Hàng loạt dự án đội vốn ở Đà Nẵng: Cần làm rõ trách nhiệm của từng ngành, đơn vị, địa phương

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Trong kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng khóa X đang diễn ra, đại biểu HĐND TP đã chất vấn Giám đốc Sở KH&ĐT về tình trạng đội vốn ở các dự án trên địa bàn TP.

Đại biểu Lê Văn Dũng - Phó Trưởng ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng chất vấn Giám đốc Sở KH&ĐT TP về tình trạng dự án đội vốn
Đại biểu Lê Văn Dũng - Phó Trưởng ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng chất vấn Giám đốc Sở KH&ĐT TP về tình trạng dự án đội vốn

Giám đốc Sở KH&ĐT nói gì về dự án đội vốn?

Theo đại biểu Lê Văn Dũng - Phó Trưởng ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng – hiện nay tình trạng tăng kính phí đền bù nhiều lần ở các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm của TP, dẫn đến việc phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công, mất cân đối nguồn vốn, cũng như hiệu quả đầu tư các dự án trên địa bàn.

Ông Dũng cho biết, tuyến đường trục 1 Tây Bắc tăng kinh phí đền bù từ 367 tỷ đồng lên 650 tỷ đồng, tuyến đường ĐH 2 tăng từ 88 tỷ đồng lên hơn 240 tỷ đồng, tuyến đường vành đai phía Tây tăng từ 85 tỷ lên 359 tỷ đồng…

"Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến sự tăng kinh phí đền bù ở các dự án, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan cũng như giải pháp khắc phục trong thời gian đến như thế nào?" - đại biểu Dũng đặt câu hỏi.

Trả lời chất vấn, bà Trần Thị Thanh Tâm - Giám đốc Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng – cho rằng, thực trạng tăng kinh phí đền bù ở các dự án trong thời gian qua do điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, chủ yếu là việc tăng giá trị đền bù giải tỏa. Bên cạnh đó, trước đây một số dự án do các Ban quản lý và đơn vị giải phóng mặt bằng đã không có sự phối hợp chặt chẽ trong việc xác định dự toán kinh phí đền bù và phương án tái định cư, dẫn đến việc khi triển khai thực hiện đã phát sinh kinh phí đền bù rất lớn. Thậm chí nhiều dự án còn thiếu quỹ đất để bố trí tái định cư cho người dân.

Cũng theo bà Tâm, khi thực hiện chủ trương đầu tư dự án, các đơn vị chỉ đi kiểm tra và rà soát rồi lên dự toán kinh phí đền bù, không tiến hành kiểm đếm, đo đạc và chưa có hồ sơ cụ thể để xác định chính xác khối lượng giá trị đền bù thực tế, cho nên thiếu chính xác về dự toán kinh phí.

Không những vậy, hiện nay có dự án công tác chuẩn bị đầu tư kéo dài, dẫn đến việc thay đổi mức giá trị đền bù, gây chênh lệch quá lớn. Trong khi đó, giá đất thị trường thời gian qua tăng nhanh, chênh lệch cao so với giá đền bù, nên việc giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn, kéo dài thời gian triển khai dự án, nên buộc phải điều chỉnh lại phương án tái định cư và phương án đền bù cho người dân.

Bà Trần Thị Thanh Tâm - Giám đốc Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng tại phiên chất vấn
Bà Trần Thị Thanh Tâm - Giám đốc Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng tại phiên chất vấn

“Công tác phối hợp giữa các Ban quản lý và UBND các quận, huyện trong công tác giải phóng mặt bằng chưa thực sự chặt chẽ, thậm chí chưa đề xuất được kế hoạch giải phóng mặt bằng hợp lý theo tiến độ thi công công trình. Bên cạnh đó, việc phát sinh kinh phí giải phóng mặt bằng là do công tác quản lý đô thị ở một số địa phương chưa chặt” – Giám đốc Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng trả lời.

Để khắc phục tình trạng này, Giám đốc Sở KH&ĐT cho rằng, các chủ đầu tư dự án, Ban quản lý dự án cần tính toán lại giá trị đền bù của từng dự án, cũng như dự toán xây lắp cho phù hợp, nhằm tránh việc điều chỉnh chủ trương đầu tư quá nhiều ở mỗi dự án. Đề nghị TP giao cho các quận, huyện chủ trì và chịu trách nhiệm về công tác đền bù giải tỏa đối với các dự án được triển khai trên địa bàn để các địa phương chủ động trong giải phóng mặt bằng và đề xuất tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn.

Yêu cầu xử lý trách nhiệm các Ban quản lý

Theo kết quả giám sát chuyên đề “Tình hình hoạt động của các Ban quản lý dự án (BQLDA) trực thuộc UBND TP và việc triển khai các dự án trọng điểm" của Đoàn giám sát HĐND TP Đà Nẵng gửi kỳ họp thứ 4, HĐND TP khóa X thì hiện Đà Nẵng đang có 6 BQLDA trực thuộc UBND TP, chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp và toàn diện của UBND TP, Chủ tịch UBND TP, đồng thời chịu sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của các cơ quan chuyên môn ở Trung ương và TP.

Đoàn giám sát HĐND TP Đà Nẵng đã chỉ ra hàng loạt hạn chế, như công tác lập chủ trương đầu tư có nhiều điểm cần phải khắc phục. Cụ thể, công tác phối hợp giữa các bên liên quan trong việc xác định khái toán kinh phí đền bù, tái định cư bước lập chủ trương đầu tư dự án còn sơ sài, chưa sử dụng các cơ sở dữ liệu về đất đai, dân cư, đo đạc… dẫn đến khái toán kinh phí đền bù thiếu chính xác, không sát với thực tế, phát sinh tăng nhiều lần trong quá trình thực hiện dự án, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án.

Việc khái toán không chính xác dẫn đến nhiều dự án đội vốn, trong đó phải kể đến dự án tuyến đường Trục I Tây Bắc đoạn Hồ Tùng Mậu đến Quốc lộ 1A tăng thêm 273 tỉ đồng so với 376 tỉ đồng ban đầu; tuyến đường vành đai phía Tây điều chỉnh lần 1 từ 85,6 tỉ đồng lên 244,5 tỉ đồng (tăng 158,8 tỉ đồng), điều chỉnh lần 2 lên 359 tỉ đồng, tiếp tục tăng 114,5 tỉ đồng.
Đặc biệt, có dự án tăng tổng mức đầu tư lên đến hơn 20 lần, đó là dự án đường vành đai phía Tây 2 tăng 1.800 tỉ đồng so với 87 tỉ đồng dự kiến ban đầu.

Ông Lương Nguyễn Minh Triết - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng yêu cầu làm rõ trách nhiệm các đơn vị liên quan

Ông Lương Nguyễn Minh Triết - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng yêu cầu làm rõ trách nhiệm các đơn vị liên quan

Trước thực trạng này, HĐND TP Đà Nẵng kiến nghị UBND TP chỉ đạo các sở, ngành, BQLDA và các đơn vị liên quan nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định chủ trương đầu tư các dự án đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của phương án, khái toán kinh phí đền bù sát với thực tế, tránh tình trạng phát sinh kinh phí nhiều lần, phải điều chỉnh tổng mức đầu dự án.
Đặc biệt, HĐND TP yêu cầu UBND TP cần đánh giá hiệu quả công tác quản lý dự án của các BQL, có chế tài xử lý trách nhiệm cụ thể nếu để xảy ra thất thoát, không hiệu quả, chất lượng kém…

Theo ông Lương Nguyễn Minh Triết - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, việc phát sinh chi phí đền bù chủ yếu do công tác giải phóng mặt bằng, việc điều chỉnh kỹ thuật, xây dựng chủ trương đầu tư là không nhiều. Do đó, yêu cầu các ngành, địa phương phải rà soát lại.

“Nếu cứ như thế này thì không ai chịu trách nhiệm hết. Sau đó lại xin điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, rồi HĐND TP cũng phải “bấm bụng” thông qua là không ổn. Việc này cần phải có cơ quan làm rõ trách nhiệm của từng ngành, đơn vị, địa phương, vì liên quan đến việc phát sinh chi phí đền bù giải tỏa quá lớn ở một số dự án trọng điểm của thành phố" – ông Triết nhấn mạnh.