Đông Nam Á đua nhau mua máy bay trinh thám

Các chỉ huy quân đội ở châu Á Thái Bình Dương đang đặt máy bay trinh sát lên đầu danh sách những khí tài cần mua sắm, trên cả tàu chiến và máy bay chiến đấu, trong bối cảnh các nước ra sức bảo vệ lãnh hải của mình trước nhiều nguy cơ.
Malaysia có thể sẽ đặt mua máy bay trinh sát trên biển ATR-72MP.  Ảnh: Alenia Aermacchi
Malaysia có thể sẽ đặt mua máy bay trinh sát trên biển ATR-72MP. Ảnh: Alenia Aermacchi

Họ hy vọng rằng việc cải thiện khả năng tình báo sẽ ngăn chặn tình trạng tranh chấp hiện nay xấu đi hơn nữa, bằng cách ngăn chặn những hành động khiêu khích đang diễn ra trên vùng biển rộng lớn. Đó là những vùng mà họ tuyên bố chủ quyền nhưng không đủ năng lực giám sát hiệu quả.

Tình trạng yếu kém về tình báo, giám sát và do thám (ISR) ở châu Á được bộc lộ rõ ràng qua tranh chấp Biển Đông, nơi Trung Quốc đã cho xây 7 đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa. Khi các bên liên quan biết được điều gì đang diễn ra, thì Bắc Kinh đã xong đến nửa phần công việc.

Các chính phủ trong khu vực đều tin rằng đầu tư vào ISR tốt hơn sẽ giúp họ tránh được những hiểm họa bất ngờ. Điều này mở ra cơ hội làm ăn béo bở cho các công ty hàng không không gian, như Boeing và Sikorsky của Mỹ. Nắm bắt được nhu cầu mua sắm máy bay tuần tra thế hệ mới, các công ty đang tích cực chào hàng.

Màn trình diễn của chiếc máy bay tuần tra thuộc hải quân Mỹ P-3C Orion trên vùng biển Palawan hồi tháng 6 vừa qua cho thấy lý do để hiểu vì sao "giám sát" sẽ là một từ thông dụng trong lĩnh vực quân sự tại đây trong thời gian tới. Hệ thống radar của máy bay có khả năng quét một vùng biển với bán kính 200 dặm (320km) với độ chính xác đủ để nhận ra một người trên mặt nước, nhờ các máy ảnh có độ phân giải cao quét bề mặt. Cảm biến của máy bay có thể phát hiện tiếng động rất nhỏ hoặc sự hiện diện của các vật kim loại.

Một chiếc tàu nhỏ, đang đi đâu đó trên mặt biển, hiện lên trên màn hình radar của chiếc P-3C Orion với độ nét hoàn hảo. Chiếc tàu đó cách máy bay khoảng 10 km, sĩ quan điều khiển radar cho biết.

Thời gian qua, trong khi chi tiêu quốc phòng ở châu Á tăng mạnh, việc chi cho những thiết bị giám sát mới thường bị bỏ qua. Nhưng điều này đang thay đổi khi khi Malaysia, Philippines, Singapore và Việt Nam sẽ triển khai mua và lắp đặt những hệ thống giám sát tối tân nhất.

"Đầu tư vào những hệ thống ISR ​​là điều hiển nhiên đối với các quốc gia này", Euan Graham, Giám đốc chương trình an ninh quốc tế tại Viện nghiên cứu Lowy, Australia, nhận xét. Cướp biển và buôn lậu, và gần đây là làn sóng người tị nạn đi bằng đường biển, là các thách thức đòi hỏi các nước phải đầu tư vào công nghệ giám sát, thậm chí đối với cả những nước không có tranh chấp lãnh thổ, theo ông Graham.

"Các quốc gia Đông Nam Á cũng cần phải có người canh gác để theo dõi những gì ngay tại sân nhà của mình", ông nói.

P-3 là chiến mã dày dạn kinh nghiệm đã phục vụ trong hải quân Mỹ suốt 5 thập kỷ. Chúng có thể sục sạo vài nghìn cây số vuông trong mỗi chuyến bay, trong mọi thời tiết.

"Đây là những chiếc máy bay tác nghiệp trong tâm bão", Trung tá Patrick Ronan nói, ông là người chỉ huy một trong những chiếc P-3. Các vệ tinh mất quá lâu để lập trình cho một công việc và trở nên vô dụng trong điều kiện mây mù, ông cho biết. Những tàu tuần tra thì ì ạch không thể tìm kiếm những khu vực rộng lớn. Máy bay không người lái có tiềm năng lớn, ông nói, nhưng hiện nay công việc vẫn phải dựa vào con người.

Máy bayP-3 của Mỹ. Ảnh:Airliners.net

Từ độ cao 1,8 km trong một cơn bão vào một buổi sáng, chiếc P-3 chỉ đạo cho tàu chiến Mỹ và Philippines thực hiện bài tập tìm kiếm mục tiêu trong một cuộc tập trận ở biển Sulu. Những con tàu trông chỉ như các đốm nhỏ lạc lõng giữa vùng biển xám bao la, thật khó cho chúng có thể tìm được bất cứ mục tiêu nào nếu không có P-3 dẫn đường.

Có mặt trên chiếc P-3, Thiếu tướng Guillermo Molina, phó tư lệnh quân khu tây của Philippines quan sát hoạt động của chiến cơ do thám. Quân khu của ông có trách nhiệm bảo vệ lãnh hải trên vùng biển phía tây, trước các thách thức an ninh từ Trung Quốc và các bên khác trong tranh chấp.

Tướng Molina thừa nhận rằng quân đội Philippines chỉ biết về việc xây dựng các hòn đảo của Trung Quốc từ lời kể của các ngư dân.

"Ngay cả bây giờ, khả năng giám sát hải phận của chúng tôi cũng vẫn yếu kém", viên tướng nói. "Nếu như có bất cứ điều gì xảy ra, có lẽ chúng tôi sẽ không biết được".

Để khắc phục điểm yếu này, Philippines đã chi 132 triệu USD để mua hai máy bay tuần tra tầm xa mới, và đồng thời yêu cầu các đồng minh Nhật Bản và Mỹ cho phép mua lại những chiếc P-3 đã qua sử dụng để thay thế các máy bay cũ. Việt Nam được cho là cũng đangquan tâm đến máy bay do thám P-3.

Trong vài năm tới, Mỹ và Nhật Bản sẽ lên kế hoạch cho nghỉ hưu khoảng 200 chiếc P-3. Một số trong này sẽ được bán lại cho những nước đồng minh và đối tác. Bên mua rất có thể sẽ phải bỏ tiền để tân trang những trinh thám cơ này. Ví dụ như Philippines hồi đầu năm nay trả 55 triệu USD cho việc mua lại hai chiếc máy bay vận tải C-130 đã qua sử dụng của Mỹ.

Malaysia cũng nhận thấy sự yếu kém trong tuần tra biển của nước này, thể hiện qua vụ các phiến quân Philippines xâm nhập miền đông Malaysia năm 2013; tiếp đó là sự mất tích của chuyến bay MH370 và hoạt động tìm kiếm sau đó.

Tướng không quân Rodzali Daud khẳng định trong một phát biểu hồi tháng 5 vừa qua rằng Malaysia đang có ý định mua 6 đến 8 máy bay do thám. Tuy nhiên, nước này chưa phân bổ ngân sách hoặc mời thầu cho kế hoạch mua sắm.

Tương tự, các công ty chế tạo máy bay đang thuyết phục Singapore. Họ tin rằng quốc đảo sẽ sớm mua các máy bay tuần tra biển mới để thay thế những chiếc Fokker từ năm 50 của thế kỷ trước đang trong biên chế. Đây là ví dụ hiếm hoi về thiết bị tuần thám lạc hậu trong kho vũ khí hiện đại của Singapore.

Mỹ và Nhật Bản đã thay thế những chiếc P-3 lâu đời bằng Boeing P-8A Poseidon hay Kawasaki P-1. Các máy bay mới này có khả năng bằng hoặc thậm chí tốt hơn P-3 về các tính năng tiêu diệt các tàu mặt nước và săn ngầm. Hai nước đều có kế hoạch thực hiện những chuyến tuần tra ở Biển Đông để theo dõi các hoạt động của Trung Quốc ở đây.

Bắc Kinh luôn khẳng định rằng việc bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo là "hợp pháp", và đã trực tiếp cảnh báo Tokyo và Washington rằng việc hai nước này thực hiện những chuyến bay do thám là khiêu khích chủ quyền của Trung Quốc. Bắc Kinh tỏ thái độ giận dữ với Mỹ và Nhật Bản, nhưng chưa có bình luận gì về việc các nước Đông Nam Á đầu tư tăng cường khả năng giám sát trên biển.

Thiếu tướng Molina của Philippines hy vọng rằng việc tăng cường khả năng giám sát "sẽ đem lại hiệu quả răn đe," và đẩy lùi những hành vi sai trái của Trung Quốc.

Tuy nhiên, việc các nước chi tiền đầu tư các hệ thống ISR có giúp cải thiện lợi thế địa chính trị của mình hay không vẫn còn là điều chưa chắc chắn, ông Graham nhận xét, nhắc đến những bức ảnh chụp công trình xây đảo mà Trung Quốc vẫn đang tiến hành trái phép ở Trường Sa.

"Tôi chưa thấy bằng chứng cho thấy điều này làm thay đổi hành vi của Trung Quốc", ông nói.

Trọng Nghĩa theo VnExpress