Đó là những vấn đề được đưa ra bàn thảo và nhận được sự đồng thuận cao của các chuyên gia tại buổi Tọa đàm “Thực trạng và những điểm nghẽn chính sách của ngành công nghiệp phần mềm” do Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam (Bộ TT&TT) và Viện Chính sách và phát triển truyền thông (Hội Truyền thông số Việt Nam) phối hợp tổ chức, nhằm tìm hiểu một số vướng mắc về cơ chế chính sách đối với các doanh nghiệp công nghệ hiện nay.
Tọa đàm ghi nhận, đại diện một số doanh nghiệp chung nhận định rằng hiện nay nhân sự trong ngành CNTT rất thiếu và ngay cả bản thân các đơn vị đào tạo nói chung và các trường đào tạo nhân lực CNTT nói riêng hiện chưa đánh giá cao việc hợp tác với các doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo, hỗ trợ sinh viên có điều kiện tiếp xúc với môi trường thực tế để trau dồi kiến thức.
Nhiều doanh nghiệp đánh giá hiện các trường rất “thương mại” khi doanh nghiệp chủ động tiếp xúc qua việc yêu cầu doanh nghiệp ký biên bản hợp tác, tài trợ phòng lab, tài trợ cho nhiều hoạt động của trường bằng tiền mặt,… chứ chưa tập trung tìm hiểu nhu cầu doanh nghiệp và thị trường lao động. Trong khi đó, chất lượng sinh viên ngày nay bị tác động bởi nhiều yếu tố, môi trường nhiều cám dỗ, nên thiếu đi nhiều kỹ năng, kiến thức bổ trợ sát sườn cho công việc tương lai.
Một vài doanh nghiệp cho rằng làm việc thẳng với các trường quá khó nên đã có xu hướng tương tác cá nhân với một số thầy cô, để nhận giới thiệu về các sinh viên ưu tú. Cùng với đó, họ thường xuyên mở rộng các câu lạc bộ để thu hút sinh viên vào tham gia, giao lưu với các nhân viên để định hướng công việc và văn hóa doanh nghiệp.
Thực tế, có hiện tượng nhiều doanh nghiệp bỏ ra chi phí lớn để đầu tư trang trí văn phòng làm việc, tạo ra văn phòng làm việc long lanh, bắt mắt như nhiều doanh nghiệp hàng đầu thế giới để mong thu hút sinh viên. Bản thân các doanh nghiệp cũng đánh giá đây là việc làm có tính chất “nhảm nhí” nhưng vẫn cần thực hiện song hành cùng nhiều chính sách đưa ra để mong “giữ chân” sinh viên.
Doanh nghiệp công nghệ "không thể sống nổi" vì Bảo hiểm xã hội
Đối với ngành CNTT, gần như toàn bộ chi phí vốn là dành cho chi phí nhân sự, mà lương nhân sự ngành CNTT trung bình tương đối cao. Nhưng nếu coi đó là phần thu nhập như các ngành khác để tính bảo hiểm thì các doanh nghiệp CNTT khó đảm bảo, vì nó không chỉ đơn thuần là chi phí con người mà còn là chi phí nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất.
Được biết, căn cứ theo quy định của Luật BHXH năm 2014, từ ngày 1/1/2018, mức đóng BHXH bắt buộc sẽ gồm mức lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác. Trong đó, mức lương làm căn cứ đóng BHXH theo thang lương, bảng lương do doanh nghiệp tự xây dựng. Các khoản bổ sung khác là khoản tiền ngoài mức lương, phụ cấp lương và có liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động.
Mức đóng này cao hơn nhiều lần so với mức đóng theo lương cơ sở hiện nay khiến nhiều doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp công nghệ nói riêng cho rằng họ sẽ “không thể sống nổi” nếu tuân thủ nghiêm túc quy định này.
Một số doanh nghiệp công nghệ cho biết, với việc tăng mức đóng bảo hiểm như vậy sẽ xuất hiện tình trạng hiện nay các doanh nghiệp sẽ thuê công ty trung gian về nhân sự. Nhân viên của doanh nghiệp sẽ ký hợp đồng với công ty trung gian này sau đó công ty trung gian này sẽ “bán” lại nhân sự cho các doanh nghiệp và giảm được thuế. Và như vậy, mức đóng bảo hiểm nhà nước thu được vẫn không thay đổi tuy nhiên tạo điều kiện cho các công ty trung gian về nhân sự phát triển mạnh.
Báo động tình trạng chảy máu chất xám start-up
Cùng với những bất cập trên, việc làn sóng doanh nghiệp khởi nghiệp đăng ký thành lập ở nước ngoài ngày càng được nhắc đến nhiều hơn. Lý do chủ yếu vẫn xuất phát từ các rào cản về thủ tục hành chính. Thực tế ghi nhận ngày càng nhiều dự án CNTT, dự án start-up hoạt động ở thị trường Việt Nam, người sáng tạo là người Việt Nam, nhưng lại đặt trụ sở, giấy phép kinh doanh ở nước ngoài.
Theo ghi nhận của PV, có nhiều lý do khiến các chủ dự án đặt công ty CNTT, start-up ở nước ngoài để làm “bàn đạp” thâm nhập thị trường thế giới như: thuận tiện trong thu hút vốn đầu tư từ các quỹ, thủ tục đơn giản, được hỗ trợ bởi chính sách khởi nghiệp nước đó… Nhưng rõ ràng, việc các start-up “khai sinh” ở nước ngoài khiến Việt Nam mất đi một nguồn thu tài chính lớn trong tương lai, tạo ra sự chảy máu chất xám và cả mất đi một “chỉ số niềm tin” về môi trường kinh doanh.
“Mở công ty tại Singapore là tiêu chuẩn của một số quỹ đầu tư ngoại khi lựa chọn dự án khởi nghiệp để rót vốn. Chúng tôi phải đặt công ty ở đó thì họ (các nhà đầu tư nước ngoài) mới rót vốn, đó là điều kiện”, một nhà sáng lập start-up cho biết.
Câu chuyện về dự án kết nối cộng đồng những người làm việc tự do đến với những DN, cá nhân có nhu cầu của trang mạng Freelancerviet cũng vậy. Nhà sáng lập dự án đồng thời là bà chủ của Công ty công nghệ Flamingo nói trên cho biết, hiện đang đàm phán với một đối tác Nhật Bản. Và sau khi tìm hiểu thủ tục đầu tư ở Việt Nam, đối tác này đã “ra điều kiện” yêu cầu doanh nghiệp phải lập một công ty mới tại Singapore, vì thời gian để khoản vốn cam kết chảy vào một công ty tại đây sẽ nhanh hơn rất nhiều so với 8 tháng để hoàn tất thủ tục đầu tư nhằm rót tiền cho một doanh nghiệp tại Việt Nam như hiện nay.
Bởi vậy, dù nhận được nhiều ưu đãi từ cơ quan quản lý ngành KHCN TP.HCM, nhưng startup này cũng cho hay “gặp được một nhà đầu tư có cùng định hướng, cùng tầm nhìn với DN là rất đáng quý. Hầu như các startup chúng tôi đều phải nghe theo hết!”.