Nghiên cứu về tình hình xuất nhập khẩu thép của Trung Quốc, Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết ngoài chính sách thuế, Trung Quốc còn sử dụng các tiểu xảo để xuất khẩu thép.
Ông Chu Đức Khải, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết Trung Quốc hiện đang sản xuất 50% sản lượng thép thô toàn cầu với năng lực khoảng trên 1 tỷ tấn/năm. Nhưng nhu cầu trong nước chỉ đạt 700 triệu tấn, Trung Quốc phải tìm cách xuất khẩu 300 triệu tấn dư thừa. Dự báo thời gian tới nhu cầu thép tiêu thụ thép trong nước của Trung Quốc tiếp tục giảm, Trung Quốc tìm mọi cách để đẩy mạnh xuất khẩu.
Trong đó, Trung Quốc sử dụng một lượng nhỏ Boron (0,0008%) vào thép thường để lợi dụng chính sách thuế nhập khẩu đối với thép hợp kim của các nước.
Theo ông Khải, Trung Quốc đã bãi bỏ hoàn thuế xuất khẩu 9-13% cho một số sản phẩm thép chưa Boron có hiệu lực từ tháng 1/2015 nhưng một số sản phẩm thép khác chứa Boron như cuộn cán nóng và thép hình vẫn chưa được loại trừ hoàn thuế xuất khẩu. Trong hoàn cảnh này, các nhà sản xuất thép Trung Quốc chuyển hướng đưa các nguyên tố khác như Crom để hưởng lợi hoàn thuế xuất khẩu với mã HS 7225.4099 và 7228.3090 nhằm hưởng 13% hoàn thuế.
Báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam cho thấy, năm 2014 xuất khẩu thép của Trung Quốc ra thế giới đạt 93,9 triệu tấn trong đó sản lượng thép xuất khẩu chủ yếu vào các nước ở châu Á mà đặc biệt là thị trường Đông Nam Á.
Tình hình xuất khẩu sản phẩm thép của Trung Quốc vào ASEAN tăng mạnh từ năm 2004. Thị trường thép ASEAN có nguy cơ bị phá vỡ do thép xuất khẩu từ Trung Quốc. Kể từ khi hiệp định thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) có hiệu lực (1/2010) các sản phẩm thép xuất khẩu của Trung Quốc đã gây tổn thương đáng kể cho thị trường thép ASEAN.
Trung Quốc xuất khẩu những sản phẩm thép thương mại thông thường, gián tiếp cạnh tranh với những sản phẩm đang được sản xuất tại các nước ASEAN. Tổng sản lượng thép của Trung Quốc xuất khẩu vào ASEAN đạt 64,4 triệu tấn năm 2014, trong đó xuất khẩu vào Việt Nam đạt 6,6 triệu tấn.
Do phải cạnh tranh với thép nhập khẩu từ Trung Quốc, mức độ huy động công suất của các nhà máy sản xuất thép ASEAN đều dưới 50% trong những năm gần đây.
Trước các thủ thuật, tiểu xảo trong xuất khẩu thép của Trung Quốc khiến cạnh tranh trên thị trường thép không lành mạnh, các tổ chức, các Hiệp hội thép trên thế giới đã nhóm họp để gây sức ép xuất khẩu thép của Trung Quốc. Ủy ban hỗn hợp điều hành ACFTA tổ chức họp tại Brunei (27-30/7/2015) nhằm tiếp tục kiến nghị Trung Quốc hạn chế xuất khẩu vào ASEAN và bãi bỏ hoàn thuế xuất khẩu và các tiểu xảo đưa Boron, Crom, Ti…vào sản phẩm thép.
Chỉ trong nửa đầu năm 2015 đã có tổng cộng 29 các hành động thương mại trên toàn thế giới trực tiếp hay gián tiếp chống lại các sản phẩm thép của Trung Quốc trong đó 7 trường hợp từ các nước ASEAN (Malaysia, Indonesia, Thái Lan),....
Hiện, các doanh nghiệp sản xuất thép Việt Nam lo ngại thép Trung Quốc ồ ạt đổ vào Việt Nam và tìm biện pháp đối phó, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Hồ Nghĩa Dũng cho biết: “Sau cuộc họp tại TPHCM tuần trước, Hiệp hội Thép kết hợp với một số doanh nghiệp sẽ khởi kiện chống bán phá giá đối với mặt hàng tôn mạ nhập khẩu từ Trung Quốc và có biện pháp phòng vệ thương mại đối với mặt hàng tôn màu của Trung Quốc”.
Theo Vinanet