|
Động đất gây ra vết nứt rất lớn. Ảnh: Creaders. |
Theo truyền thông Myanmar và quốc tế ngày 23/4, một báo cáo khảo sát thực địa do nhóm TBSM (The Spirit of Brotherhood Mission) công bố trên các trang mạng xã hội, cho biết trận động đất mạnh 7,7 độ Richter ở Myanmar hôm 28/3 đã tác động lớn đến địa chất địa phương, làm xuất hiện vết nứt hơn 500 km dọc theo đường đứt gãy, trong đó vết nứt sâu nhất khoảng 21,3 mét.
Báo Myanmar Golden Phoenix xuất bản bằng tiếng Trung đưa tin, qua điều tra tại chỗ, nhóm TBSM phát hiện các vết nứt có chiều dài khác nhau. Một số vết nứt hiện vẫn có thể nhìn thấy rõ ràng, trong khi một số khác có thể "biến mất sau khi quan sát" một số “xuất hiện rồi lại biến mất” hoặc "biến mất rồi phục hồi" do các dư chấn, điều này gây ra những khó khăn nhất định cho công tác điều tra.
Theo báo cáo, trận động đất mạnh ở Myanmar đã gây ra hơn 500 km vết nứt trên mặt đất dọc theo đường đứt gãy, độ sâu của các vết nứt trên mặt đất dao động từ khoảng 0,3 đến 0,6 mét ở chỗ nông nhất và sâu nhất có thể lên tới khoảng 21,3 mét. Các vết nứt quá sâu có thể ảnh hưởng đến kết cấu móng của tòa nhà hoặc các công trình ngầm.
Nhóm điều tra chỉ ra rằng cuộc khảo sát thực địa lần này của họ được thực hiện bằng cách chồng bản đồ vệ tinh USGS với hình ảnh địa tầng EOS Singapore để so sánh thông tin về mặt đất. Tuy nhiên, do một số yếu tố hạn chế nên hiện tại chỉ có thể quan sát và ghi chép một cách hạn chế ở những khu vực có thể tiếp cận.
Về địa hình, một số vùng xa xôi hoặc địa hình hiểm trở hiện vẫn rất khó tiếp cận. Về mặt nhiếp ảnh, nếu không đủ ánh sáng hoặc thời tiết xấu sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh và khó có thể thể hiện chính xác tình trạng đất nứt. Ngoài ra, những tình huống bất ngờ như dư chấn cũng mang lại nhiều thách thức hơn cho hoạt động thăm dò, khảo sát.