Chiều hôm qua, tại Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn, chẩn đoán, điều trị COVID-19 (Bộ Y tế), các thành viên Tiểu ban Điều trị, Hội đồng chuyên môn các bệnh truyền nhiễm đã hội chẩn công tác điều trị bệnh nhân nặng, tại hai BV điều trị bệnh nhân COVID-19 là BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương và BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.
Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Tiểu ban Điều trị đã yêu cầu huy động tất cả trang thiết bị hiện đại, các loại thuốc tốt nhất dành cho các BV với mục tiêu hạn chế thấp nhất bệnh nhân tử vong.
Theo TS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TP HCM, từ hôm 6/4, BV Bệnh Nhiệt đới đã hội chẩn liên viện với Bệnh viện Chợ Rẫy, chỉ định cho bệnh nhân 91 can thiệp ECMO (oxy hóa qua màng ngoài cơ thể). Hiện, bệnh nhân 91 được kết luận là suy đa tạng.
ECMO (tim phổi nhân tạo) là phương pháp ô xy hóa màng ngoài cơ thể, sử dụng một hệ tuần hoàn để thực hiện quá trình trao đổi ô xy ở bên ngoài cơ thể, nhằm hỗ trợ và duy trì chức năng sống ở các bệnh nhân suy tuần hoàn (tim) hoặc suy hô hấp (phổi) nặng. Trong trường hợp bệnh nhân COVID-19 tổn thương phổi nặng thì ECMO là biện pháp thay thế phổi (phổi nhân tạo).
Lịch sử điều trị của bệnh nhân 91 là bị sốt cao liên tục từ lúc nhập viện điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, tình trạng suy hô hấp tăng dần, kết quả chụp X - quang phổi cho thấy tổn thương mô kẽ, phế nang lan tỏa 2 phế trường.
Phi công người Anh được điều trị hỗ trợ hô hấp thở oxy mũi, sau đó chuyển qua oxy mask (thở qua mặt nạ) từ ngày 25/3. Đến ngày 27/3, bệnh nhân 91 bắt đầu thở CPAP và phải thở máy xâm lấn vào ngày 5/4.
Cho tới sáng 6/4, các bác sĩ BV Chợ Rẫy đã sang hỗ trợ thực hiện ECMO cho bệnh nhân ngay tại phòng cách ly áp lực âm Khoa Nhiễm D (BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM).
Kỹ thuật ECMO (Ảnh: SYT)
|
Chiều 7/4, các bác sĩ BV Bệnh Nhiệt đới, BV Chợ Rẫy tiếp tục hội chẩn, khẩn cấp tìm mọi cách còn nước còn tát để cứu bệnh nhân 91, bệnh tình của phi công người Anh đang càng lúc càng diễn biến xấu.
Từ BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, Hội đồng chuyên môn các bệnh truyền nhiễm với các chuyên gia đầu ngành về hồi sức, truyền nhiễm, cấp cứu, hô hấp... mong muốn các đồng nghiệp và chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm để điều trị cho phi công người Anh.
Tất cả các giải pháp từ sử dụng thuốc, các chỉ số sinh tồn, các vấn đề liên quan về xét nghiệm… đều thảo luận chi tiết. Các thành viên hội chẩn cũng thống nhất bằng mọi cách "còn nước, còn tát" để điều trị bệnh nhân 91.
Bệnh nhân 91 là nam, 43 tuổi, quốc tịch Anh, cư trú tại quận 2, TPHCM, là phi công hãng hàng không Vietnam Airlines.
Trước khi phát hiện mắc bệnh, phi công người Anh này từng đến quán bar Buddha (quận 2, TP.HCM) tham dự buổi tiệc tối 14/3. Cho tới hiện tại, chỉ riêng “ổ dịch” quán bar Buddha (đã đóng cửa) ghi nhận tới 19 ca mắc COVID-19 liên quan, nhiều trường nhiễm bệnh trong cộng đồng.
Bệnh nhân mới nhất có tiếp xúc với người từng đến quán bar Buddha là ca bệnh số 247 ở quận Bình Thạnh, TP.HCM, theo thông tin Bộ Y tế vừa công bố tối qua 7/4.