chân chính, một người đam mê sẵn sàng bỏ một núi tiền và công sức ròng rã trong sáu năm trời để xây nên bộ sưu tập trong mơ này.
Loa đài được lắp đặt mọi nơi, cho phép anh Kagura có thể nghe bất kì loại nhạc gì mà anh muốn ở bất kì địa điểm nào trong nhà.
Khung cảnh thường thấy trong nhà là một tủ kính đầy những phụ kiện liên quan đến mọi trò chơi điện tử và hệ thống trò chơi điện tử từng tồn tại.
Kagura sưu tập tổng cộng 3 máy với mỗi hệ thống chơi. Đặc biệt, anh có đủ mọi phiên bản thuộc dòng game Final Fantasy, từ bản đầu tiên trên SNES cho tới phiên bản mới nhất trên PlayStation 3.
Tầng hai của căn nhà mà anh sống là nơi bộ sưu tập game đồ sộ của anh ngự trị. Các giá đựng trò chơi trải dài ngút tầm mắt tới tận đường chân trời (giấy dán trần là hình bầu trời đầy mây), giá nào cũng cao từ sàn lên tới trần nhà với đầy những tựa game tới từ mọi nền tảng.
Những tựa game dài được phân loại theo người viết cốt truyện và nhà xuất bản, cũng như hệ thống tại một cửa hàng bày bán game hay có vậy.
Ở tầng 2 rưỡi – tầng áp mái của mình, anh Kagura lưu giữ những chiếc TV cũ của mình, chờ tới lúc bán được chúng đi. Anh giải thích rằng việc xây nửa tầng nhà sẽ đỡ tốn kém về cả chi phí xây dựng lẫn tiền thuế. Điểm trừ duy nhất của tầng này chỉ là nó quá thấp, một người trưởng thành sẽ phải cúi người để vào tham quan nó.
Đây là hệ thống điện đồ sộ mà anh sử dụng. Kagura đưa toàn bộ vào trong một khu lưu trữ riêng để tránh làm mất mỹ quan ngôi nhà.
Đây là bảng ngắt điện nhà anh Kagura. Anh ước tính rằng anh sử dụng hết 120 ampere điện (một nhà bình thường chỉ dùng khoảng 30 hay 40 ampere) mà thôi. Giá điện mỗi tháng của anh hết tới 20.000 yên (khoảng 177 USD). Mùa đông, anh không cần tới lò sưởi nhưng mùa hè tới, giá điện của anh tăng lên tới 24.000 yên (213 USD), phần thêm vào hiển nhiên là do các thiết bị làm mát.
Bảo hiểm nhà trong trường hợp cháy cũng rất cao, xét tới việc anh chứa cả một kho báu lớn trong căn nhà bé nhỏ của mình.
Theo Trí thức trẻ