Doanh nghiệp chip Việt đào tạo miễn phí 100 nhân lực bán dẫn mỗi năm

Viện nghiên cứu VnChip phối hợp với đối tác tổ chức đào tạo miễn phí kỹ sư thiết kế vi mạch cho sinh viên năm cuối các trường đại học, với mong muốn đóng góp 100 kỹ sư mỗi năm, góp phần giúp Việt Nam đạt mục tiêu 50.000 kỹ sư giỏi năm 2030.

Tại lễ khai trương Viện nghiên cứu VnChip sáng 24/4, ông Lục Đức Trí, nhà sáng lập VnChip cho biết, viện hoạt động với hai mục tiêu chính là nghiên cứu phát triển công nghệ bán dẫn và đào tạo nhân lực kỹ sư vi mạch bán dẫn tại Việt Nam.

Về nghiên cứu phát triển, Viện nghiên cứu VnChip sử dụng nguồn nhân lực hiện có, phối hợp với các đại học quốc tế và doanh nghiệp nước ngoài để chia sẻ nguồn lực. Các bên sẽ cùng hợp tác thực hiện dự án nhằm tạo ra một sản phẩm chip hoàn chỉnh. Theo ông Trí, hoạt động nghiên cứu phát triển cần thời gian, ít nhất từ 5 năm 10 năm để tạo ra các sản phẩm “make in Vietnam”.

Ông Lục Đức Trí, sáng lập VnChip phát biểu tại lễ ra mắt Viện nghiên cứu VnChip, sáng 24/4. Ảnh: Hà An.

Về đào tạo, Viện nghiên cứu VnChip với đối tác Cadence - đơn vị chuyên cung cấp bản quyền thiết kế chip, tổ chức tuyển chọn và huấn luyện những tài năng là sinh viên năm cuối ngành điện - điện tử, công nghệ thông tin và các ngành liên quan nắm vững kiến thức, kỹ năng để trở thành kỹ sư làm việc tại các doanh nghiệp vi mạch.

Sinh viên sẽ tham gia khóa học kéo dài 3 tháng, tham gia các dự án thiết kế chip với các đối tác để nâng cao kỹ năng.

Ông Trí kỳ vọng, sinh viên khi tham gia vào các dự án thực tế có thể thành kỹ sư có 1 - 2 năm kinh nghiệm. Chương trình đào tạo tập trung vào khâu RTL Design, Custom Layout, Analog Design… Hoàn thành khóa học, học viên được cấp chứng chỉ của Cadence.

“Chúng tôi mong muốn hoạt động của Viện trở thành một nơi tập trung nhân tài trong ngành bán dẫn, đóng góp khoảng 100 kỹ sư hàng năm và góp sức vào chiến lược đào tạo ra 50.000 kỹ sư của Việt Nam vào năm 2030”, ông Trí nói.

Nói về ý nghĩa miễn phí chương trình học, đại diện VnChip nói, mục tiêu khóa đào tạo là phát triển năng lực kỹ sư làm việc hiệu quả trong môi trường doanh nghiệp. Khi đội ngũ kỹ sư giỏi được nhân rộng, sẽ thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, mở ra nhiều cơ hội hợp tác, thực hiện dự án vi mạch giữa các bên.

Để tham gia chương trình đào tạo, sinh viên trải qua các bước gồm gửi bảng điểm học tập. Sau khi sàng lọc, sinh viên được tham gia một khóa hướng nghiệp, thực hiện bài kiểm tra đánh giá năng lực và sau cùng là phỏng vấn để đủ điều kiện tham gia khóa đào tạo.

Sau ba tháng học tập, sinh viên sẽ làm bài kiểm tra để đánh giá khả năng, thái độ, sự chuyên cần. Các học viên được cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa học từ Cadence và được giới thiệu việc làm thông qua các đối tác của Viện nghiên cứu VnChip.

Đại diện Cadence và VnChip thực hiện nghi thức hợp tác trong nghiên cứu và đào tạo nhân lực vi mạch. Ảnh: Hà An.

Đại diện Cadence cho biết, đơn vị sẽ cung cấp quyền truy cập vào bộ công cụ thiết kế vi mạch hàng đầu, giúp sinh viên làm quen với các quy trình thiết kế IC tiên tiến và tiếp cận công nghệ hiện đại. Đây là cam kết mạnh mẽ của Cadence trong việc hỗ trợ đào tạo nhân lực chất lượng cao thông qua việc cấp quyền sử dụng phần mềm và bản quyền công nghệ.