Doanh nghiệp nội dung số Việt “teo tóp” vì... bảo hộ ngược

VietTimes – DN Việt Nam phải đóng rất nhiều các loại thuế, trong khi doanh nghiệp xuyên biên giới lại không: Không thuế thu nhập cá nhân, không thuế thu nhập doanh nghiệp, không bảo hiểm,… Việc này khiến sản phẩm của DN Việt bị đội giá lên thêm vài chục phần trăm và giảm sức cạnh tranh với các sản phẩm tương đương của DN nước ngoài.  
Trong 5 đến 10 năm tới, số lượng lao động trong ngành nội dung số ước chừng 1 triệu người. Ảnh minh hoạ: BKAP
Trong 5 đến 10 năm tới, số lượng lao động trong ngành nội dung số ước chừng 1 triệu người. Ảnh minh hoạ: BKAP

Trao đổi về bất cập trong lĩnh vực nội dung số (NDS) tại Việt Nam nhằm góp ý Luật CNTT sau 10 năm thực thi, ông Nguyễn Thế Tân, Tổng Giám đốc VCCorp cho rằng những bất lợi đó càng ngày càng khiến doanh nghiệp Việt Nam teo tóp. Đó là những vấn đề thực tế doanh nghiệp NDS Việt Nam đang gặp phải.

Vì sao DN có "lãi to" luôn "ẩn mình"?

Theo ông Nguyễn Thế Tân, chính sách về CNTT vô hình trung tạo ra bảo hộ ngược liên quan đến thuế. Doanh nghiệp Việt Nam thì đóng tất cả các loại thuế, trong khi doanh nghiệp xuyên biên giới lại không: Không thuế thu nhập cá nhân VAT, Không thuế thu nhập doanh nghiệp, Không bảo hiểm,… Việc phải đóng nhiều loại thuế khiến mặt hàng do các doanh nghiệp Việt sản xuất lại bị đội giá lên thêm vài chục phần trăm.  

Hiện thị trường Việt Nam có quy mô khoảng 1 tỷ USD, từ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, doanh nghiệp nước ngoài cung cấp tại Việt Nam. Còn thực tế, doanh nghiệp Việt Nam, nếu có dịch vụ tốt muốn cung cấp ra nước ngoài như Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông, hay doanh nghiệp nhỏ lẻ có doanh thu vài trăm tỷ đồng mỗi năm thì phải ẩn mình hoạt động.

“Tại sao họ phải trốn? Bởi với tình trạng pháp luật hiện nay thì nên ẩn mình đi cho... đỡ rắc rối. Tiền chuyển về tài khoản nước ngoài dù sống ở Việt Nam, người Việt Nam mang dịch vụ bán ra nước ngoài”, ông Tân bức xúc.

Nếu như ngành dệt may, nếu xuất khẩu 5 tỷ USD thì Việt Nam thu về 10% (tương đương khoảng 500 triệu USD); còn nếu xuất khẩu NDS đạt 1 tỷ USD thì ta sẽ thu về khoảng 700 triệu USD, và lãi ròng khoảng 500 triệu USD (sau khi trừ đi các khoản chi phí). Như vậy, ngành NDS chỉ cần xuất khẩu được 1 tỷ USD là đã mang về cho Việt Nam giá trị tương xứng với 5 tỷ USD của dệt may.

“Cũng từ đó, trong 5-10 năm tới, nếu ngành NDS được tạo điều kiện phát triển thì chỉ đứng sau du lịch, còn lại vượt qua dệt may, xăng dầu,… về giá trị kinh tế mang lại cho Việt Nam. Cùng với đó, số lượng lao động ước chừng 1 triệu người”, ông Tân dự báo.

Doanh nghiệp NDS Việt "mất dần sân nhà" vì cơ chế "bảo hộ ngược"

Tổng Giám đốc VCCorp cho rằng: Tổng doanh thu của các công ty vào khoảng 8.000 - 10.000 tỷ đồng mỗi năm tại thị trường Việt Nam. Nếu tính công ty “giả” Việt Nam (như công ty Trung Quốc vào Việt Nam làm) thì lên đến 15.000 - 20.000 tỷ đồng mỗi năm. Trong đó, nguồn thu đến từ quảng cáo và game, phim đang lên. Ngành NDS có đặc điểm quan trọng là cạnh tranh với công ty xuyên biên giới nhiều, ngay như Facebook họ có ứng dụng từ Mỹ và được phân phối tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Thế Tân, Tổng Giám đốc VCCorp.Ông Nguyễn Thế Tân, Tổng Giám đốc VCCorp. Ảnh: Thái Anh

Ông Nguyễn Thế Tân nhận xét đây chính là việc “đánh nhau” khiến doanh nghiệp Việt Nam đang mất dần sân nhà. “Thua đến mức chết thì chưa phải, mà vẫn gượng được, nhưng nếu tiếp tục diễn biến như hiện nay thì mất hết”, Tổng Giám đốc VCCorp bức xúc.

Lý giải nguyên nhân thua trên sân nhà, ông Tân cho rằng chính là ở “cơ chế bảo hộ ngược”: “Thay vì doanh nghiệp Việt Nam được hỗ trợ họ lại gặp khó khăn hơn, dù tất nhiên đó không phải là ý muốn của nhà quản lý”.

Để làm rõ điều này, ông Tân dẫn ví dụ về cấp phép: Bình thường doanh nghiệp Việt Nam phải làm theo quy định, chịu thanh - kiểm tra và sai thì phải chịu phạt. Việc đó là đúng và phải làm. Nhưng ở chiều ngược lại, doanh nghiệp nước ngoài lại không cần như vậy. Như Facebook không phải kiểm duyệt, không phải giải trình khi có nội dung bôi xấu, xuyên tạc… Tham gia vào ngành NDS, các doanh nghiệp chỉ được thực hiện kinh doanh theo lĩnh vực đã được cấp phép, nếu chỉ được cấp phép làm trang tin điện tử thì không được làm mạng xã hội, đã được cấp phép làm nhạc trực tuyến thì không được làm thông tin tổng hợp.

Tuy vậy, trong ngành Internet, có những ứng dụng như Facebook không biết gọi là gì khi vừa là mạng xã hội, vừa đọc báo, vừa nghe nhạc, chơi game, vừa livestream… Còn doanh nghiệp Việt Nam, nếu làm sai giấy phép thì phạt vài chục triệu, nếu sai 3 lần thì đóng cửa.

“Không doanh nghiệp nào dám bỏ ra 10 triệu USD đầu tư vào cái không có giấy phép (...) Dù đó không phải là ý định của nhà quản lý nhưng lại là thể hiện của việc bảo hộ ngược, trói tay doanh nghiệp”, ông Tân thẳng thắn.

Tổng Giám đốc VCCorp cũng kiến nghị, Bộ TT&TT nên đề xuất với nhà nước đưa ngành NDS vào nhóm ngành kinh tế trọng điểm, để ngành NDS được ưu tiên phát triển, được một số chế độ ưu đãi nhất định.

“Muốn xin chứng chỉ công nghệ cao thì tới Bộ KH&CN còn muốn xin xác nhận là doanh nghiệp NDS, lĩnh vực làm lợi cho quốc gia, cần được ưu đãi thì không biết gõ cửa nào. Doanh nghiệp NDS không đòi hỏi nhà nước hỗ trợ kinh phí, vì doanh nghiệp có thể tự kiếm từ thị trường, nhưng rất cần ưu đãi về con người, về nhân lực CNTT,…”, ông Tân nói thêm.