Điều vạn quân ra biên giới, Nga cảnh báo lạnh gáy với Ukraine, nguy cơ chiến tranh tái diễn?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tình hình biên giới Nga-Ukraine gần đây trở nên cực kì căng thẳng, xung đột giữa quân đội Ukraine và lực lượng ly khai gia tăng, hai nước đều đưa nhiều quân ra khu vực biên giới, Mỹ và NATO tập trận đe dọa Nga.
Ukraine đưa 13 trong số 21 lữ đoàn lục quân tới miền Đông tiếp giáp Nga. bị Nga coi là hành động khiêu khích (Ảnh: QQ).
Ukraine đưa 13 trong số 21 lữ đoàn lục quân tới miền Đông tiếp giáp Nga. bị Nga coi là hành động khiêu khích (Ảnh: QQ).

Quan hệ Nga và Ukraine lại trở thành tâm điểm chú ý của thế giới. Trước đó, sau khi quan hệ giữa Nga và Ukraine xấu đi, Kiev được cho là đang tìm cách kích động chiến tranh, chính phủ Ukraine đồng thời với việc điều động một lực lượng quân đội quy mô nhỏ tiến hành các cuộc tấn công vào khu vực Donbass, đã huy động một số lượng lớn quân đội hành quân ra vùng biên giới.

Trước động thái của Ukraine, Nga cũng không chịu thua kém: trong thời gian ngắn quân đội Nga đã điều một số lượng lớn binh sĩ tới biên giới Nga – Ukraine. Có thông tin nói tổng lực lượng quân Nga được triển khai tới khu vực biên giới đã lên tới 28.000 người cùng nhiều loại vũ khí tiên tiến bao gồm hệ thống tên lửa phòng không S-400, tên lửa đạn đạo "Iskander" và xe tăng chiến đấu chủ lực T-90A.

So với Ukraine, quốc gia có trang bị lạc hậu và binh lính chất lượng thấp, hiệu quả chiến đấu của lực lượng Nga mạnh hơn hẳn. Chưa hết, cách đây không lâu, ông Slutsky, Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề Quốc tế của Duma Quốc gia Nga, đã đưa ra cảnh báo nghiêm khắc đối với Ukraine. Ông cho rằng việc Kiev kích động chiến tranh chắc chắn sẽ dẫn đến việc "nước Ukraine bị diệt vong". Tuyên bố kiểu như vậy là điều rất hiếm thấy.

Hình ảnh Nga vận chuyển quân đội cùng thiết bị quân sự ra biên giới Ukraine được đăng tải trên mạng xã hội (Ảnh: QQ).

Hình ảnh Nga vận chuyển quân đội cùng thiết bị quân sự ra biên giới Ukraine được đăng tải trên mạng xã hội (Ảnh: QQ).

Cần phải nói rằng, lý do chính khiến Nga muốn tăng quân tới khu vực tiếp giáp Ukraine có lẽ là để răn đe Ukraine. Trước đó, có thông tin cho rằng Ukraine đã phóng đại các vấn đề liên quan và có ý định mở rộng phạm vi giao chiến trong cuộc xung đột. Ngoài ra Ukraine cũng đẩy mạnh tăng quân tại miền Đông Ukraine, đưa đến đây 13 trong số 21 lữ đoàn của lục quân. Trong cuộc xung đột năm 2014, Ukraine cũng chỉ huy động 8 lữ đoàn tới đây. Đối với Ukraine, đây có thể được coi là "cuộc tổng huy động toàn quân".

Tất nhiên, việc Ukraine huy động nhiều quân như vậy đương nhiên không phải để luyện tập; mục đích có thể là sử dụng NATO làm hậu thuẫn để gây sức ép với Nga xem có thể lấy lại vùng Đông Ukraine hiện bị lực lượng ly khai thân Nga kiểm soát hay không. Trước hành động khiêu khích của Ukraine, Nga đương nhiên sẽ không ngồi im cho qua. Việc Nga tăng quân ồ ạt tới khu vực biên giới lần này là để cho Ukraine hiểu ai mới là ông lớn thực sự trong khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu kiểm tra tình hình quân đội, công khai tuyên bố Nga đã đưa thêm quân tới biên giới phía Tây để tập trận (Ảnh: QQ).

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu kiểm tra tình hình quân đội, công khai tuyên bố Nga đã đưa thêm quân tới biên giới phía Tây để tập trận (Ảnh: QQ).

Ngoài việc răn đe Ukraine, động thái của Nga cũng để đáp trả Mỹ. Thời gian trước đây, các nước phương Tây, đứng đầu là Mỹ luôn tập trung hỏa lực vào Nga, Liên minh châu Âu đã trục xuất nhiều nhà ngoại giao Nga vì sự kiện Alexei Navalny, thậm chí một dạo đã gây chiến tranh ngoại giao với Nga. Mỹ cũng đã nhiều lần cử tàu chiến đến khu vực Biển Đen; Tổng thống Joe Biden còn cam kết với Tổng thống Ukraine Zelensky rằng: nếu Nga "xâm lược" Ukraine thì Mỹ sẽ không khoanh tay đứng nhìn. Trước những hành vi khiêu khích này, Nga đương nhiên không bỏ qua. Trước đó Nga đã tổ chức một số cuộc tập trận nhưng không khiến các nước phương Tây khiếp sợ, việc Nga tăng quân ồ ạt lần này cũng có thể là để thể hiện cơ bắp với phương Tây và tránh để xảy ra tình huống tồi tệ hơn.

Có một câu hỏi khác đáng để mọi người xem xét: Tại sao Ukraine dám “lấy trứng chọi đá”? Lẽ nào ông Zelensky sau khi nhận được một số viện trợ đã thực sự nghĩ rằng mình có khả năng đối chọi với Nga? Tất nhiên, ông Zelensky, một diễn viên hài, có thể không có can đảm như vậy. Một số nhà phân tích cho rằng loạt hành động gần đây của ông Zelensky không chỉ nhằm vào Nga và nhằm lấy lòng NATO, mà còn có thể nhằm cứu vãn tỷ lệ cử tri ủng hộ bản thân ông. Trước đây có thông tin cho rằng tỷ lệ ủng hộ ông Zelensky ở trong nước đã giảm xuống dưới mốc 20% so với tỷ lệ ủng hộ hơn 70% khi ông mới lên nắm quyền. Ngoài ra, tỷ lệ ủng hộ đảng chính trị của Zelensky cũng giảm mạnh. Điều này là tin tức không hề tốt chút nào cho ông. Vào thời điểm này, nếu Zelensky có thể kích động xung đột với Nga, điều đó có vẻ hợp lý để chuyển hướng sự chú ý của công chúng. Cách đây không lâu, ông Zelensky đã đích thân ra mặt trận và trao huân chương cho một số binh sĩ, đây có vẻ là một sự phô trương. Tuy nhiên, sau khi Zelensky bắt đầu châm lửa, liệu ông có khả năng dập tắt nó? Nếu sau này tình hình leo thang hơn nữa, Zelensky rất có thể sẽ phải đối mặt với tình huống không thể quay trở lại như trước được.

Tổng thống Ukraine Zelenski (giữa) mặc quân phục ra mặt trận gần biên giới Nga để động viên binh sĩ (Ảnh: QQ).
Tổng thống Ukraine Zelenski (giữa) mặc quân phục ra mặt trận gần biên giới Nga để động viên binh sĩ (Ảnh: QQ).

Cuối cùng, cũng cần chú ý đến một vấn đề, đó là các nước châu Âu đã đóng vai trò gì trong vụ việc này. Mặc dù nhiều nước châu Âu đã tập trận chung với Mỹ, một số nước còn cử tàu chiến và máy bay chiến đấu để gây sức ép với Nga, nhưng liệu họ có thực sự ủng hộ Ukraine trong tương lai? Khả năng này không phải quá lớn. Trước hết, so với Nga, sức mạnh quân sự của các nước châu Âu không mạnh.

Trong cuộc xung đột lần này, nhiều khả năng họ chỉ đóng vai trò kẻ qua đường, chỉ nói không làm, hùa theo Mỹ đánh giặc mồm, tỏ ra là đồng minh. Ngoài ra, giữa các nước châu Âu và Nga còn có mối quan hệ kinh tế sâu sắc, Nga đang cung cấp một lượng lớn khí đốt tự nhiên cho châu Âu. Gần đây, dự án đường ống dẫn khí đốt tự nhiên "Nord Stream 2" đang được xây dựng. Để nhận được một nguồn khí đốt tự nhiên lớn và ổn địnhn từ Nga, các nước Châu Âu có thể sẽ không làm cho mọi chuyện trở nên quá căng.

Cuối cùng, mặc dù gần đây Ukraine đã nuôi hy vọng gia nhập NATO, nhưng nếu nguyện vọng của Ukraine trở thành hiện thực, thì NATO sẽ phải trực tiếp đối mặt với hàng loạt vấn đề gai góc, trong đó có các vấn đề miền Đông Ukraine và Crimea vốn rất nan giải. Do đó, các nước châu Âu có thể sẽ không quá nỗ lực trong thời gian tới. Tờ Financial Times của Anh cho biết, Mỹ chủ trì việc mời Ukraine và Gruzia gia nhập NATO, nhưng nhiều nước Tây Âu do Đức đứng đầu đã phản đối việc NATO tiếp tục mở rộng về phía đông. Trong phe ủng hộ Ukraine chỉ có Mỹ, Canada và Vương quốc Anh.

Phải nói rằng, hành động của cả Ukraine và Nga lần này không hề bình thường, quân số mà hai bên huy động cũng đã thay đổi nhận thức của dân chúng, nếu Mỹ tiếp tục tiếp lửa, khả năng xảy ra chiến tranh e rằng có thể sẽ tăng lên mạnh mẽ.

Nga đã triển khai các xe robot chiến đấu tới biên giới Ukraine sẵn sàng tham chiến (Ảnh: Sohu).

Nga đã triển khai các xe robot chiến đấu tới biên giới Ukraine sẵn sàng tham chiến (Ảnh: Sohu).

Trang web chính thức của Bộ Quốc phòng Nga ngày 13/4 đăng bài có tiêu đề "Shoigu tổ chức cuộc họp làm việc khi thị sát Hạm đội Phương Bắc ở Bắc Morsk, Nga", cho biết cùng ngày Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố: "Hạm đội Phương Bắc của Nga có thể chống lại một cách hiệu quả mọi thách thức và mối đe dọa hiện có ở khu vực gần Bắc Cực".

Ông Shoigu nói: "Bởi vì tại thời điểm này, Mỹ và NATO đang đưa các lực lượng hải quân và lục quân tới biên giới Nga gần Bắc Cực, chủ yếu ở khu vực Biển Đen và Baltic. Họ đã gia tăng mật độ các cuộc tập trận, mở rộng và cập nhật mức độ hiện đại hóa của cơ sở hạ tầng quân sự".

Ông nhấn mạnh: "Sự tranh giành giữa các nước lớn trên thế giới về tài nguyên và các tuyến đường vận chuyển ở Bắc Băng Dương đang ngày càng gay gắt. Mỹ và NATO sẽ đồn trú 40.000 binh sĩ và 15.000 vũ khí, thiết bị quân sự gần biên giới Nga, bao gồm cả lực lượng không quân chiến lược".

Ông Shoigu chỉ rõ: "Kể từ đầu năm 2021, Mỹ đã tăng gấp đôi lực lượng trinh sát đường không ở khu vực này (Biển Đen và Biển Baltic), trong khi hoạt động trinh sát đường biển đã tăng gấp rưỡi. NATO tiến hành tới 40 cuộc diễn tập mỗi năm" và rõ ràng là nhằm vào Nga. Cuộc tập trận 'Những người bảo vệ châu Âu 2021' sẽ được tổ chức vào mùa xuân năm 2021 cũng là cuộc tập trận lớn nhất của NATO trong 30 năm qua".

Ông Shoigu công bố: “Là một phần của các hoạt động rà soát sự sẵn sàng của Nga, quân đội Nga trong vòng ba tuần đã chuyển hai quân đoàn và ba đơn vị đổ bộ đường không đến biên giới phía tây của Nga. Họ sẽ tiến hành các cuộc tập trận kéo dài hai tuần ở đó”.

Ukraine cáo buộc Nga đã triển khai hơn 40.000 quân ở Crimea và ở biên giới phía đông Ukraine. Trong các cuộc xung đột liên tiếp gần đây, ít nhất 26 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng. Iuliia Mendel, người phát ngôn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenski, hôm 12/4 cho biết ông Zelenski đã yêu cầu đối thoại với ông Putin để thảo luận về tình hình ở Donbass, nhưng "chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi; hy vọng điều này không có nghĩa là Nga đang từ chối đối thoại".

Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba ngày 13/4 đã đến thăm Brussels và gặp Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cùng ngày cũng đã tới Brussels và có cuộc gặp với Kuleba. Ba người đã thảo luận về tình hình ở Donbass.

Ngày 13/4, ông Joe Biden đã gọi điện cho ông Putin đề nghị tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nga để đối thoại (Ảnh: Đa Chiều).

Ngày 13/4, ông Joe Biden đã gọi điện cho ông Putin đề nghị tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nga để đối thoại (Ảnh: Đa Chiều).

Trong cuộc họp báo chung, ông Stoltenberg cho biết, Nga đã điều hàng chục nghìn binh sĩ sẵn sàng tham gia chiến đấu tới biên giới Ukraine trong những tuần gần đây. Đây là đợt triển khai quân sự lớn nhất của Nga kể từ khi Nga sáp nhập khu vực Crimea vào Nga năm 2014.

Ông Dmitry Kozak, Phó giám đốc Văn phòng Tổng thống Nga, ngày 8/4 đã cảnh báo Kiev: “Nếu một chiến dịch quân sự quy mô lớn được triển khai ở Donbass, điều đó có nghĩa là sự khởi đầu của sự kết thúc đối với Ukraine. Tôi nghĩ trong nội bộ Ukraine cũng có đánh giá này. Tức là, bắt đầu chiến tranh có nghĩa là bắt đầu sự kết thúc của Ukraine. Điều này là Ukraine tự bắn vào chính mình, nhưng không phải vào chân, mà là bắn vào huyệt Thái dương”.

Ngoài ra, trong diễn biến mới nhất, ngày 13/4 Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gọi điện lần thứ hai cho ông Putin kể từ khi vào Nhà Trắng để thảo luận về tình hình Ukraine. Nhà Trắng cho biết, ông Biden đề xuất tổ chức hội nghị thượng đỉnh ở nước thứ ba trong vài tháng tới để đối thoại.

Điện Kremlin thông báo rằng ông Biden bày tỏ mong muốn bình thường hóa quan hệ Nga-Mỹ. Liệu có phải tình hình đã được tháo gỡ sau khi bị đẩy lên đến đỉnh điểm căng thẳng? Chúng ta hãy chờ xem!