Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng nói gì về cách gượng dậy du lịch sau đợt dịch COVID-19 lần 3?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – “Năm 2021 sẽ khó khăn hơn năm 2020 rất nhiều và dù rằng có tín hiệu lạc quan, nhưng lạc quan nhất thì đến năm 2023 may ra mới trở lại, còn không thì phải đến năm 2025”- Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng nói
Cầu Vàng tại Khu du lịch Sunworld Bà Nà Hill trong cơn đại dịch COVID-19 lần thứ 3
Cầu Vàng tại Khu du lịch Sunworld Bà Nà Hill trong cơn đại dịch COVID-19 lần thứ 3

Khách sạn bán tháo, doanh nghiệp đứng bên bờ vực đóng cửa, hướng dẫn viên mất việc,… là những gì đang diễn ra tại Đà Nẵng trước tác động của đại dịch COVID-19 lần thứ 3. Để rõ hơn những tác động này đối với ngành du lịch - một trong những mũi nhọn kinh tế của TP Đà Nẵng, VietTimes đã có cuộc phỏng vấn ông Cao Trí Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng về kịch bản khôi phục du lịch TP sau diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 lần 3.

- Cuối năm 2020, ngành du lịch Đà Nẵng đã đưa ra kịch bản thúc đẩy du lịch địa phương trong năm 2021 với nhiều kỳ vọng, tuy nhiên, đầu năm 2021, cả nước chứng kiến sự bùng phát trở lại của dịch COVID-19 lần 3. Dưới góc độ Hiệp hội du lịch TP, ông nhận định sự tàn phá của đợt dịch lần 3 này như thế nào đến du lịch địa phương?

Ông Cao Trí Dũng: Trước hết, sự bùng phát của dịch bệnh lần 3 không quá lạ với các doanh nghiệp, vì tất cả các doanh nghiệp đều ở tâm thế luôn sẵn sàng khi dịch quay lại.

Dù không bất ngờ, nhưng dịch lần này lại quay lại đúng dịp Tết Nguyên đán, thời điểm thị trường du lịch nội địa có cơ hội phục hồi, nên tác động và thiệt hại của lần này lớn hơn so với đợt 2 năm 2020 vì đợt 2 xảy ra vào mùa thấp điểm.

Đánh giá thiệt hại trong năm 2021 do dịch COVID-19 gây ra rất lớn và dự báo là khó khăn hơn năm 2020. Tăng trưởng ngành trong năm 2021 khó có thể quay lại như năm 2020 một cách bài bản, đầy đủ và càng khó để quay lại thời điểm năm 2019.

Tuy vậy, vẫn có những tín hiệu lạc quan trong năm 2021 đó là đã bắt đầu có vác-xin. Xét trong dài hạn thì có vác-xin sẽ giúp ngành phục hồi bền vững hơn và lạc quan hơn khi vác-xin được triển khai đồng bộ.

Nhưng lạc quan không có nghĩa là thị trường sẽ sớm trở lại ngay, mà lạc quan nhất thì năm 2023 mới may ra được như 2019 và nếu kém lạc quan thì phải tận năm 2025 mới may ra quay lại được như 2019.

Nói vậy để nói rằng năm 2021 rất khó khăn.

Ông Cao Trí Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng

Ông Cao Trí Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng

- Được biết, Sở du lịch TP đang phối hợp cùng Hiệp hội để thống kê thiệt hại. Ông có thể cho biết sơ bộ mức thiệt hại do đợt dịch lần 3 này gây ra cho du lịch Đà Nẵng như thế nào?

Ông Cao Trí Dũng: Hiện chúng tôi đang thực hiện khảo sát, dự kiến đến khoảng trung tuần tháng 3/2021 sẽ có số liệu cụ thể. Và hiện tại tôi chỉ có thể nói là thiệt hại rất nặng nề, rất nhiều doanh nghiệp khó có thể trụ lại được.

- Có một thực trạng là sau khi dịch COVID-19 lần 3 bùng phát, số lượng các khách sạn, cơ sở lưu trú trên địa bàn rao bán gia tăng. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Ông Cao Trí Dũng: Thật sự nếu nói theo quy luật cung cầu của thị trường thì hiện tượng các chủ khách sạn, cơ sở lưu trú trên địa bàn rao bán là chuyện bình thường.

Khi cung nhiều mà cầu ít thì các nhà đầu tư sẽ cân nhắc về mặt lợi ích mà bán hay giữ lại. Những nhà đầu tư có năng lực tài chính lâu dài thì họ sẽ giữ lại và phát triển lên. Còn lại, họ có thể bán, chuyển nhượng để chuyển hướng đầu tư, tái cấu trúc, thậm chí rời khỏi thị trường cũng là chuyện bình thường.

Ở một góc độ khác, thị trường cũng sẽ có những nhà đầu tư khác quyết tâm hơn, tươi mới hơn và có sản phẩm tốt hơn, phù hợp hơn với xu thế.

Tuy vậy, việc các chủ đầu tư rút khỏi thị trường sẽ có ảnh hưởng đến năng lực, quy mô đáp ứng và tâm lý chung của thị trường. Và việc này không chỉ xảy ra ở Đà Nẵng mà cả thế giới cũng đang diễn ra khi tất cả đang tái cấu trúc lại ngành.

Khu du lịch Sunworld Bà Nà Hill tại thời điểm đại dịch COVID-19 lchưa bùng phát

Khu du lịch Sunworld Bà Nà Hill tại thời điểm đại dịch COVID-19 lchưa bùng phát

- Để thúc đẩy du lịch địa phương trở lại trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến mới, Hiệp hội du lịch Đà Nẵng đã có những động thái gì? Và kỳ vọng của Hiệp hội trong năm 2021 như thế nào?

Ông Cao Trí Dũng: Như tôi đã nói, kịch bản lạc quan nhất thì năm 2023 ngành du lịch TP mới may ra được như năm 2019 và kém lạc quan thì phải đến năm 2025. Tuy nhiên nói vậy chứ khó có thể nói trước được điều gì khi dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Chính vì vậy, hiện nay Hiệp hội đang xắn tay cùng cộng đồng doanh nghiệp bàn cách vượt qua khó khăn. Đơn cử là Hiệp hội đang khẩn trương thực hiện khảo sát đối với cộng đồng doanh nghiệp, ghi nhận những khó khăn, kiến nghị từ phía cộng đồng và đề xuất với lãnh đạo TP tổ chức toạ đàm mang chủ đề khôi phục ngành du lịch địa phương.

Qua ghi nhận, Hiệp hội đã nhận được rất nhiều đề xuất của doanh nghiệp bám vào 2 nhóm vấn đề lớn là giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện tại và tạo sản phẩm mới giúp doanh nghiệp vươn lên.

Thực tế là các doanh nghiệp đang gặp khó khăn rất lớn, nếu không có gói hỗ trợ thì doanh nghiệp sẽ đổ vỡ hàng loạt, nên Hiệp hội sẽ đề xuất quyết liệt các chính sách đối với nhóm này.

Cụ thể như: khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất, giảm lãi vay, cho vay mới, giảm thuế,giảm phí, thuê đất,… Tiếp đến là các gói cứu trợ, gói giải cứu, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động… để doanh nghiệp có thể trụ lại được.

Nhóm giải pháp thứ hai là giúp doanh nghiệp phục hồi. Cụ thể đó là xây dựng nhóm sản phẩm mới, cơ chế mới, giúp doanh nghiệp định vị thị trường, hỗ trợ quảng bá xúc tiến… để thu hút du khách trở lại.

Tóm lại là phải triển khai song song 2 nhóm nhiệm vụ thì mới mong khôi phục lại thị trường du lịch địa phương trong thời gian sớm nhất.

- Xin cảm ơn ông!