|
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Nhiều người dân Thủ đô hẳn vẫn còn nhớ quãng thời gian cuộc sống bị ảnh hưởng bởi đường ống dẫn nước sông Đà vỡ 21 lần liên tiếp, phải tạm dừng cấp nước để khắc phục.
Lần này, họ cũng vừa trải qua một tuần vật lộn với cuộc khủng hoảng nước sạch trước sự cố “nước nhiễm dầu thải”, có hàm lượng styren cao gấp nhiều lần ngưỡng cho phép. Người dân phải nối đuôi nhau xếp hàng dài, dùng xô để lấy nước từ xe tec hay múc cả nước bể bơi để sinh hoạt.
Nước sạch - một thứ hàng hóa thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày và không thể thay thế - chưa bao giờ trở thành một vấn đề nhạy cảm và bức thiết với người dân Thủ đô đến vậy.
Theo quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 499/QĐ-TTg ngày 21/3/2013, dự báo đến năm 2030, tổng nhu cầu nước của Hà Nội (bao gồm nước sinh hoạt, nước công nghiệp,…) đạt 1.939.000 m3/ngày đêm; tới năm 2050 dự báo đạt 2.576.000 m3/ngày đêm.
Nguồn nước sạch cung ứng sẽ được ưu tiên lấy từ nguồn nước mặt và dần thay thế cho nguồn nước ngầm.
Trong đó, nguồn cung cấp nước đến từ 3 nhà máy nước mặt Sông Đà, Sông Hồng và Sông Đuống (phần cấp cho Hà Nội). Địa bàn cung cấp và mục tiêu nâng cấp công suất cho các nhà máy cũng được xác định rõ.
Cụ thể, tới năm 2020, nhà máy nước mặt (NMN) Sông Đà dự kiến sẽ khai thác lưu lượng 600.000 m3/ngày đêm; NMN Sông Hồng khai thác với lưu lượng 300.000 m3/ngày đêm và NMN Sông Đuống (phần cấp cho Hà Nội) là 240.000 m3/ngày đêm.
Tầm nhìn đến năm 2050, NMN Sông Đà khai thác 1.500.000 m3/ngày đêm, NMN Sông Hồng khai thác 600.000 m3/ngày đêm, còn NMN Sông Đuống (phần cấp cho Hà Nội) là 650.000 m3/ngày đêm.
Bên cạnh việc nâng cấp công suất các nhà máy, quy hoạch còn tính tới việc xây dựng mạng lưới đường ống cấp nước truyền tải, trạm bơm tăng áp và các dự án chống thất thoát, thất thu nước sạch.
Nguồn kinh phí đầu tư để thực hiện các hạng mục trong quy hoạch đến năm 2030 được khái toán lên tới khoảng 72.000 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn đến năm 2020, việc đầu tư các nhà máy nước ngầm, NMN Sông Hồng, NMN Sông Đuống giai đoạn I và II, NMN Sông Đà giai đoạn II và mạng lưới đường ống cấp nước cần khoảng 50.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, quyết định phê duyệt quy hoạch cũng nêu rõ việc khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư và phát triển cấp nước.
|
Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho thấy chỉ có 3 nhà máy nước mặt phục vụ cấp nước cho người dân Hà Nội. (Nguồn: Hawaco)
|
Nguồn vốn tư nhân
Theo ghi nhận của VietTimes, việc phát triển 3 nhà máy nước mặt kể trên đều có sự đóng góp không nhỏ của dòng vốn tư nhân.
Trong đó, NMN Sông Hồng đang trong quá trình hoàn thiện, tổng vốn đầu tư lên tới 3.692 tỷ đồng, có chủ đầu tư là CTCP Nước mặt Sông Hồng. Cuối năm 2015, đại diện chủ đầu tư cho biết cơ cấu cổ đông của công ty bao gồm: Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Nội (viết tắt: Hawaco - tỷ lệ góp vốn 20%), CTCP Thành Long (tỷ lệ góp vốn 79%) và Công ty Cổ phần hạ tầng đầu tư nước sạch (1% tỷ lệ góp vốn).
NMN Sông Đuống giai đoạn 1, với tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng, có công suất 300.000 m3/ngày đêm đã được khánh thành và đi vào hoạt động từ ngày 5/9/2019. Nhà đầu tư vào dự án này là Tập đoàn Aqua One do bà Đỗ Thị Kim Liên làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Được xây dựng sớm hơn cả và cũng là một trong số công trình nhà máy nước mặt hiếm hoi từng ghi nhận có sự tham gia của nguồn vốn Nhà nước là NMN Sông Đà với khả năng cung cấp nước 300.000 m3/ngày đêm.
Khởi công từ năm 2004, dự án nước sạch sông Đà - Hà Nội có tổng mức đầu tư 1.450 tỷ đồng do Tổng công ty Vinaconex (khi đó vẫn do Nhà nước sở hữu) làm chủ đầu tư. Sau khi hoàn thành, dự án này được chuyển giao cho CTCP Nước sạch Vinaconex, nay đổi tên thành CTCP Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco, Mã CK: VCW).
Thực hiện chủ trương tái cơ cấu, năm 2017, Vinaconex đã triệt thoái vốn tại Viwasupco và thu về hơn 1.000 tỷ đồng từ phiên đấu giá. Tính đến ngày 30/6/2019, hơn 96% cổ phần của Viwasupco tập trung vào 2 cổ đông lớn và cũng là những nhà đầu tư có tiếng trong ngành nước là Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex (Gelex Energy) và CTCP Cơ điện lạnh (Mã CK: REE).
Hạ tầng ngành nước vốn mang nhiều đặc thù, đòi hỏi nguồn kinh phí đầu tư rất lớn. Với bối cảnh nguồn vốn ngân sách có giới hạn, sự tham gia của dòng vốn tư nhân là nguồn trợ lực rất lớn giúp giải quyết được bài toán phát triển hạ tầng ngành nước, phục vụ nhu cầu của người dân.
Đơn cử như tại Viwasupco, với dòng vốn tư nhân, công ty này đang triển khai giai đoạn 2, đầu tư thêm 26,6 km đường ống truyền tải nước sạch, nâng công suất NMN Sông Đà lên 600.000 m3/ngày đêm và hướng đến năm 2050 đạt 1.500.000m3/ ngày đêm theo đúng quy hoạch. Hoạt động đầu tư này trước đó khá ì ạch khi cổ đông Nhà nước vẫn nắm giữ cổ phần chi phối.
Song, việc đầu tư hạ tầng nước cũng dễ dẫn đến tình trạng độc quyền và không tránh khỏi những mặt trái.
Lợi nhuận từ nước sạch
Sở dĩ Viwasupco có sức hút lớn tập trung được 2 “ông lớn” đầu tư vào ngành nước có lẽ một phần đến từ sự độc quyền tự nhiên của công ty khi đang quản lý và vận hành đường ống nước sạch duy nhất từ sông Đà. Mặt khác, Viwasupco còn là đơn vị cung cấp nước cho toàn bộ khu vực Tây Nam Hà Nội.
Dù giá bán nước sạch theo biểu giá Nhà nước quy định, song lợi nhuận đem lại từ sự độc quyền này cho Viwasupco rất đáng nể với biên lợi nhuận gộp thường xuyên được duy trì ở mức từ 50 - 57%. Nếu trừ đi các chi phí khác, biên lợi nhuận ròng của công ty cũng đạt mức từ 40 - 48% trong nhiều năm trở lại đây, bất chấp một loạt sự cố liên quan đến đường ống nước sông Đà.
|
"Tiền vào như nước sông Đà" - câu ví von dân gian dường như đúng với nguồn lợi lớn mà các ông chủ CTCP Đầu tư nước sạch Sông Đà đã thu từ dự án đầu tư của mình.
Kinh doanh có lãi từ sự độc quyền, song Viwasupco lại không nhận được nhiều thiện cảm của người dân Hà Nội từ những sự việc như đã nêu tại đầu bài viết.
“Không dùng nước của Viwasupco thì dùng của ai?” cũng là một câu hỏi rất khó tìm được câu trả lời thỏa đáng.
Nhưng cũng phải ghi nhận rằng, Viwasupco đang cung cấp nước sạch với giá bán cho các công ty cung cấp nước thứ cấp khác là Viwaco, Thanh Hà và Hà Đông với giá là 5.069,76 đồng/m3.
Ở mức giá này, các công ty cung ứng nước thứ cấp vẫn hoạt động ổn định và có lãi, còn ngân sách nhà nước không phải thực hiện bù giá cho các đơn vị này. Mặt khác, mức giá Viwasupco cũng cấp vẫn còn “mềm” hơn so với một số dự án nhà máy nước mặt cung ứng cho địa bàn Hà Nội, mà như đã biết, các nhà máy này không nhiều.
Chia sẻ với VietTimes, lãnh đạo một doanh nghiệp chuyên đầu tư lĩnh vực nước sạch cho biết việc đầu tư vào Hà Nội vẫn có những rào cản “độc quyền” mà ông không tiện tiết lộ.
Do đó, doanh nghiệp của ông đã lựa chọn đầu tư vào các địa phương khác - nơi mà các dự án nước sạch nhận được sự chào đón của lãnh đạo địa phương vì giúp họ khắc phục tình trạng cạn kiệt nguồn nước ngầm, nước nhiễm mặn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế địa phương.
Bảo đảm an ninh nguồn nước Trong các báo cáo thường niên 3 năm gần nhất, CTCP Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco - Mã CK: VCW) đều cho biết đang hoàn tất thủ tục hồ sơ trình Bộ Công an để đưa công ty vào “Công trình trọng điểm liên quan đến an ninh Quốc gia”. Bên cạnh đó, phương án bảo vệ nhà máy nước đã được UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt tại Quyết định số 1229/QĐ-UBND ngày 28/8/2014. Viwasupco cũng thực hiện việc Ký kết Quy chế phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống sản xuất, cung cấp nước sạch giữa công ty và Công an tỉnh Hòa Bình./. |