Dính tin đồn thất thiệt vì lộ chứng minh nhân dân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Ngọc Quỳnh bị đồn gặp tai nạn nguy kịch vì người lạ lấy ảnh chứng minh nhân dân của cô đăng lên mạng để loan tin và quyên góp tiền.

"Lúc đó là nửa đêm, tôi đang ngủ thì người thân ở quê vừa gọi vừa khóc, tưởng rằng tôi bị tai nạn thật", Quỳnh kể.

Mọi việc xuất phát từ một bài đăng trên Facebook, trong đó, người đăng bài sử dụng hình ảnh chứng minh nhân dân (CMND) của Quỳnh, cùng một số hình ảnh của một vụ tai nạn. Dòng mô tả viết: "Bạn gặp tai nạn nguy kịch và đang được cấp cứu, trong người chỉ có CMND và ít tiền mặt. Mong mọi người quyên góp viện phí và chia sẻ để người nhà biết nhé".

Bài viết được đăng tải lúc 10h tối. Hai tiếng sau đã có hơn một nghìn lượt chia sẻ. Dù không biết người đăng bài là ai, có mục đích gì, nhưng Quỳnh cho biết thông tin không chính xác trên mang đến cho cô nhiều rắc rối. "Vì được chia sẻ nhiều, cả tuần qua, người thân từ khắp nơi gọi điện về hỏi thăm. Mỗi lần lại phải giải thích, khiến cả gia đình mệt mỏi", Quỳnh kể.

Bài viết ban đầu trên đã bị xóa nhưng cô cho biết nhiều tài khoản khác đăng lại, thậm chí có những bên sử dụng để dụ mua bảo hiểm. Quỳnh phải báo công an để nhờ xử lý, đồng thời khóa Facebook để tránh bị làm phiền.

Quỳnh chưa từng sử dụng các dịch vụ trực tuyến phải khai báo chứng minh nhân dân. Tuy nhiên, cách đây không lâu, cô có chụp ảnh giấy tờ tuỳ thân gửi cho bạn qua Messenger để nhờ đăng ký một dịch vụ. Tài khoản Messenger của người bạn kia sau đó bị hack. Vài ngày sau, bài viết trên xuất hiện.

Quỳnh không phải là nạn nhân duy nhất khi bị lộ chứng minh nhân dân. Trên nhiều hội nhóm online, các bài đăng như trên liên tục xuất hiện. Phương thức chung là đăng ảnh chứng minh nhân dân, căn cước công dân của người khác lên, kèm các thông tin gây sốc, như nói rằng người đó gặp tai nạn, hoặc vay tiền không trả.

Theo một số chuyên gia mạng xã hội, đây có thể là thủ đoạn "câu like" của những tài khoản ảo, nhằm thu hút sự chú ý, hoặc để bán hàng hay lừa đảo sau này.

Ông Thế Nghiêm (60 tuổi) cũng là nạn nhân của một vụ như trên. "Hôm đó tôi đang ngủ thì thấy mọi người trong xóm kéo đến hỏi thăm. Hóa ra trên mạng có người đăng bài nói tôi bị tai nạn và họ có cả chứng minh nhân dân của tôi", ông kể. Không dừng lại ở đó, ông Nghiêm còn bị nhiều người đồn rằng do vay nợ không trả, nên bị bên cho vay đăng hình để trả thù khiến cả gia đình ông xáo trộn.

Nhiều người bị đăng thông tin sai sự thật sau khi để lộ ảnh chứng minh nhân dân.
Nhiều người bị đăng thông tin sai sự thật sau khi để lộ ảnh chứng minh nhân dân.

Chứng minh nhân dân được các chuyên gia an toàn thông tin đánh giá là một trong những thông tin quan trọng nhất mà người dùng cần bảo vệ. Nếu kẻ xấu có thông tin chứng minh nhân dân của người khác, chúng có thể phá hoại cuộc sống của người đó theo nhiều cách, chẳng hạn đăng tin sai sự thật, hoặc sử dụng để đăng ký các tài khoản phục vụ mục đích xấu.

Mới đây, một lượng lớn hình ảnh chứng minh nhân dân và căn cước công dân của người Việt xuất hiện trên một diễn đàn của hacker. Trung tâm Giám sát An toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) cho biết, lượng dữ liệu này chứa thông tin của khoảng 10 nghìn người. Việc rò rỉ có thể từ việc người dùng đăng ký sử dụng các dịch vụ có yêu cầu cung cấp thông tin KYC (bao gồm họ tên, địa chỉ, số điện thoại, ảnh chụp hai mặt CMND/CCCD), như dịch vụ cho vay tiền trực tuyến, dịch vụ tài khoản tiền ảo...

Theo NCSC, khi bị lộ chứng minh nhân dân, người dùng cần lường trước các kịch bản lừa đảo có thể xảy ra đối với mình và người thân, sẵn sàng thông báo cho cơ quan chức năng gần nhất khi có những cuộc gọi, thư điện tử nghi ngờ gửi đến. Đồng thời, người dùng cần tránh cung cấp thông tin cá nhân, KYC cho các dịch vụ của các tổ chức chưa được xác nhận, đánh giá tín nhiệm một cách rõ ràng.

* tên nhân vật đã được thay đổi

Theo VnExpress