Trao đổi tại workshop: “Cách mạng công nghiệp 4.0 - Cơ hội nào cho Startup?”, nằm trong chuỗi các chương trình giao lưu, tọa đàm của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2017 diễn ra gần đây, ông Nguyễn Văn Tấn chia sẻ về 3 cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) mà nhân loại đã trải qua và cuộc CMCN 4.0 đang đến rất gần.
Theo ông Nguyễn Văn Tấn, cuộc CMCN lần thứ nhất là vào những năm 1784, phát minh máy hơi nước. Đến 1870 là cuộc CMCN lần thứ 2 với động cơ điện. CMCN lần thứ ba là sự phát minh máy tính, internet và các ngành công nghiệp phát triển hơn, tạo ra nền tảng để chúng ta ứng dụng như ngày hôm nay. Đối với CMCN 4.0, xuất phát điểm chính là từ phát biểu của Thủ tướng Đức Angela Merkel tại diễn đàn kinh tế Davos năm 2015.
Với CMCN 4.0, có rất nhiều cách định nghĩa, cách hiểu khác nhau. Nhưng "tựu chung lại, theo tôi, là một nền kinh tế, một nền sản xuất ứng dụng công nghệ số. Tất cả những giải pháp đều đi theo hướng thông minh, sử dụng công nghệ số và tri thức để đưa vào quá trình sản xuất, giúp tăng năng suất lao động lên đột biến", ông Tấn nhận định.
Ví dụ, trong lĩnh vực giao thông có xe tự lái; nông nghiệp có IoT xác định thời điểm cần tưới cây, dùng phân bón…; trong y tế, robot thay người tự điều chỉnh, phân tích, chuẩn đoán bệnh thay con người…
Như vậy, "để có sự phát triển doanh nghiệp liên quan đến phát triển CMCN 4.0, tôi cho rằng, tri thức là điều quan trọng nhất. Việc thứ hai là phải nghiên cứu trên một nền tảng rất chắc chắn từ những cơ hội thị trường. Các start up thành công không chiếm tỷ trọng cao", ông Tấn cho biết.
Mỗi nhà sản xuất theo hướng ứng dụng KHCN cần nghiên cứu rất kỹ lưỡng về mặt thị trường để đảm bảo sản phẩm có sự khác biệt, áp dụng được tốt trong quá trình phục vụ sự phát triển của kinh tế xã hội, nhu cầu của người tiêu dùng.
Từ những thực tế trên, Phó trưởng ban tổ chức Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017 lưu ý các start up: "Chúng ta không nên xem CMCN 4.0 là thứ quá to tát. Các doanh nghiệp nên đi tìm các góc độ tiếp cận của mình, những lát cắt để đem lại sự thành công của mình trên cơ sở ứng dụng KHCN, những vốn tri thức, tài sản tri thức mà doanh nghiệp có cũng như là tìm kiếm cơ hội thị trường để có thể khớp nối và tạo ra sự thành công".
Trả lời trực diện về đánh giá việc CMCN 4.0 đang đến, các doanh nghiệp đang có xu thế đón đầu, nhưng lại bất lực trong việc chuẩn bị, ông Nguyễn Văn Tấn cho biết, rõ ràng chúng ta đang đối diện với nền kinh tế toàn cầu hóa và sự xâm nhập không biên giới của các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam. Và đang có một cơ hội cực kỳ tốt cho chúng ta, đó là chúng ta đang toàn cầu hóa cả về mặt kiến thức, cả về mặt tri thức, chúng ta sẽ có thể tìm kiếm bất kỳ thông tin gì chỉ bằng một lần bấm.
Đây là những điều kiện để tiếp cận với nền tri thức của nhân loại, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu hoặc cộng đồng startup tìm cơ hội, tìm thông tin cho mình. Tuy nhiên, mặt trái là phải đối diện với sự cạnh tranh toàn cầu. Đây là một vấn đề nan giải đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
"Tôi cho rằng, cách tiếp cận của chúng ta nên từng bước để đảm bảo phát triển vững chắc và đảm bảo sự hiệu quả của doanh nghiệp. Nên tiếp cận theo logic, những khoảng, những vùng thị trường Việt Nam có nhu cầu và chúng ta có thế mạnh, triển khai tại Việt Nam.
Chúng ta có thể tiếp cận những lĩnh vực mà Nhà nước, Chính phủ đang quan tâm, ưu tiên phát triển, có những nguồn đầu tư cho việc nghiên cứu phát triển ở lĩnh vực đó. Sau đó, khi chúng ta phát triển lớn hơn, chúng ta sẽ vươn ra các nước trong khu vực và trên thế giới. Khi quan sát các doanh nghiệp đã thành công tại Việt Nam đã vươn ra thế giới, và các doanh nghiệp thành công trên thế giới, đa số đều theo nguyên tắc đó", ông Nguyễn Văn Tấn cho biết thêm.