Tờ Thời báo Tài chính (Anh) ngày 21/6 cho hay Nhật Bản điều tàu chiến lớn nhất - tàu sân bay trực thăng Izumo đến Biển Đông thực hiện nhiệm vụ để tăng cường quan hệ với các nước Đông Nam Á - những nước được coi là đồng minh tiềm năng, nỗ lực ngăn chặn tham vọng lãnh thổ trên biển của Trung Quốc ở khu vực này.
Sĩ quan đến từ 10 nước Đông Nam Á đã lên tàu sân bay trực thăng Izumo tiến hành tuần tra Biển Đông.
Hoạt động đi lại trên Biển Đông trong thời gian 4 ngày này có ý nghĩa tượng trưng rất cao. Trước đó, Nhật Bản đã đạt được một loạt thỏa thuận song phương, cung cấp "viện trợ quân sự" cho các nước như Việt Nam và Philippines.
Tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và biển Hoa Đông ngày càng leo thang có liên quan chặt chẽ đến việc Trung Quốc tìm cách loại bỏ vị thế "bá quyền quân sự" từ lâu của Mỹ ở Thái Bình Dương.
Ngày 21/6, Tang Siew Mun, người phụ trách Trung tâm nghiên cứu ASEAN, Viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak, Singapore cho rằng "ngoại giao quốc phòng gần đây" của Nhật Bản là một biện pháp tích cực, sẽ nhận được hoan nghênh ở khu vực này.
"Nó phản ánh trong thời khắc quan trọng - mối quan tâm của Mỹ ở khu vực này bị nghi ngờ lớn, Nhật Bản có ý nguyện chính trị từng bước xây dựng mình thành một lực lượng an ninh của Đông Nam Á" - Tang Siew Mun nói.
Sĩ quan đến từ 10 nước ASEAN đã lên tàu sân bay trực thăng Izumo Nhật Bản tiến hành tuần tra Biển Đông - vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố đòi chủ quyền hầu như toàn bộ.
Nội dung hoạt động sẽ gồm có hội thảo về luật biển - điều này rõ ràng là tập trung vào phán quyết mà Trung Quốc từ chối thừa nhận, được Tòa trọng tài ở The Hague, Hà Lan đưa ra vào ngày 12/7/2016. Phán quyết này đã phủ định yêu sách lãnh thổ chính của Trung Quốc ở Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản bà Tomomi Inada cho biết: "Thông qua hội thảo luật quốc tế và quan sát huấn luyện, diễn tập, chúng tôi đang nỗ lực đạt được một đồng thuận để thực hiện pháp trị và ủng hộ cấu trúc an ninh trên biển".
Hoạt động diễn tập này là một phần trong một chiến lược to lớn hơn của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhằm ủng hộ đồng minh Mỹ, làm cho người dân Nhật Bản quen với vai trò tích cực hơn ở nước ngoài và thể hiện Nhật Bản sẽ quyết tâm ngăn chặn các hành động bành trướng trên biển của Trung Quốc.
Mục đích chuyến thăm lần này là để làm sâu sắc quan hệ an ninh song phương với các nước có tầm quan trọng chiến lược ở Đông Nam Á. Nhật Bản đã viện trợ nhiều tàu tuần tra cho Cảnh sát biển Việt Nam và Philippines để hỗ trợ hai nước này đối phó với các mối đe dọa trên biển, thực thi pháp luật trên biển.
Điều đáng chú ý là, Trung Quốc cũng tăng cường quan hệ với ASEAN. Từ lâu, Trung Quốc luôn có quan hệ khăng khít với Campuchia.
Trong khi đó, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã thay đổi chính sách "thù địch" của chính quyền tiền nhiệm đối với Trung Quốc, ca ngợi nhà lãnh đạo Trung Quốc ông Tập Cận Bình, đồng thời đạt được thỏa thuận với Trung Quốc trên rất nhiều lĩnh vực từ đầu tư hạ tầng cơ sở đến xuất khẩu hoa quả nhiệt đới.
Một số nước Đông Nam Á thực hiện chính sách "ngoại giao cân bằng", một phần nguyên nhân là lập trường đối với khu vực Thái Bình Dương của chính phủ Mỹ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump hiện vẫn còn chưa rõ.
Điều đáng chú ý là trong một hội nghị cấp cao khu vực do Philippines tổ chức vào tháng 4/2017, các nhà lãnh đạo ASEAN đã giữ quan điểm kiềm chế, không tiến hành phê phán đối với tham vọng lãnh thổ vô lý, phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.