Từ trung tuần tháng 7/2023 đến nay, chỉ số US Dollar Index (DXY - chỉ số đo lường sức mạnh đồng USD tương quan với 6 loại tiền tệ khác) đã tăng khoảng 6,5%, từ mức 99,77 điểm lên hơn 106,2 điểm.
Đồng USD mạnh lên đã tạo sức ép lên tỷ giá tiền đồng, kéo tỷ giá USD/VND niêm yết tại các ngân hàng tăng mạnh, đồng loạt vượt mốc 24.500 đồng trong những ngày cuối tháng 9/2023.
Trước đó, hôm 11/9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lần đầu tiên niêm yết tỷ giá trung tâm lên trên 24.000 đồng/USD. Tỷ giá trung tâm tiếp tục nhích tăng lên mức 24.089 đồng vào ngày 29/9.
Theo đánh giá của các chuyên gia, tỷ giá tăng nóng có thể gây áp lực lên các doanh nghiệp có nợ vay bằng đồng ngoại tệ, đặc biệt là đồng USD.
Tại thời điểm cuối quý 2/2023, CTCP Tập đoàn Vingroup (Mã CK: VIC) ghi nhận số dư nợ vay bằng USD quy đổi sang VND ở mức 86.356 tỉ đồng (tương đương 3,64 tỉ USD), chiếm 49% tổng dư nợ vay và nợ thuê tài chính.
Trong đó, có 60.230 tỉ đồng nợ vay bằng đồng USD của VIC là các khoản vay hợp vốn. Ngoài ra, tập đoàn này còn ghi nhận 26.125 tỉ đồng nợ vay trái phiếu dài hạn bằng USD, lãi suất cố định từ 3-4%/năm.
Một “group” khác có số dư nợ vay bằng USD tăng mạnh trong nửa đầu năm 2023 là CTCP Tập đoàn Masan (Mã CK: MSN), với mức tăng lên tới 58,9%, từ 16.806 tỉ đồng lên 26.705 tỉ đồng.
Vay nợ bằng USD của MSN chủ yếu là vay ngân hàng nước ngoài, chịu lãi suất từ 3,1% - 10,4%/năm. Ngoài đồng bạc xanh, MSN còn vay một số ngoại tệ khác như EUR (790,1 tỉ đồng; lãi suất 3,2%/năm), CNY (130 tỉ đồng; lãi suất 4,4-4,7%/năm).
Tại ngày 30/6/2023, số dư nợ vay bằng USD của MSN chiếm 39,2% tổng dư nợ vay, trái phiếu và nợ thuê tài chính của tập đoàn này.
Ở nhóm bất động sản, CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland – Mã CK: NVL) là đại diện đáng chú ý với số dư nợ vay bằng USD tại cuối quý 2/2023 đạt 17.069 tỉ đồng. So với đầu năm, con số này đã giảm 574 tỉ đồng.
Cơ cấu nợ vay USD của Novaland chủ yếu bao gồm 7.091,7 tỉ đồng nợ trái phiếu chuyển đổi. Gói trái phiếu này có tổng giá trị 300 triệu USD, kỳ hạn 5 năm, được phát hành vào tháng 7/2021 với lãi suất 5,25%/năm.
Ngoài ra, Novaland còn ghi nhận 6.858 tỉ đồng nợ vay bằng USD từ bên thứ ba (chủ yếu là ngân hàng và các quỹ đầu tư) theo hợp đồng tín dụng có tổng hạn mức tối đa 360 triệu USD và 3.119 tỉ đồng nợ vay ngân hàng nước ngoài khác.
Bên cạnh các doanh nghiệp bất động sản, nhóm doanh nghiệp ngành điện cũng tích cực vay nợ bằng USD nhằm thu xếp vốn để xây dựng các nhà máy, kể đến như: PGV, PC1, POW, HND, QTP, PPC.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp có thể sẽ ít chịu ảnh hưởng bởi tỷ giá nếu họ chủ động sử dụng công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá (hedging) thông qua việc mua ngoại tệ kỳ hạn (forward) ở thời điểm hiện tại nhằm đáp ứng nhu cầu về nghĩa vụ thanh toán thực trong tương lai.
Khi đó, tỷ giá tăng sẽ không có quá nhiều tác động tới lãi vay trong kỳ và áp lực trả nợ khi khoản vay đến ngày đáo hạn./.