Điều phối ghép tạng “dậm chân tại chỗ” chưa chịu chuyển đổi số

VietTimes – Nhiều năm qua, cứ mỗi ca ghép tạng xuyên Việt lại là một lần các bác sĩ phập phồng những nỗi lo. Trong thời chuyển đổi số mạnh mẽ như thế này, hệ thống điều phối ghép tạng quốc gia vẫn chưa tận dụng công nghệ 4.0?
Các BS tại BV Chợ Rẫy vừa ghép tim thành công cho một bệnh nhân nam, đã hồi phục, khỏe mạnh (Ảnh: BVCR)
Các BS tại BV Chợ Rẫy vừa ghép tim thành công cho một bệnh nhân nam, đã hồi phục, khỏe mạnh (Ảnh: BVCR)

Những ca ghép tạng vô cùng căng thẳng

Mới đây, BV Chợ Rẫy vừa ghép tim thành công cho một bệnh nhân (BN) nam, đã hồi phục, khỏe mạnh, vừa được xuất viện.  

BS Nguyễn Tất Đạt (BV Chợ Rẫy) cho biết: “BN nam (SN1973, nhóm máu A) được phát hiện tim 8 năm trước và đang điều trị tại BV Thống Nhất. Đến năm 2018, BN được chuyển vào điều trị tại Vin Mec, thường xuyên phải nhập viện vì khó thở, suy tim. Đến tháng 5/2020, BN được chuyển tới Chợ Rẫy với chẩn đoán suy tim giai đoạn cuối, giãn cơ tim và được các bác sĩ hội chẩn liên khoa với chỉ định ghép tim. Ngày 15/5/2020, nhờ trái tim của BN nữ nhóm máu O bị chết não vì tai nạn giao thông từ Hà Nội đưa vào, BN nam đã được ghép tim thành công. Chức năng tim của BN nam hiện nay ổn định, BN có thể tham gia các sinh hoạt sống hàng ngày, đáp ứng rất tốt với các điều trị và đã được xuất viện”.

“BN nam là một thợ hồ, vợ là công nhân ngành may, gia đình có hai con nhỏ. Chi phí cho ca ghép tim gần 500 triệu đồng, bảo hiểm xã hội đã chi trả gần 200 triệu đồng, còn lại thì gia đình BN chi trả” –  BS Nguyễn Thái An – Trưởng khoa Phẫu thuật tim (BV Chợ Rẫy) cho biết.

“Số tiền viện phí chỉ có thể tính tương đối vì với mỗi ca phải đều có những yếu tố khác nhau. Nếu sau khi ghép tim xong phải điều trị với kỹ thuật ECMO thì chi phí có thể lên từ 1 tỉ tới 1,5 tỉ đồng”, PGS.TS Trần Quyết Tiến – Phó Giám đốc BV Chợ Rẫy cho biết.

Mỗi ca ghép tim đều vô cùng căng thẳng (Ảnh: BVCR)
Mỗi ca ghép tim đều vô cùng căng thẳng (Ảnh: BVCR) 

Không riêng chuyện chi phí cao, mỗi lần ghép tạng, đặc biệt là những ca ghép tạng xuyên Việt, các BS vô cùng căng thẳng. Nhiều ca, ekip BS phải làm việc trắng đêm. Ở BV Chợ Rẫy, có BS Ngô Bảo Tịnh nhiều lần phải ra vào HN-SG để vận chuyển tạng về TP.HCM trong những chuyến đi buộc phải tính toán tới từng giây.

Sau khi tạng được bóc tách, đưa vào thiết bị chuyên dụng, vận chuyển ra máy bay, phải được lực lượng an ninh hộ tống trên suốt quãng đường từ BV ra tới tận chân cầu thang lên máy bay chuyến sớm nhất, để đảm bảo thời gian ghép.

Các BS cho biết theo nguyên tắc khoa học, thì chỉ nên trữ tạng trong thời gian tối đa là 3-4 tiếng đồng hồ, nhưng với ca ghép tim cho BN nam vừa rồi thì thời gian từ lúc lấy tạng đến lúc ghép đã lên tới 6 tiếng.

“Hiện tại, chúng tôi chỉ có thể cố gắng vận chuyển và hạn chế tối đa thời gian không hợp lý. Sáu tiếng vận chuyển tạng để ghép cho bệnh nhân nam vừa rồi, chúng tôi không có 1 phút nào thừa. Lực lượng công an của cả hai đầu Hà Nội và TP.HCM, Cảng vụ Hàng không, An ninh sân bay, hãng Hàng không Vietnam Airline và Viet Jet Air đều hỗ trợ tối đa, từ cửa phòng mổ tới chân cầu thang máy bay” – PGS.TS Trần Quyết Tiến – Phó Giám đốc BV Chợ Rẫy cho biết.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê -  Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - cho biết: “Hai chiếc thùng chuyên dụng là món quà đặc biệt của Bộ trưởng Tô Lâm trị giá 5 tỉ đồng, tặng cho BV Việt Đức và đang được dùng chung để chuyển tạng đi các nơi cho người nhận. Trái tim ghép cho BN nam vừa rồi cũng được vận chuyển bằng chiếc thùng này”.

Chiếc thùng vận chuyển đặc biệt mang trái tim từ HN vào TP.HCM (Ảnh: BVCR cung cấp)
Chiếc thùng vận chuyển đặc biệt mang trái tim từ HN vào TP.HCM (Ảnh: BVCR cung cấp)

BV Chợ Rẫy là trung tâm ghép tạng lớn của phía Nam, còn BV Việt Đức là cơ sở ghép tạng lớn của cả nước.

Các BS cho biết hầu như tất cả các BV trên toàn quốc hiện nay đều tham gia vào mạng lưới ghép tạng. Tuy nhiên, mỗi ca ghép tạng vẫn vô cùng căng thẳng, bởi thông tin giữa người cho và người nhận tạng không hẳn lúc nào cũng thuận lợi.

Điều phối ghép tạng bằng công nghệ vẫn… dậm chân tại chỗ

PGS.TS Lương Ngọc Khuê còn nhớ đã có trường hợp người cho tạng ở BV Chợ Rẫy, còn người nhận tại Hà Nội, và các BS đã phải làm công tác tư tưởng cho người nhà của bệnh nhân hiến tạng rất kỹ lưỡng mới đồng ý để mang tạng đi. Trong khi đối với mọi ca ghép tạng, thì vấn đề thời gian luôn vô cùng căng thẳng.

BS Nguyễn Thái An – Trưởng khoa Phẫu thuật tim (BV Chợ Rẫy) cho biết thêm: “Trong số 5 ca ghép tim đã thực hiện tại BV Chợ Rẫy, chỉ có 1 ca là BN đang điều trị tại BV Chợ Rẫy”.  

“Ngoài ca ghép tim vừa thành công, bốn ca ghép tim trước đó tại BV Chợ Rẫy được thực hiện với sự hỗ trợ của BV Việt Đức, trong đó có hai ca phẫu thuật được ghép tim từ người cho chết não ở Hà Nội vận chuyển vào, một trường hợp ở BV Đa khoa Đồng Nai và một trường hợp người hiến là bệnh nhân chết não ở BV Chợ Rẫy” – BS Nguyễn Thái An cung cấp chi tiết.

Bệnh nhân nam được ghép tim (người ngồi) và vợ tại BV Chợ Rẫy (Ảnh: BVCR)
Bệnh nhân nam được ghép tim (người ngồi) đã có thể sinh hoạt bình thường (Ảnh: BVCR)


“Nếu người cho chết não đã được phẫu thuật lấy tạng, mà không có người nhận thì chúng tôi phải báo lên Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia để điều phối cho các bệnh nhân khác đã đăng ký nhận” – BS Trần Quyết Tiến cho biết.

Trước những đánh giá cho rằng việc điều phối ghép tạng đang “dậm chân tại chỗ” ở mức quá thủ công như thế này, dẫn tới những căng thẳng, vất vả; đến bao giờ mới có thể tận dụng công nghệ thông tin của thời đại 4.0 để “cởi” những “nút thắt” của điều phối ghép tạng, BS Trần Quyết Tiến khẳng định: “Chúng tôi đang hoàn thiện dần dần”.

Trả lời về vấn đề này, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Chủ tịch Hội đồng thẩm định các ca ghép tạng Việt Nam - nói: “Điều phối ghép tạng là vấn đề rất lớn. Để có nguồn hiến tạng không hề dễ. Làm sao để xác định được BN chết não, đưa vào danh sách hiến tạng, chứ không đơn giản là cứ “đánh trống ghi tên”. Nhưng nói thế không có nghĩa là ngành y tế không cần cố gắng hơn nữa. Qua dịch bệnh Covid-19 vừa rồi, chúng ta đã rút ra kinh nghiệm là phải sử dụng công nghệ thông tin nhiều hơn nữa. Tới đây, ngành y sẽ cải tiến, tích hợp công nghệ để phù hợp hơn trong thời đại 4.0”.