Thói quen chọn "Đồng ý" trên ứng dụng, kẽ hở lộ lọt thông tin cá nhân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam

Khi người dùng tạo tài khoản mạng xã hội, có mục hỏi quyền truy cập dữ liệu cá nhân, nhưng câu hỏi bằng tiếng Anh. Ai không hiểu, chọn "Đồng ý", có thể vô tình làm lộ lọt thông tin cá nhân, đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM chia sẻ.

Nguy cơ lộ lọt thông tin cá nhân với nhóm người cao tuổi

Sáng 22/4, Mặt trận Tổ quốc TP.HCM phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức tọa đàm về tổ chức thực hiện phong trào “Bình dân học vụ số”.

Trình bày tham luận, bà Nguyễn Ngọc Phương Trà, Phó ban Tuyên giáo - Chính sách Luật pháp, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM cho biết thông qua các buổi tập huấn về chuyển đổi số cho chị em phụ nữ, bà thấy nhiều trường hợp công chức nhà nước bị mất tài khoản cá nhân như Zalo, Facebook, do thiếu kiến thức bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Nhiều người khi sử dụng tài khoản cá nhân chưa xác thực hai lớp, dẫn đến bị chiếm quyền truy cập. Điều này tạo điều kiện cho kẻ chiếm tài khoản thực hiện các hành vi lừa đảo trực tuyến.

Hoi thao Binh dan hoc vu so.jpg
Bà Nguyễn Ngọc Phương Trà, Phó ban Tuyên giáo - Chính sách Luật pháp, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM tại tọa đàm. Ảnh: Hà An.

Theo bà Trà, hành vi chiếm tài khoản còn "núp bóng" dưới hình thức truy cập vào các dữ liệu riêng tư của người dùng, như: danh bạ điện thoại, hình ảnh cá nhân, số tài khoản ngân hàng...

Bà dẫn chứng một số nền tảng mạng xã hội, khi người dùng tạo tài khoản, có những mục cho phép ứng dụng quyền truy cập vào các dữ liệu cá nhân... tuy nhiên câu hỏi này lại hiển thị tiếng Anh. Điều này khiến một số người dùng không hiểu, theo thói quen chọn "Đồng ý" vào tất cả các điều khoản, vô tình khiến họ bị lộ lọt thông tin.

“Tất cả các nền tảng này cần chuẩn hóa theo ngôn ngữ tiếng Việt. Người dùng cần được tập huấn phòng tránh những rủi ro này”, bà Trà kiến nghị.

Về hoạt động kinh doanh trực tuyến, theo bà Trà, với tiểu thương bán hàng, họ thường sử dụng tài khoản mạng xã hội để giới thiệu, quảng bá sản phẩm và thanh toán không dùng tiền mặt khi mua bán. Tuy nhiên, hiện nhiều cửa hàng, tiệm ăn nhỏ bị lừa đảo theo hình thức đã báo chuyển khoản, nhưng thực tế chưa nhận được tiền. Việc này khiến một số chủ cửa hàng có tâm lý không nhận hình thức thanh toán chuyển khoản.

“Cần tăng cường kiến thức cho người dân về bảo vệ dữ liệu cá nhân để họ tránh được các rủi ro lừa đảo trên không gian mạng”, bà Trà nói.

Ông Nguyễn Thanh Huy, Bí thư đoàn phường 5, quận Bình Thạnh chia sẻ nguy cơ lộ lọt thông tin cá nhân trên môi trường mạng với nhóm người cao tuổi - vốn hiểu biết công nghệ hạn chế. Đây là lý do họ thường chọn thực hiện dịch vụ công tại trụ sở chính quyền, hoặc thanh toán bằng tiền mặt với các giao dịch mua bán.

Làm sao tăng cường kiến thức số cho người dân?

Tại hội nghị, nhiều chuyên gia đồng tình nhóm người già gặp nhiều hạn chế nhất khi sử dụng các dịch vụ trực tuyến. Do đó, cần tăng cường tập huấn, nâng cao nhận thức của họ về bảo vệ dữ liệu cá nhân, chống lừa đảo tấn công mạng thông qua chương trình "Bình dân học vụ số".

Để thực hiện chương trình với độ bao phủ lớn, PGS.TS Nguyễn Lưu Thùy Ngân, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Thông tin, ĐH Quốc gia TP.HCM cho rằng cần có các khảo sát, đánh giá mức độ tiếp cận về kiến thức công nghệ cho từng nhóm đối tượng từ công chức, người lao động, học sinh - sinh viên, người cao tuổi…

Đây là cơ sở để xây dựng hệ thống chương trình đào tạo phù hợp cho từng đối tượng. Chương trình đào tạo này cần sự tham gia của những công chức có đam mê, sáng kiến và ứng dụng chuyển đổi số vào công việc của họ. Các giảng viên đại học tham gia thiết kế chương trình đào tạo dựa trên ưu thế về chuyên môn, khả năng sư phạm.

“Sự kết hợp giữa công chức đam mê công nghệ, có sản phẩm ứng dụng sẽ tạo ra chương trình đào tạo mang tính thực tiễn cao. Sự tham gia thầy cô sẽ giúp tăng thêm hiệu quả đào tạo về mặt chuyên môn. Kết hợp giữa thực tế và lý thuyết trong xây dựng chương trình đào tạo sẽ giúp các khóa học có hiệu quả cao hơn”, TS Ngân nói.

Hoi thao Binh dan hoc vu so 3.jpg
Sinh viên hướng dẫn sử dụng mạng xã hội cho người cao tuổi tại quận 3, TP.HCM. Ảnh: Tiên Trinh.

Anh Đoàn Kim Thành, đại diện Thành đoàn TP.HCM cho biết, với các bạn sinh viên vốn có kiến thức về công nghệ, chuyển đổi số sẽ là lực lượng quan trọng trong việc tổ chức bình dân học vụ số. Thời gian qua, Thành đoàn tổ chức cho hơn 800 sinh viên tổ chức hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng số cho người dân. Kết quả trong một tháng, có hơn 5.000 người dân được tập huấn.

Theo anh Thành với, TP.HCM có khoảng 600.000 sinh viên có kiến thức cơ bản công nghệ, có thể đặt ra chỉ tiêu mỗi sinh viên đào tạo 10 người dân. Nếu huy động toàn bộ lực lượng sinh viên tham gia, chương trình bình dân học vụ số sẽ lan tỏa đến rất nhiều người.

Tại hội nghị nhiều chuyên gia kiến nghị cần thống nhất các ứng dụng công trực tuyến về một ứng dụng duy nhất, tạo điều kiện tốt hơn cho người dân khi thực hiện thủ tục; nhà nước có cơ chế kêu gọi doanh nghiệp viễn thông giảm giá dịch vụ internet, hỗ trợ tiền mua smartphone để người dân có điều kiện tiếp cận công nghệ số hơn.