Đô đốc Trung Quốc ăn nói ngạo ngược tại Shangri-La 2016

Nước nhỏ nào gây hấn với Trung Quốc vậy, thưa ông Tôn? Trên thế giới này, hiếm có chuyện một nước nhỏ đi gây hấn với nước lớn mà chỉ ngược lại. 
Ông Tôn Kiến Quốc (áo trắng, bên trái, ngoài cùng). Ảnh: Getty Image.
Ông Tôn Kiến Quốc (áo trắng, bên trái, ngoài cùng). Ảnh: Getty Image.

Ngày 5/6 tại Đối thoại Shangri-La, Đô đốc Hải quân Tôn Kiến Quốc - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Trung Quốc - cho rằng Trung Quốc tuyệt nhiên không áp bức một nước nào mà chỉ có nước nhỏ gây hấn với Trung Quốc.

Nước nhỏ nào gây hấn với Trung Quốc vậy, thưa ông Tôn? Trên thế giới này, hiếm có chuyện một nước nhỏ đi gây hấn với nước lớn mà chỉ ngược lại. 

Nước nhỏ vì chịu đựng áp bức từ nước lớn quá nhiều nên mới lên tiếng phản đối, thưa kiện và cuối cùng là biện pháp tự vệ bằng vũ trang nếu bị xâm lược. Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa thường trực trọng tài La Haye (PCA) là một biện pháp tự vệ văn minh, đòi lại công bằng của một nước nhỏ bị nước lớn áp bức. 

Trung Quốc không chỉ gây hấn các nước nhỏ, mà còn coi thường các quốc gia và tổ chức khác. Ngay cả vụ kiện của Philippines, ông Tôn tuyên bố Trung Quốc không chấp nhận tham gia phiên tòa và sẽ không tôn trọng phán quyết. Tuyên bố này, bên cạnh sự không tôn trọng Tòa thường trực La Haye (PCA), Trung Quốc còn bộc lộ sự sợ hãi chính nghĩa. Phi chính nghĩa làm sao dám bước ra tòa.

Trung Quốc chỉ muốn tách các nước nhỏ ra để ăn hiếp nhằm thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông, cho nên Trung Quốc lo ngại cộng đồng quốc tế dùng chính nghĩa bắt Trung Quốc phải tôn trọng chủ quyền của các quốc gia. Vì vậy không lạ gì khi Trung Quốc luôn hô hào luận điệu các nước không nên can thiệp vào tranh chấp Biển Đông. Tại Shangri-La, Tôn Kiến Quốc cũng lớn tiếng lập lại luận điệu này.

Các nước lớn không can thiệp để cho Trung Quốc tự tung tự tác hay sao, thưa ông Tôn?

Nếu như không có sức mạnh của chính nghĩa, pháp luật quốc tế, sự can thiệp của các quốc gia khác, Trung Quốc đã biến Biển Đông thành cái ao của họ từ lâu rồi, vùng trời trên cái ao đó cũng bị họ kiểm soát nốt.

Cũng như mọi khi, Trung Quốc trơ tráo khẳng định là quốc gia đầu tiên phát hiện, đặt tên và phát triển các vùng biển đảo trên Biển Đông. Ông Tôn cũng nói lại đúng bài soạn sẵn, rằng có quyền từ lâu trên Biển Đông và cho rằng tuyên bố đường chín đoạn là có hiệu lực quốc tế. Đường chín đoạn bị cả thế giới phản đối và cho đó là một trò hề, hiệu lực là thế nào, thưa ông Tôn?

Thêm một cuộc đối thoại, Trung Quốc càng bị thế giới cô lập, hay nói đúng hơn, họ tự cô lập trước cộng đồng quốc tế và thế giới văn minh.

Theo báo Lao Động