Doanh nghiệp Nhật cảnh giác với công nghệ Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Gần 50% trong số 3.000 người được khảo sát ủng hộ chính sách cứng rắn của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với các công nghệ Trung Quốc.
Các doanh nhân Nhật Bản từng làm việc tại Trung Quốc nhận thức được sự phụ thuộc của họ vào thị trường rộng lớn này nhưng họ vẫn cho rằng Nhật Bản cần cảnh giác với Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao. (Ảnh: Nikkei Asian Review)
Các doanh nhân Nhật Bản từng làm việc tại Trung Quốc nhận thức được sự phụ thuộc của họ vào thị trường rộng lớn này nhưng họ vẫn cho rằng Nhật Bản cần cảnh giác với Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao. (Ảnh: Nikkei Asian Review)

Các doanh nghiệp Nhật Bản ngày càng có xu hướng cảnh giác với Trung Quốc – một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản và Nikkei cho thấy.

Cuộc khảo sát trực tuyến trên được thực hiện vào giữa tháng 7/2020, yêu cầu 3.000 doanh nhân làm việc cho các công ty niêm yết của Nhật Bản đánh giá lập trường của họ đối với Mỹ và Trung Quốc. Trong số đó, có khoảng 1.100 người đã làm công việc liên quan đến Trung Quốc.

Cuộc khảo sát cho thấy gần một nửa số người được hỏi ủng hộ chính sách cứng rắn với Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Cụ thể, có khoảng 43,7% đề cập đến “công nghệ cao, trong đó có các công nghệ có thể chuyển hướng sang mục đích quân sự” là lĩnh vực mà họ cho rằng Nhật Bản nên hạn chế giao dịch với Trung Quốc. Điều này cho thấy các doanh nghiệp Nhật Bản ngày càng lo ngại về nguy cơ rò rỉ công nghệ và tổn thất tài chính từ quá trình giao dịch với Trung Quốc.

Ảnh: Nikkei Asian Review

Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (từ trái qua phải). (Ảnh: Nikkei Asian Review)

Kể từ năm 2018, chính phủ Mỹ đã nhiều lần tăng thuế đối với các sản phẩm của Trung Quốc. Nước này cũng quan ngại rằng việc giao dịch với các công ty công nghệ của Trung Quốc có thể khiến các doanh nghiệp Mỹ bị đánh cắp dữ liệu. Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng, có hiệu lực từ ngày 13/8/2020 đã khiến một số công ty Trung Quốc bao gồm cả nhà sản xuất thiết viễn thông Huawei không thể sử dụng phần mềm và thiết bị có xuất xứ Mỹ, đồng thời cấm các công ty Mỹ có hợp đồng với chính phủ Mỹ sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ từ các công có trong “danh sách đen thương mại”.


Cũng theo kết quả cuộc khảo sát, 48,1% số người tham gia ủng hộ các chính sách cứng rắn của Mỹ đối với Trung Quốc, trong khi 36,1% còn lại không ủng hộ. Việc các công ty Trung Quốc bị Mỹ hạn chế giao dịch được 51,6% số người tham gia khảo sát đồng ý.

Trong những năm gần đây, nhiều công ty Nhật Bản đã liên kết với các đối tác Trung Quốc trong các công nghệ tiên tiến. Mặc dù vậy, 46,2% cho rằng các công ty Nhật Bản “nên giảm bớt” mối quan hệ và đầu tư vào các công ty và cơ quan nghiên cứu của Trung Quốc, trong khi đó chỉ 18,4% cho rằng sự hợp tác như vậy sẽ tăng lên.

Khi được yêu cầu nêu tên các lĩnh vực mà Nhật Bản nên thúc đẩy hợp tác nhiều hơn với Trung Quốc, 45,1% đã đề cập đến lĩnh vực môi trường, tiếp theo là an ninh với 34,6%. Các câu trả lời cho thấy, nhiều nhà kinh doanh Nhật Bản cho rằng Nhật Bản nên hợp tác với Trung Quốc chủ yếu trong các lĩnh vực liên quan đến các vấn đề quốc tế trong khi hạn chế mối quan hệ kinh doanh.

Theo Nikkei Asian Review