Đây là thông tin được Cisco công bố theo Nghiên cứu so sánh khả năng bảo mật Châu Á Thái Bình Dương.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, có tới 30% các doanh nghiệp tại Việt Nam gặp tình trạng thời gian mất dịch vụ trong vòng 24 giờ hoặc dài hơn sau khi xảy ra các sự cố vi phạm mạng nghiêm trọng nhất trong một năm qua. Trong khi đó, trên thế giới, con số các tổ chức gặp sự cố chỉ dừng ở 4% và ở khu vực châu Á Thái Bình Dương là 23%. Tỷ lệ này cũng tăng lên đáng kể so với con số 15% hồi năm ngoái.
Được thực hiện dựa trên một khảo sát với gần 2.000 chuyên gia về an ninh khắp khu vực, nghiên cứu về bảo mật của Cisco nhấn mạnh các chuyên gia an ninh ở Việt Nam đang khá bận rộn. Theo đó, 36% người khẳng định họ nhận được hơn 10.000 nguy cơ cảnh báo nguy hiểm trong một ngày, trong khi 26% nhận được hơn 50.000 cảnh báo một ngày.
Dù vậy, nghiên cứu cũng chỉ ra một vài tín hiệu lạc quan. Trong đó, các doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động hiệu quả hơn so với mặt bằng chung trên toàn khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Cụ thể, các doanh nghiệp tại Việt Nam đã tiến hành điều tra 51% các cảnh báo, trong khi con số này ở khu vực Thái Bình Dương là 44%. Trong nhóm các mối đe dọa được điều tra và đánh giá quan trọng, 45% được giải quyết (tăng so với con số 44% trong năm 2018). Các doanh nghiệp tại Việt Nam đang làm tốt khâu điều chỉnh cảnh báo đúng so với mặt bằng chung ở phạm vi khu vực và toàn cầu, với tỷ lệ tương ứng là 38% và 43%.
Cisco khẳng định rằng các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang giảm được đáng kể các tổn thất tài chính do sự cố vi phạm mạng. Tới 18% người trả lời khảo sát cho biết các sự cố vi phạm mạng nghiêm trọng đã khiến mức tổn thất ở mức hơn 1 triệu USD. Con số này giảm đáng kể khi năm 2018, có 77% doanh nghiệp công bố chịu tổn thất tài chính từ 1 triệu USD hoặc nhiều hơn.
Bà Lương Thị Lệ Thủy, Tổng giám đốc Cisco Việt Nam, nhận định: “Song song với mức độ số hóa và việc triển khai số hóa ngày càng tăng tại Việt Nam, chúng ta có thể nhận thấy mối quan tâm rõ rệt hơn từ khối doanh nghiệp đối với an ninh mạng. Việc này là cực kỳ quan trọng bởi vì càng ngày sẽ càng có nhiều người dùng và nhiều thiết bị kết nối vào mạng trong các năm tới. Điều đó đem lại nhiều cơ hội lớn cho các doanh nghiệp, nhưng cũng đồng nghĩa nguy cơ các bề mặt tấn công tăng lên theo cấp số nhân, đẩy doanh nghiệp đối mặt với nhiều mối nguy cơ và rủi ro an ninh mạng hơn. An ninh mạng không thể là những xử lý tình huống, mà phải trở thành nền tảng ưu tiên cho bất kỳ nỗ lực chuyển đổi số nào”.