Điều khiến ví điện tử Gpay trở nên khác biệt...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Không 'đốt tiền' để chiếm lĩnh thị trường, ví điện tử Gpay lựa chọn khai thác thị trường 'ngách', tập trung vào hệ sinh thái 30 triệu người dùng của G-Group, với sự đồng hành của tập đoàn KB Financial (Hàn Quốc).
Ông Nguyễn Thuần Chất - Giám đốc điều hành CTCP Thanh toán G

Ông Nguyễn Thuần Chất - Giám đốc điều hành CTCP Thanh toán G

Tháng 1/2021, CTCP Thanh toán G (Gpay) – thành viên tập đoàn công nghệ G-Group – công bố nhận được khoản đầu tư từ Tập đoàn tài chính KB ở vòng đầu tư thứ nhất (series A).

Khoản đầu tư từ tập đoàn tài chính lớn bậc nhất Hàn Quốc ghi dấu chặng đường phát triển mới của Gpay sau gần 1 năm đơn vị này được NHNN cấp giấy phép trung gian thanh toán.

Đáng chú ý, 2021 cũng là năm Gpay ghi nhận những bước tiến đáng kể trong hoạt động kinh doanh, với tổng doanh thu tăng trưởng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm trước.

Đằng sau sự thành công của Gpay là sự khác biệt về chiến lược, thị trường và công nghệ. Để làm rõ những nội dung này, VietTimes đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thuần Chất – Giám đốc điều hành kiêm Thành viên Hội đồng quản trị Gpay.

PV VietTimes: Trên thị trường hiện có tới hơn 40 công ty cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán. Không phải là một trong những đơn vị đầu tiên tham gia lĩnh vực này, song Gpay đã ghi nhận những bước phát triển đáng ghi nhận trong thời gian qua. Vậy Gpay có chiến lược gì để tạo ra khác biệt và thu hút khách hàng?

Ông Nguyễn Thuần Chất: Gpay đã biết tận dụng nguồn tài nguyên sẵn có với hơn 30 triệu người dùng của hệ sinh thái G-Group. Đây là nền tảng rất tốt giúp chúng tôi phát triển dịch vụ trung gian thanh toán, cũng là chiến lược khác biệt với rất nhiều đơn vị khác.

Bên cạnh đó, Gpay có thêm những sản phẩm mang tính chất khác biệt (unique selling point) là điểm nhấn để chúng tôi chiếm lĩnh thị phần trong lĩnh vực trung gian thanh toán.

Gpay cũng được NHNN cấp giấy phép hoạt động cung ứng trung gian thanh toán với 3 dịch vụ: cổng thanh toán điện tử, ví điện tử, hỗ trợ thu hộ/ chi hộ.

Mới đây, Gpay đã cho ra mắt sản phẩm Open Wallet – giải pháp cung cấp ví điện tử mở từ di động riêng biệt cho doanh nghiệp và cho phép sử dụng để thanh toán các dịch vụ ngay trên ứng dụng của doanh nghiệp.

Khách hàng sử dụng Open Wallet sẽ không phải làm việc thông qua nhiều giải pháp thanh toán khác. Bên cạnh đó, họ cũng sẽ sở hữu một ví điện tử riêng.

Đồng thời, khách hàng của doanh nghiệp cũng được hỗ trợ tích hợp thanh toán đầy đủ ngay trên ứng dụng đã có mà không cần tải mới ứng dụng Gpay.

Ví Gpay đã áp dụng những công nghệ nào?

Trong hệ sinh thái của G-Group có HANET và Ginnovations, chuyên về công nghệ cao và IoT (Internet of Things). Gpay đang phối hợp với cả 2 công ty để trong tương lai sẽ cho ra mắt những sản phẩm AI phục vụ cho mảng thanh toán.

Hiện tại, Gpay đang sử dụng Big Data để phân tích dữ liệu người dùng, hiểu được hành vi của khách hàng, từ đó gợi ý cho người dùng những dịch vụ phù hợp trên nền tảng Open Wallet cũng như Ví điện tử Gpay.

Công tác bảo mật dữ liệu tại Gpay được thực hiện như thế nào khi ngày nay rất nhiều khách hàng bị chia sẻ thông tin cá nhân trên các diễn đàn hacker?

Với trung gian thanh toán nói chung và Gpay nói riêng, việc đạt chứng nhận bảo mật là rất quan trọng. Gpay được cấp chứng chỉ bảo mật theo đúng quy trình của PCI DSS. Bên cạnh đó, Gpay cũng mã hóa tất cả dữ liệu khách hàng và phân quyền theo cấp độ, yêu cầu có tài khoản mới có thể truy cập.

Ngoài ra, Gpay cũng có sự hỗ trợ của VSEC - công ty về bảo mật top 3 thị trường Việt Nam trực thuộc Hệ sinh thái G-Group. Những việc nâng cấp sản phẩm hay ra đời tính năng mới, chúng tôi đều có dịch vụ pentest để kịp thời phát hiện và sửa chữa những lỗ hổng của Gpay. Việc phối hợp như vậy sẽ có lợi thế hơn rất nhiều so với những công ty khác.

Ông có thể cho biết chiến lược phát triển của Gpay trong những năm tới?

Chúng tôi vẫn tập trung phát triển 3 mảng dịch vụ Gpay được cấp phép. Về ví điện tử chúng tôi vẫn định hướng phát triển theo hướng ví điện tử mở, mô hình B2B2C.

Còn về sản phẩm hỗ trợ thu hộ/chi hộ, chúng tôi đang có những tính năng nổi trội, hoàn toàn có tính cạnh tranh trên thị trường hiện nay. Bên cạnh đó, Gpay cũng đang nghiên cứu một hệ sinh thái dành riêng cho ví điện tử mở và dự định sẽ bùng nổ trong năm 2023.

Gpay là đơn vị lần đầu tham gia Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2022. Ông có đánh giá như thế nào về giải thưởng này?

Khi nhận được thông báo Gpay đã đạt được giải thưởng chuyển đổi số sau 2 vòng đánh giá, chúng tôi cảm thấy rất vui mừng vì đây là giải thưởng rất uy tín, được bảo trợ bởi Bộ Thông tin và Truyền thông.

Điều này chứng minh rằng Hội đồng Giám khảo đã đánh giá cao ý tưởng và thế mạnh của Open Wallet - chính là sản phẩm phát triển cốt lõi của Gpay.

Đây là tiền đề và động lực lớn to lớn của đội ngũ Gpay để có thể nỗ lực tối ưu sản phẩm hơn nữa./.