Độ Mixi, Quang Linh Vlogs bị hack kênh YouTube, người dùng mạng xã hội cần cảnh giác điều gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Các nhà sáng tạo nội dung nên cẩn trọng, tránh bị lộ lọt stream key (mã sự kiện phát trực tiếp), tạo cơ hội cho hacker. Và ngay cả người dùng đơn thuần cũng cần thực hiện những thao tác để quản lý chặt chẽ tài khoản.

Việc hàng loạt các kênh mạng xã hội của nghệ sĩ, người nổi tiếng, nhà sáng tạo nội dung bị hacker tấn công là một trong 5 nội dung đáng chú ý về lừa đảo trực tuyến trong trong nước tuần qua, theo đánh giá của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông).

Đối với kênh YouTube MixiGaming (Phùng Thanh Độ - Độ Mixi), hacker bị tấn công chiếm quyền điều khiển, sau đó đã ẩn hết nội dung video và livestream nội dung quảng cáo tiền mã hóa. Ngoài ra, kênh YouTube Quang Linh Vlogs cũng bất ngờ đổi tên thành một loại tiền số. Theo Phạm Quang Linh, 2 tài khoản YouTube khác thuộc hệ thống kênh của Quang Linh Vlogs cũng bị hack.

Hiện tại, kênh YouTube MixiGaming của Phùng Thanh Độ đã khôi phục được trở lại sau 2 lần bị hacker tấn công chiếm quyền điều khiển.

f7ddbfdd-02c1-4a8a-8f20-83b77b6b7b1b.jpg
Phùng Thanh Độ (Độ Mixi).

Việc hacker chiếm đoạt quyền điều khiển của tài khoản mạng xã hội của người nổi tiếng có thể để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Điển hình như truy cập vào thông tin cá nhân để sử dụng vào mục đích lừa đảo hoặc gây ảnh hưởng trực tiếp đến danh dự, uy tín và quyền riêng tư của họ. Đối tượng cũng có thể sử dụng tài khoản để gửi tin nhắn lừa đảo hoặc các liên kết độc hại đến danh sách bạn bè của người nổi tiếng.

Trước thông tin trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dùng cần tuyệt đối cẩn trọng trong việc bảo mật tài khoản và thông tin cá nhân. Các nhà sáng tạo nội dung nên cẩn trọng với "stream key" (mã sự kiện phát trực tiếp), tránh bị lộ lọt tạo cơ hội cho hacker.

Người dùng đơn thuần cũng cần thực hiện những thao tác để quản lý chặt chẽ tài khoản của mình, chỉ nên sử dụng phần mềm có bản quyền, cẩn trọng với các email, đường dẫn đáng ngờ, tránh xa các phần mềm lậu và các bản "crack" (mở khoá).

Người dân không cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm hoặc thông tin đăng nhập qua tin nhắn hoặc email; không đăng nhập tài khoản trên thiết bị lạ và hình thành thói quen thường xuyên thay đổi mật khẩu, cài đặt mật khẩu mạnh, xác thực 2 bước. Người dùng cũng nên cảnh giác trước những tin nhắn vay mượn tiền. Khi có yêu cầu vay hoặc chuyển tiền, người dân nên thực hiện xác thực, tránh bị chiếm đoạt tài sản.

Ngoài các nguy cơ bị chiếm quyền điều khiển kênh YouTube, Cục An toàn thông tin cũng cảnh báo về 4 vấn đề khác mà người dân nên nắm rõ để tránh bị lừa đảo.

1. Chiếm đoạt mã giảm giá trên Shopee

Các đối tượng lừa đảo bằng thủ đoạn chính là đặt đơn hàng ảo để tạo ra các giao dịch ảo với giá trị hàng chục tỉ đồng. Lợi dụng chính sách hỗ trợ trên Shopee, nhóm đối tượng đã thực hiện hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để chiếm đoạt giá trị các mã giảm giá này.

Qua sự việc trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân không nên tham gia các hội nhóm đặt đơn ảo trên Facebook, Zalo, Telegram hay các nền tảng mạng xã hội khác để tránh tiếp tay cho các nhóm tội phạm lừa đảo các sàn thương mại điện tử hoặc chính mình có thể trở thành nạn nhân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua thủ đoạn tuyển người làm "việc nhẹ lương cao".

Đồng thời, đối với người mua hàng, Cục An toàn thông tin lưu ý cần kiểm tra và tìm hiểu kỹ thông tin về người bán; chỉ thực hiện giao dịch khi đã xác nhận được mức độ uy tín của người bán hàng.

2. Lừa đăng ký học kỳ công an miễn phí cho trẻ

Hình thức lừa đảo bằng các chương trình trại hè cho trẻ em được quảng bá qua Facebook đã được phát hiện tại Thừa Thiên Huế và đang có dấu hiệu lan rộng ra toàn quốc. Các đối tượng lừa đảo tạo tài khoản Facebook có tên ‘Trại hè kỹ năng - Học kỳ CAND’, ‘Trại hè học kỳ quân đội’... với giao diện, địa chỉ giống với thông tin các cơ quan công an, quân đội.

Đồng thời, các tổ chức này mạo danh cơ quan chức năng đăng thông tin mời phụ huynh đăng ký khóa học miễn phí cho con. Để đăng ký, học viên phải tập đặt thử vé máy bay online hoặc đặt cọc trước từ 5 – 10 triệu đồng. Sau khi nạn nhân chuyển tiền, đối tượng chặn liên lạc.

Khuyến cáo mọi người cảnh giác với hoạt động tổ chức trại hè để lừa đảo, Cục An toàn thông tin khuyên người dân không làm theo hướng dẫn chuyển tiền khi chưa xác định danh tính người nhận. Khi nhận được thông tin mạng xã hội có nội dung tương tự, trước khi đăng ký, người dân cần liên hệ, gặp trực tiếp để yêu cầu đơn vị tổ chức cung cấp giấy tờ tài liệu chứng minh họ là tổ chức hợp pháp, được phép tổ chức sự kiện.

3. Giả danh thanh tra sở y tế để lừa bán thuốc xương khớp

Gần đây, nổi lên sự việc một đối tượng tại Hà Nội mạo danh Thanh tra Sở Y tế để gọi điện thoại tư vấn, bán thuốc cho những người mắc bệnh xương khớp với giá mỗi đơn lên đến 3 triệu đồng rồi yêu cầu người bệnh tham gia chương trình hỗ trợ khám chữa bệnh và nộp tiền phí lập sổ hoặc tiền thuế giá trị gia tăng vào tài khoản của đối tượng lừa đảo.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân nên đặc biệt cẩn trọng khi thực hiện giao dịch mua bán trên mạng xã hội đặc biệt đối với các mặt hàng liên quan đến sức khoẻ và tính mạng người sử dụng. Tuyệt đối không nghe tư vấn trên các trang web hay cuộc gọi giả mạo khi không xác định được mức độ uy tín và sự an toàn.

"Người dân khi muốn khám chữa bệnh, chỉ nên tìm đến các cơ sở y tế đã được cấp phép để chuyên gia y tế khám, hướng dẫn chữa trị và mua thuốc tại các cơ sở y tế uy tín, được Nhà nước cấp phép theo đúng quy định, để tránh tình trạng tiền mất, tật mang", Cục An toàn thông tin nêu rõ.

4. Mạo danh VTV tổ chức cuộc thi ảnh để lừa đảo

Mới đây, xuất hiện chương trình "Cuộc thi ảnh Khoảnh khắc yêu thương mẹ và bé" có dấu hiệu lừa đảo khi mạo danh VTV và bắt người chơi phải tham gia "mua hàng nhà tài trợ". Đây hoàn toàn là trang thông tin giả mạo đăng tải thông tin không chính xác.

hinh-thuc-lua-dao-truc-tuyen-4-356.jpg

Trước thủ đoạn này, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần đề cao cảnh giác đối với các hội thi, lễ hội quảng bá trên mạng xã hội. Người dân cần thực hiện xác minh và tìm hiểu kỹ các thông tin về chương trình tuyển mẫu thời trang trên các trang mạng xã hội để tránh bị lừa đảo.

Người dân tuyệt đối không tham gia các hội thi, lễ hội quảng bá trên mạng khi chưa trực tiếp xác minh, kiểm tra thông tin ngoài đời thực; không thực hiện theo yêu cầu, hướng dẫn của đối tượng đặc biệt là giao dịch chuyển tiền; thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin tội phạm để phòng ngừa, tuyên truyền cho người thân, đặc biệt là người trung niên; trực tiếp trình báo cơ quan Công an nơi gần nhất khi nghi vấn có hành vi thủ đoạn như trên.