Doanh nghiệp lưu trú kiệt quệ do dịch COVID-19
Trước những thiệt hại nặng nề của dịch COVID-19 gây ra cho ngành du lịch Đà Nẵng, ngày 17/12, Hội Khách Sạn Đà Nẵng đã tổ chức họp bàn chiến lược khôi phục ngành khách sạn nói riêng và du lịch địa phương nói chung.
Giai đoạn vừa qua là thời gian thách thức đối với các cơ sở lưu trú du lịch, cũng như với ngành du lịch khi dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và chỉ có thể khả quan hơn vào cuối năm 2022. Các doanh nghiệp lưu trú đã kiệt quệ sau 2 năm đóng cửa hoặc mở cửa cầm chừng.
Tính đến năm 2021, tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn ước 1.272 cơ sở. Hiện nay số lượng các cơ sở lưu trú hoạt động trở lại chiếm khoảng chiếm 20-30% (khoảng hơn 250 cơ sở, trong đó 4-5 sao và tương đương là 40 cơ sở). Trong số này, 125 cơ sở thuộc quản lý của Sở Du lịch TP, các cơ sở còn lại thuộc khối ủy quyền quận, huyện quản lý. Nhiều doanh nghiệp lưu trú rất khó khăn để tiếp cận nguồn vốn khi mở cửa lại, cũng như chi trả cho việc bảo trì bảo dưỡng để có thể vận hành.
Đặc biệt, một trong những vấn đề lớn mà các doanh nghiệp lưu trú đang gặp phải là tình trạng thiếu hụt nhân sự, cả về số lượng lẫn chất lượng. Nguồn nhân sự là sinh viên từ các trường nghề cũng có những yếu điểm về kỹ năng thực hành do học online trong thời gian COVID-19 diễn ra quá lâu.
Ông Nguyễn Đức Quỳnh - Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng nhiệm kỳ 2021-2025 phát biểu tại sự kiện |
Không những vậy, dịch COVID-19 đã thay đổi hoàn toàn các hành vi đặt phòng, nhu cầu du lịch và lưu trú của khách, đòi hỏi ngành khách sạn phải có các chương trình thích ứng để thu hút khách hàng, tập trung đầu tư vào chuyển đổi số, tăng năng suất lao động, quản lý tốt chi phí và mở rộng ngành nghề.
Khôi phục cấp bách cả lượng và chất
Ông Nguyễn Đức Quỳnh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khách sạn Đà Nẵng – cho rằng: “Bối cảnh mới đòi hỏi chúng ta cần làm du lịch trong sự liên kết, cần phải đồng hành, sát cánh, không thể làm kinh doanh một mình. Cùng nhau tới thành công “TOGETHER TO SUCCESS” mới giúp cho ngành khách sạn Đà Nẵng phát triển bền vững, mang lại giá trị về thương hiệu, lợi nhuận đầu tư, kinh doanh của từng hội viên, góp phần xây dựng Du lịch Đà Nẵng trở thành là ngành kinh tế mũi nhọn của TP và là một điểm sáng du lịch trong nước và quốc tế”.
Với phương châm này, ông Quỳnh cho biết, trong thời gian tới, Hội Khách sạn Đà Nẵng sẽ tăng cường vai trò là cầu nối giữa các cơ sở lưu trú du lịch với các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội, ngành nghề, các hãng hàng không... để nắm bắt khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của các đơn vị hội viên, kịp thời phản ánh lên các cơ quan ban ngành nhằm tháo gỡ, giúp doanh nghiệp ổn định kinh doanh, phát huy vai trò là nơi đại diện, thể hiện tốt vai trò phản biện xã hội của một hội nghề nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên.
Bên cạnh đó, Hội Khách sạn Đà Nẵng sẽ thực hiện tốt các nhiệm vụ định hướng thị trường, phát triển sản phẩm, tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, đóng góp ý kiến hoàn thiện các chính sách phát triển du lịch và cơ chế điều hành hoạt động hiệu quả, tập trung vào đào tạo kỹ năng của nhân sự ngành và phát triển lực lượng quản lý khách sạn nghỉ dưỡng tốt cho ngành…
Trong thời gian tới, Hội Khách sạn Đà Nẵng sẽ vạch ra tầm nhìn chiến lược để vừa khôi phục cấp bách lực lượng nhân sự, đồng thời có tầm nhìn trên một lộ trình dài, ổn định và tránh bị động. Đặc biệt, Hội sẽ lưu ý về kỹ năng quản lý của các nhân sự chủ chốt tại các cơ sở lưu trú. Phối hợp với các trường Đại học, Cao đẳng, các trường nghề, các Học viện và hợp tác với các chuyên gia trong ngành để lựa chọn ra các khoá học cần thiết.
Một góc phố khách sạn ven biển du lịch Đà Nẵng |
Ngoài ra, Hội sẽ tận dụng triệt để thế mạnh về chuyển đổi số trong công tác đào tạo, trao đổi thông tin và kinh nghiệm, nhất là trong các dịch vụ để thích ứng với nhu cầu du lịch không điểm chạm, không tiếp xúc của khách.
Ông Tán Văn Vương - Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng – đề nghị, Hội Khách sạn TP tiếp tục phát huy vai trò trong việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho cộng đồng cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch trên địa bàn. Bên cạnh đó, phối hợp với các hội nghề nghiệp thành viên Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng để tham mưu, đề xuất các chương trình, hoạt động hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp du lịch nói chung và doanh nghiệp lưu trú nói riêng trong việc thực hiện biện pháp khôi phục hoạt động kinh doanh, đón khách an toàn, đúng quy trình; xây dựng sản phẩm phù hợp với tình hình mới, đảm bảo chủ động các phương án ứng phó trong trường hợp xuất hiện các rủi ro phát sinh về dịch bệnh.
“Hội Khách sạn cần phối hợp chặt chẽ với Sở Du lịch triển khai các hoạt động của ngành du lịch trong thời gian đến, triển khai các giải pháp để khôi phục hiệu quả hoạt động du lịch, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc khôi phục nguồn nhân lực và chuyển đổi số ngành khách sạn nhằm tăng tính cạnh tranh, tăng doanh thu, lượng khách, giảm chi phí vận hành, nâng cao hiệu quả quản lý, hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững… Với vai trò của của mình, Sở Du lịch cam kết kết hỗ trợ, đồng hành cùng với Hội Khách sạn trong các hoạt động của hội, đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, triển khai các giải pháp khôi phục hoạt động du lịch trong thời gian đến”– ông Tán Văn Vương nhấn mạnh.
Ban Chấp hành Hội Khách sạn Đà Nẵng thành lập Ban Chuyển đổi số để có thể áp dụng nhanh chóng Chuyển đổi số trong các hoạt động của Hội Khách sạn Đà Nẵng, từng bước xây dựng mô hình khách sạn thông minh và triển khai tư vấn cho khách sạn hội viên. Ưu tiên xây dựng trang web quảng bá và bán các sản phẩm gói khuyến mãi của các hội viên.