Theo Dale Copeland – Giáo sư chuyên ngành quan hệ quốc tế đến từ ĐH Virginia và cũng là chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Miller, chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi chưa hẳn đã gây quan ngại thực sự cho Trung Quốc bằng việc bị cắt nguồn cung chip bán dẫn.
Bài dịch sau của VietTimes sẽ giới thiệu tới độc giả nội dung bài viết của Dale Copeland vừa được đăng tải trên tờ Nikkei Asia.
Công ty Taiwan Semiconductor Manufacturing Co (TSMC) (Ảnh: Techspot) |
Tại sao trong năm ngoái và nửa đầu năm nay Đài Loan lại trở thành một điểm nóng (?!). Chỉ một chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cũng có thể tạo nên một làn sóng căng thẳng tột độ giữa Washington và Bắc Kinh.
Đài Loan là vấn đề nóng trong quan hệ song phương Mỹ - Trung trong nhiều thập kỷ, nhưng căng thẳng mới có thể sẽ có tác động tới kỳ họp Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc sắp tới, trong đó Chủ tịch Tập Cận Bình được dự kiến sẽ có nhiệm kỳ thứ ba.
Ông Tập đã tạo dựng được danh tiếng nhờ làm trẻ hóa đất nước Trung Quốc, và theo quan điểm của một số nhà quan sát, ông cần phải tái thống nhất Đài Loan sớm để bảo vệ di sản của mình.
Nhưng cũng có một lời giải thích khác, rằng hướng tiếp cận ngày càng cứng rắn của ông Tập đối với vấn đề Đài Loan bắt nguồn từ nỗi lo sợ rằng Trung Quốc sẽ bị tách khỏi nguồn cung chip bán dẫn công nghệ cao và các trang thiết bị cần thiết để sản xuất chúng.
Mối lo ngại như vậy ngày càng tăng khi Bắc Kinh được tin rằng đã cảm nhận rõ việc Washington đang quyết tâm hơn bao giờ hết để ngăn chặn Trung Quốc vượt mặt Mỹ về kinh tế và công nghệ.
Trung Quốc và nguồn chip bán dẫn từ Đài Loan
Trung Quốc đã nỗ lực trong nhiều năm liền để giảm sự phụ thuộc của họ vào nguồn cung chip bán dẫn của Đài Loan, thứ mà quốc gia này cần để sản xuất từ smartphone cho tới xe hơi tự hành. Nhưng nước này vẫn phải dựa vào nguồn cung chip công nghệ cao và các loại chip cơ bản được sản xuất ở Đài Loan.
Chính phủ Mỹ, trong lúc tăng cường hỗ trợ quân sự cho Đài Loan, cũng nỗ lực thuyết phục các công ty sản xuất chip lớn nhất của hòn đảo này, trong đó có TSMC, chuyển hoạt động sản xuất sang Mỹ hoặc Nhật Bản để giảm thiểu rủi ro trong trường hợp hứng đòn tấn công của Trung Quốc.
Xa hơn nữa, mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc cũng khó có thể tách rời. Tổng giá trị thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã đạt tới con số kỷ lục là 670 tỉ USD trong năm 2021, tăng 20% so với giai đoạn tiền đại dịch năm 2019. Và đừng quên, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Đài Loan.
Nhìn từ quan điểm tự do về quan hệ quốc tế, mức độ phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế cao như vậy đáng lẽ ra phải giúp tăng cường hòa bình và sự ổn định, bởi cả hai bên đều không muốn gây tổn hại quan hệ thương mại đang mang lại quá nhiều lợi ích cho cả hai bên.
Để hiểu tại sao thương mại có thể làm tăng, chứ không giảm, nguy cơ xảy ra xung đột quân sự, chúng ta cần phải có góc nhìn thực tế. Chủ nghĩa hiện thực cho rằng, một nhà nước trở nên quá phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu thô và các thị trường nước ngoài để tăng trưởng kinh tế chắc chắn sẽ lo ngại về nguy cơ bị cắt đứt quan hệ thương mại.
Khi mọi việc còn suôn sẻ, và khi các nhà lãnh đạo của nhà nước đó có kỳ vọng tích cực về tương lai của môi trường thương mại, đà tăng trưởng kinh tế sẽ khiến họ tăng cường sức mạnh quân sự.
Bởi vậy, sự yên ổn trong ngắn hạn là cách tốt nhất để tối ưu hóa an ninh dài hạn. Đây cũng là chiến lược mà Nhật Bản áp dụng vào những năm 1920, còn gọi là “ngoại giao Shidehara”, và cũng là hướng tiếp cận mà Trung Quốc áp dụng trong 2 thập kỷ sau 1990.
Khi các nhà lãnh đạo bắt đầu tin rằng một thế lực đang tìm cách làm giảm đà tăng trưởng của họ thông qua các lệnh giới hạn kinh tế, hay đơn giản là GDP nước họ bắt đầu đạt đỉnh bất chấp mối quan hệ với các đối tác thương mại vẫn được đảm bảo, đó là lúc mà họ có các động thái về mặt quân sự nhiều hơn. Động thái đó có thể bao gồm tăng cường xây dựng hải quân và áp dụng kiểu ngoại giao đe dọa.
Đây cũng là quan điểm ngày càng được chia sẻ rộng rãi trong giới chức ở Bắc Kinh, khi họ chứng kiến chiến lược xoay trục sang châu Á dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama và các hàng rào thuế quan mà Tổng thống Donald Trump dựng lên, và giờ là tới việc xây dựng nhóm Bộ Tứ Kim Cương (The Quad) với Nhật Bản, Australia và Ấn Độ của chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Ngoài ra còn phải kể đến Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương mà ông Biden tạo dựng với sự tham gia của 3 quốc gia nêu trên và 10 nước khác.
Theo góc nhìn của phía Trung Quốc, việc TSMC quyết định chuyển một số dây chuyền sản xuất sang Mỹ và Nhật Bản được xem là tạo cho Washington vị thế lớn hơn trong các cuộc đàm phán cấp cao.
Mức độ quan ngại đó có thể nhận thấy rõ vào tháng 6 vừa qua, khi một nhà kinh tế học nổi tiếng của Trung Quốc cho rằng, nếu Mỹ áp lệnh trừng phạt đối với Trung Quốc y như áp với Nga ở thời điểm hiện tại, Bắc Kinh nên thống nhất Đài Loan để đảm bảo được các cơ sở sản xuất chip.
Cũng giống như với Nhật Bản năm 1941. Khi kỳ vọng của họ vào quan hệ thương mại trong tương lai đổ bể do không thể nhập được dầu do lệnh trừng phạt mà Mỹ khởi xướng, họ tìm đến khu vực Đông Nam Á để đảm bảo nguồn cung dầu.
Nếu Trung Quốc bị cắt đứt nguồn cung chip bán dẫn, nền kinh tế của họ có thể chịu tổn hại lớn. Và đây có thể trở thành động lực phát động một cuộc xung đột vũ trang để tránh sự suy giảm sâu vị thế địa chiến lược của Trung Quốc sẽ tăng thêm.
Nếu giới chức Mỹ hiểu được rằng họ trực tiếp hình thành nên tương lai của môi trường thương mại mà Bắc Kinh nhìn thấy, không chỉ trong thương mại tổng thể mà còn trong thương mại công nghệ cao, họ có thể tránh việc khiến cho giới lãnh đạo Trung Quốc cảm thấy như nền kinh tế sắp sụp đổ nếu không hành động quyết liệt.
Chiến tranh là sự lựa chọn, chứ không phải thực tế được trao sẵn.
Bằng cách đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ nhận được nguồn cung chất bán dẫn từ Đài Loan, chính quyền Mỹ có thể xoa dịu mối quan ngại của Bắc Kinh về tương lai của hoạt động thương mại, và giảm thiểu được nguy cơ xảy ra khủng hoảng hay xung đột vũ trang./.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã đến Đài Loan
Đài Loan điều động chiến đấu cơ trước chuyến thăm của bà Pelosi
Phòng khách sạn ở Đài Bắc đã sẵn sàng đón bà Pelosi tới thăm Đài Loan
Theo Nikkei Asia