Điều gì sẽ diễn ra trong chuyến thăm Mỹ của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc tới đây?

VietTimes -- Hôm 27.10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông James Mattis đã xác nhận với báo chí, người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa sẽ tới thăm Mỹ. Thời điểm diễn ra chuyến thăm được cho là “rất có ý nghĩa” vì hai nước đang ở trong cuộc chiến thương mại và chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ Donald Trump – Tập Cận Bình. Tuy nhiên, xét từ góc độ trong nước Mỹ thì ông James Mattis đang rất yếu thế, hoạt động giao lưu quân sự Mỹ - Trung thời gian qua cũng chịu ảnh hưởng lớn của cuộc chiến mậu dịch. Liệu việc ông James Mattis mời người đồng cấp Trung Quốc sang thăm có mang lại được thay đổi gì không?
Chuyến thăm của ông Ngụy Phượng Hòa tới Washington sắp tới đang rất được dư luận quan tâm.
Chuyến thăm của ông Ngụy Phượng Hòa tới Washington sắp tới đang rất được dư luận quan tâm.

Ông James Mattis đón người đồng cấp Trung Quốc trong thế yếu?

Hồi tháng 6 năm nay, ông James Mattis đã tới thăm Trung Quốc nhưng trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại gây trở ngại tới việc phát triển toàn bộ mối quan hệ hai bên. Các động thái Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, máy bay ném bom và tàu chiến Mỹ tuần tra ở Biển Đông và eo biển Đài Loan, thêm việc Donald Trump quyết định trừng phạt quân đội Trung Quốc mua máy bay SU-35 và tên lửa phòng không S-400 của Nga…cũng khiến quan hệ quân sự giữa hai nước nhanh chóng trở nên xấu đi.

Một tháng trước đây, chính phủ Trung Quốc còn hủy bỏ một số hạng mục hợp tác. Ví dụ, cuối tháng 9, Trung Quốc đã hủy bỏ cuộc đối thoại an ninh giữa Bộ trưởng Quốc phòng hai nước tại Bắc Kinh vốn định diễn ra vào trung tuần tháng 10. Tờ The New York Times của Mỹ thậm chí còn coi việc chuyến đi Bắc Kinh bị hủy đó của ông James Mattis là “dấu hiệu mới của việc leo thang tình hình căng thẳng giữa hai nước Mỹ - Trung”.

Ngày 22.9, trước việc Mỹ tuyên bố trừng phạt Bộ Phát triển trang bị Quân ủy Trung Quốc và người phụ trách cơ quan này, quân đội Trung Quốc đã triệu hồi Tư lệnh Hải quân Thẩm Kim Long đang ở Mỹ tham dự Hội thảo về lực lượng trên biển quốc tế lần thứ 23 và có kế hoạch ở lại thăm chính thức Mỹ về nước. Cuộc Hội nghị Đối thoại lần thứ 2 Bộ liên hợp tham mưu liên hợp giữa 2 quân đội dự định diễn ta tại Bắc Kinh từ 25 đến 27.9 cũng bị hủy hỏ. Sau đó, Trung Quốc còn từ chối yêu cầu của Mỹ cho tàu chiến cập bến Hongkong.

Tất cả những động thái đó cho thấy, chính phủ và quân đội Trung Quốc đang thể hiện tư thế cứng rắn trước quân đội Mỹ.

Ngày 25.10, ông Ngô Khiêm, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã xác nhận với báo chí: ông James Mattis khi tới Singapore tham dự Hội nghị ADMM+ và có cuộc gặp gỡ 90 phút với ông Ngụy Phượng Hòa, đã mời ông Ngụy sang thăm Mỹ.

Trang tin Hoa ngữ Đa Chiều (DWNews) cho rằng, qua việc ông James Mattis mời ông Ngụy Phượng Hòa thăm Mỹ có thể thấy, hai nước vẫn chú trọng giao lưu về quân sự với trọng điểm là kiểm soát tình hình căng thẳng, không để xảy ra xung đột. Thế nhưng, Tổng thống Donald Trump nhìn nhận quan hệ Mỹ - Trung từ góc độ thương mại, có vẻ có cách nhìn khác về kiểu đối thoại và giao lưu thế này. Hiện vẫn chưa thể xác định được ông James Mattis được ông Donald Trump giao quyền đến mức nào.

Ngày 14.10, khi trả lời phỏng vấn chương trình “60 phút” của đài truyền hình CBS ông Trump đã nói, ông James Mattis ở mức độ nào đó là người của Đảng Dân chủ, có quan hệ rất tốt với ông nhưng lại bổ sung: “Có lẽ ông ấy sắp ra đi”. Hai hôm sau, ông James Mattis phản ứng lại, nói mình vẫn ủng hộ ông Trump 100%, cũng sẽ tiếp tục làm việc, không nói đến việc ông có rời bỏ chức vụ hay không.

Thực ra, tin đồn ông James Mattis dự định từ chức đã có từ lâu, do nhiều nguyên nhân. Ví dụ, ông James Mattis công khai phản đối việc ông Trump duyệt binh, phản đối xây dựng lực lượng tác chiến không gian, phản đối đưa quân đội đến đóng ở biên giới với Mexico, phản đối chế độ quân dịch phân biệt giới tính. Ông James Mattis cũng phản đối việc rút khỏi Hiệp định hạt nhân với Iran. Ngoài ra, cuộc đấu quyền lực trong nội bộ Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng cũng khiến ông James Mattis rất khó cân bằng lợi ích giữa các bên.

Tại Washington, giới truyền thông đều chú ý đến việc ông James Mattis để bảo vệ quyền phát ngôn của mình trong Hội đồng An ninh Quốc gia đã thường dùng bữa với Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Bolton và Ngoại trưởng Mike Pompeo.

Tại Diễn đàn Hương Sơn, Bắc Kinh mới đây, ông Ngụy đã phê phán Mỹ gây ra tình hình căng thẳng,làm tổn hại quan hệ Trung – Mỹ
Tại Diễn đàn Hương Sơn, Bắc Kinh mới đây, ông Ngụy đã phê phán Mỹ gây ra tình hình căng thẳng,làm tổn hại quan hệ Trung – Mỹ 

Thế yếu của ông James Mattis tựa hồ còn thể hiện qua thái độ cứng rắn của chính phủ Trung Quốc và ông Ngụy Phượng Hòa. Tại Diễn đàn Hương Sơn, Bắc Kinh mới đây, ông Ngụy đã phê phán Mỹ gây ra tình hình căng thẳng, làm tổn hại quan hệ Trung – Mỹ, đi ngược trào lưu lịch sử. Ông Ngụy Phượng Hòa còn yêu cầu Mỹ “sửa chữa sai lầm, đình chỉ gây tổn hại lợi ích của Trung Quốc”.

Tóm lại, quan hệ quân sự trong bầu không khí chung của quan hệ Trung – Mỹ hiện nay sẽ không thay đổi theo hướng tốt lên, cũng chẳng xấu hơn nữa. Chiến tranh thương mại ảnh hưởng đến quan hệ quân sự Trung – Mỹ, nhưng cũng không vì sự giao lưu quân sự Trung – Mỹ mà trở nên dịu đi.

Có điều, cứ mỗi khi diễn ra gặp gỡ giữa nguyên thủ hai nước là quan hệ quân sự hai bên lại tất nhiên cải thiện. Vào cuối tháng 11, trước khi diễn ra công tác chuẩn bị của hai chính phủ cho cuộc gặp gỡ Tập Cận Bình – Donald Trump, sự trao đổi về ngoại giao và an ninh giữa hai nước tất yếu sẽ được khởi động lại. Việc ông James Mattis mời ông Ngụy Phượng Hòa sang thăm Mỹ cũng là một nội dung của hoạt động chuẩn bị đó. Chuyến thăm này cũng nhằm truyền đi thông tin, đó là quan hệ Mỹ - Trung không chỉ là quan hệ mậu dịch mà còn bao gồm quan hệ quân sự. Cuộc gặp gỡ tiếp sau đây giữa hai ông Donald Trump và Tập Cận Bình cũng không thể chỉ là cuộc hội đàm riêng về vấn đề mậu dịch.

Những dụng ý của hai bên qua chuyến thăm

Theo Đa Chiều ngày 29.10, khi nói về chuyến thăm sắp tới của ông Ngụy Phượng Hòa, ông James Mattis bày tỏ: “Cạnh tranh chiến lược không có nghĩa là thù địch. Tháng trước tôi và ông Ngụy gặp gỡ ở Bắc Kinh, một tuần trước 2 lần gặp nhau ở Singapore. Tuần sau ông ấy sẽ tới Washington, chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận”. Theo tin báo chí thì khi hai người gặp nhau ở Singapore, không khí khá hài hòa.

Cùng với việc gia tăng trong cuộc chiến mậu dịch, quan hệ quân sự cũng ngày một căng thẳng. Tháng 9, sau khi lấy cớ quân đội Trung Quốc mua vũ khí Nga để trừng phạt Bộ phát triển trang bị Quân ủy và cá nhân tướng Lý Thượng Phúc, ông Trump còn tuyên bố bán 330 triệu USD vũ khí cho Đài Loan và chính thức phê chuẩn vào tháng 10.

Việc Mỹ đưa 2 tàu chiến đi xuyên qua eo biển Đài Loan khiến Trung Quốc rất tức giận.
Việc Mỹ đưa 2 tàu chiến đi xuyên qua eo biển Đài Loan khiến Trung Quốc rất tức giận.

Sang tháng 10, ông Trump tuyên bố rút khỏi Hiệp ước tên lửa tầm trung (INF) với Nga. Trong đó, ông Trump nói rõ, Mỹ cần đối phó với việc Trung Quốc đang phát triển và bố trí tên lửa tầm trung và tầm ngắn quy mô lớn. Ngoài ra, Mỹ còn cho hai tàu chiến đi xuyên qua eo biển Đài Loan, hoạt động “tuần tra vì tự do hàng hải” (FONOP) trên Biển Đông cũng liên tiếp diễn ra. Những điều đó khiến Bắc Kinh rất tức giận.

Chính vì vậy, cuộc đối thoại về ngoại giao và an ninh Trung – Mỹ trong tháng 10 bị hủy bỏ, ông James Mattis cũng không thể thăm Trung Quốc theo kế hoạch. Nay Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đột nhiên thăm Mỹ. Chỉ trong thời gian ngắn, hai người gặp nhau 2 lần đã phá vỡ cục diện bế tắc trong đối thoại quân sự, khiến người ta ngạc nhiên.

Giới quan sát cho rằng, cuộc gặp giữa hai ông James Mattis và Ngụy Phượng Hòa tại Washington bị tác động bởi các nhân tố:  

Thứ nhất, ông James Mattis ở vào thế yếu mong sẽ bù đắp những ảnh hưởng bất lợi do cuộc đối thoại về ngoại giao và an ninh bị hủy bỏ.

Như trên đã nói, cách đây không lâu, ông Trump từng bất ngờ ám chỉ ông James Mattis có khả năng rời bỏ Lầu Năm Góc và nói ông “giống như một người của đảng Dân chủ”. Quan điểm giữa ông James Mattis và Donald Trump xung đột trong nhiều vấn đề nên tình cảnh của ông hiện nay đang ở vào thế yếu trong Nhà Trắng. Trong bối cảnh không có được sự ủng hộ đủ mức của Nhà Trắng, ông James Mattis còn đối mặt với nhiều mâu thuẫn với Trung Quốc, nên lúc này làm dịu được tình hình căng thẳng qua một cuộc gặp gỡ phù hợp với nhu cầu của ông hiện tại.

Chuyến thăm Mỹ của ông Ngụy Phượng Hòa được cho là mở đường cho cuộc gặp gỡ cấp cao Tập Cận Bình - Donald Trump bên lề Hội nghị lãnh đạo G20 tại Buenos Aires vào cuối tháng 11 tới đây.
Chuyến thăm Mỹ của ông Ngụy Phượng Hòa được cho là mở đường cho cuộc gặp gỡ cấp cao Tập Cận Bình - Donald Trump bên lề Hội nghị lãnh đạo G20 tại Buenos Aires vào cuối tháng 11 tới đây.

Thứ hai, hai ông Tập Cận Bình và Donald Trump sẽ gặp gỡ bên lề Hội nghị cấp cao G20 tại Argentina vào cuối tháng 11. Việc gặp mặt của hai Bộ trưởng Quốc phòng sẽ là sự mở đường cho cuộc gặp gỡ giữa hai vị nguyên thủ.

Trong tình hình quan hệ Mỹ - Trung đang căng thẳng hiện nay, dư luận quốc tế rất quan tâm đến cuộc gặp Tập Cận Bình – Donald Trump, trông chờ nó sẽ giúp làm hòa dịu và tháo gỡ cục diện bế tắc hiện nay. Thế nhưng, những căng thẳng về mậu dịch, Biển Đông và eo biển Đài Loan cần phải được đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc, không thể hoàn toàn giải quyết bằng cuộc gặp giữa hai nguyên thủ. Nếu 2 Bộ trưởng Quốc phòng khi hội đàm tỏ rõ thiện chí, thậm chí tìm ra đột phá khẩu cho thỏa thuận chung, sẽ là bước chuẩn bị tích cực cho cuộc gặp gỡ Tập Cận Bình – Donald Trump.

Thứ ba, xét từ phía Bắc Kinh, nội bộ Trung Quốc cần những tín hiệu tích cực của việc tiếp tục giao lưu Trung – Mỹ.

Bất kể đối với chiến tranh thương mại hay sự uy hiếp của Mỹ trên các mặt khác, giới quyết sách Trung Quốc đều cho rằng cần phải thể hiện thái độ cứng rắn, hiện nay chưa đến lúc đàm phán. Cách đây ít lâu, Phó Thủ tướng Lưu Hạc, người phụ trách đàm phán mậu dịch với Mỹ khi nói về chiến tranh thương mại Trung – Mỹ đã cho rằng “ảnh hưởng tâm lý lớn hơn ảnh hưởng thực tế”, đồng thời tiết lộ “hai bên đang tiếp xúc”.

Thị trường chứng khoán hai nước gần đây đều sụt giảm, hậu quả của chiến tranh thương mại đang thể hiện trên nhiều mặt khác nhau của kinh tế hai nước. Phát biểu của ông Lưu Hạc không chỉ nhấn mạnh nửa cuối năm nay phương châm kinh tế Trung Quốc ưu tiên ổn định - cũng là sự xoa dịu, vỗ về các công ty và dân chúng bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại.

Trong nước Trung Quốc vẫn tồn tại tâm lý lo lắng rất lớn về chiến tranh thương mại, càng không thể xem thường ảnh hưởng của những dự báo tiêu cực về quan hệ Trung – Mỹ đối với sự vận hành của nền kinh tế. Đối với Trung Quốc, những thông tin về sự đối thoại của cấp cao cho thấy hai bên đang tiếp tục duy trì sự tiếp xúc, có thể tái khởi động cuộc đàm phán về mậu dịch, là rất cần thiết.