Doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng “nín thở” chờ vaccine COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, cộng đồng doanh nghiệp ngành này đang gần như bất động sau đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, hầu hết "nín thờ" chờ vaccine và miễn dịch cộng đồng.
Ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng
Ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng

Đà Nẵng được biết đến là địa phương có kinh tế du lịch tăng trưởng mạnh trong những năm qua. Nhưng trong 2 năm gần đây, dịch bệnh COVID-19 đã "tàn phá" ngành du lịch Đà Nẵng không thương tiếc. Và cứ mỗi lần dịch bệnh được khống chế, các doanh nghiệp dồn sức để vượt cạn thì y như rằng dịch lại bùng phát trở lại, gây nên những thiệt hại nặng nề hơn cho ngành du lịch địa phương.

Vậy sau đợt dịch bùng phát trong năm 2021, những hệ luỵ này đã tác động đến ngành du lịch địa phương ra rao? Để rõ hơn về vấn đề này, VietTimes đã có cuộc phỏng vấn với ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng - về các tác động của dịch COVID-19 đến ngành du lịch TP Đà Nẵng, cũng như định hướng của cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian tới.

- Dịch COVID-19 đã tác động khá nặng nề đến ngành du lịch Đà Nẵng, sau nhiều lần dịch bùng phát, đến nay Hiệp hội đã thống kê thiệt hại chưa và con số thiệt hại cụ thể như thế nào, thưa ông?

Ông Cao Trí Dũng: Thật ra đối với các đợt dịch như trước đây thì luôn có độ trễ, chúng tôi mới thực hiện thống kê. Tuy nhiên, với đợt này, chúng tôi đã có khảo sát sơ bộ thì đến thời điểm hiện tại gần như chưa nhiều doanh nghiệp mở cửa trở lại. Chỉ khoảng 15-20% doanh nghiệp mở cửa phục vụ thị trường khách tại chỗ.

Bởi lẽ việc mở cửa trở lại hay không phải phụ thuộc thị trường khách. Cho dù Đà Nẵng kiểm soát được dịch bệnh, mở lại được dịch vụ, nhưng các địa phương khác, các thị trường khách lớn nơi dịch vẫn bùng phát và hạn chế đi lại, nên cũng không thể khai thác.

- Mùa hè, lễ hội là thời điểm để ngành du lịch hút khách, gia tăng doanh thu. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra thì thời điểm ấy đã qua. Vậy ngành du lịch Đà Nẵng còn có cơ hội phục hồi trong năm nay?

Ông Cao Trí Dũng: Hiện tại, một số doanh nghiệp đang hình thành các gói sản phẩm nhỏ phục vụ người địa phương và các tỉnh lân cận có điều kiện chống dịch giống Đà Nẵng. Tuy nhiên, dù đã trong thời điểm nghỉ hè, nhưng thị trường vẫn không ghi nhận tín hiệu tốt nên cộng đồng doanh nghiệp phải chờ tín hiệu chống dịch ổn định trên cả nước.

Chỉ khi nào tình hình dịch được kiểm soát trên cả nước thì mới hy vọng thị trường nội địa phục hồi trở lại, nhưng chắc chắn sẽ không thể phục hồi như cùng kỳ năm 2020, vì năm 2020 ghi nhận thị trường khách nội địa bùng nổ vào tháng 6 và tháng 7.

Hơn nữa, đến thời điểm này đã hết nửa tháng 6 rồi, nhưng việc kiểm soát dịch bệnh trên cả nước vẫn chưa ổn định hoàn toàn. Bên cạnh đó, hiện tất cả các thị trường khách đều nhạy cảm với tình hình dịch bệnh COVID-19, nên đều phải chờ và theo sát thông tin chống dịch từ Chính phủ và các địa phương.

Chính vì vậy, hầu như các doanh nghiệp không đặt vấn đề khai thác trong thời điểm này mà chỉ theo dõi tiến độ chống dịch và tập trung một ít vào khách địa phương và các tỉnh lân cận.

Dà đã cho hoạt động tắm biển trở lại, nhưng biển du lịch Đà Nẵng vẫn vắng khách

Dà đã cho hoạt động tắm biển trở lại, nhưng biển du lịch Đà Nẵng vẫn vắng khách

- Với những diễn biến của dịch COVID-19, Hiệp hội du lịch sẽ làm gì để phục hồi hoạt động?

Ông Cao Trí Dũng: Trong bối cảnh như vậy, Hiệp hội đang tập trung vào nhiệm vụ chính là giúp các doanh nghiệp lên phương án phục hồi và giúp doanh nghiệp cùng người lao động vượt qua khó khăn.

Cụ thể, Hiệp hội du lịch Đà Nẵng sẽ lên phương án xin hỗ trợ doanh nghiệp và trong thời gian qua là vấn đề giảm giá điện, giảm bảo hiểm xã hội,… và tiến tới là xin giảm lãi vay, khoanh nợ, giãn nợ…cho doanh nghiệp.

Mục tiêu đặt ra trong bối cảnh này là giải cứu doanh nghiệp, giải cứu người lao động. Còn mục tiêu phục hồi thì chờ kết quả chống dịch trên cả nước mới nghĩ đến việc khai thác thị trường.

Còn triển khai các chương trình kích cầu du lịch như trong thời gian qua thì không, vì bối cảnh dịch bệnh còn đang phức tạp, nếu không khéo sẽ phản tác dụng.

- Đứng ở góc độ hợp tác giữa Hiệp hội Du lịch các địa phương, các Hiệp hội đã có động thái gì để phục hồi thị trường du lịch?

Ông Cao Trí Dũng: Hiện nay các doanh nghiệp trông chờ vào thị trường tại chỗ và các địa phương lân cận. Tuy nhiên, điều này phải đi theo chủ trương của các địa phương và chủ trương chống dịch. Đơn cử như Thừa Thiên Huế vẫn hạn chế người đến thì người Đà Nẵng vẫn không thể đi được.

Bên cạnh chống dịch, khi các địa phương có chủ trương mở cửa trở lại cho người dân ở các nơi an toàn, các Hiệp hội mới bắt tay với nhau được.

Hiện nay Hiệp hội đã có sẵn phương án, lực lượng để thực hiện, nhưng các địa phương vẫn chưa cho phép hoạt động trở lại, nên các doanh nghiệp vẫn rất dè dặt, và có mở ra thì các doanh nghiệp cũng cân nhắc bài toán chi phí.

Chính vì vậy, chỉ có khoảng 15-20% doanh nghiệp sẵn sàng hoạt động trở lại, còn lại hầu hết chờ cho đến khi lượng khách đủ lớn, đủ bù đắp các chi phí thì mới mở cửa.

Một góc chuỗi khách sạn ven biển du lịch Đà Nẵng trên đường Võ Nguyên Giáp

Một góc chuỗi khách sạn ven biển du lịch Đà Nẵng trên đường Võ Nguyên Giáp

- Như ông chia sẻ thì doanh nghiệp sẽ chờ đợi những tín hiệu khởi sắc từ công tác phòng chống dịch. Tuy nhiên, một khi thời điểm vàng để phục hồi đi qua, "sức khoẻ doanh nghiệp" ngày càng yếu thì liệu sau dịch, các doanh nghiệp còn sức để gượng dậy hay không? Và với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội, ông có những đề xuất, hiến kế gì cho du lịch địa phương?

Ông Cao Trí Dũng: Đúng là vậy, vấn đề anh đặt ra là chính xác. Bởi hiện tại mức độ chống chịu của doanh nghiệp đến đâu là vấn đề, vì càng kéo dài doanh nghiệp càng chết.

Như tôi đã chia sẻ, với vai trò Hiệp hội du lịch Đà Nẵng, chúng tôi sẽ có những đề xuất giải cứu, hỗ trợ để doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Còn một khi có tín hiệu thị trường, thì đương nhiên doanh nghiệp sẽ quay trở lại.

Hơn nữa, dịch bệnh là vấn đề khách quan, nên cho dù là chính quyền hay Hiệp hội cũng khó có thể giúp được việc này. Việc kiểm soát dịch bệnh thuộc tầm quốc gia, nên chỉ mong sớm triển khai vaccine, miễn dịch cộng đồng và chỉ khi đạt được điều này thì chúng ta mới tự tin cho việc quay trở lại thị trường du lịch. Còn không thì tất cả sẽ rất phập phù, chỉ cần có vài ca là tất cả đều đứng yên trở lại. Hầu hết các doanh nghiệp cũng thống nhất với quan điểm này, chỉ khi nào triển khai vaccine, miễn dịch cộng đồng thì doanh nghiệp mới trở lại mạnh mẽ.

Mà vấn đề triển khai vaccine và miễn dịch cộng đồng thì Hiệp hội cũng đã có đề xuất và đang chờ đợi.

- Xin cảm ơn ông!