Kết luận cuối cùng của Apple về vụ nổ pin tai nghe Beats kinh hoàng trên mặt một nữ hành khách người Úc đã được đưa ra: pin nổ thuộc về một bên thứ 3, Apple không có trách nhiệm và do đó sẽ không bồi thường.
Không chịu thua, nữ hành khách này đưa ra lập luận rằng "Tôi rất thất vọng vì quyết định của Apple. Tai nghe Beats không thể hoạt động mà không có pin, dù vậy nhưng ở trên tai nghe và trên hộp họ không đưa ra khuyến cáo nên dùng loại pin nào".
Đây là một lập luận có vẻ đuối lý. Apple không kiểm soát thị trường pin AAA (được sử dụng trên Beats) và do đó không nên bị ép phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của hãng khác. Điều gì sẽ xảy ra nếu như Apple đưa ra khuyến cáo của hãng A và sau đó pin hãng này gặp sự cố? Liệu một hãng B cạnh tranh với hãng A có gây khó dễ cho Apple?
Và nếu Apple bị buộc phải khuyến cáo nên sử dụng loại pin gì thì có lẽ người dùng cũng được quyền yêu cầu các hãng điện tử đưa ra khuyến cáo nên tránh các loại pin nào. Không khó để nhận ra rằng kịch bản này sẽ đem đến vô số rắc rối về mặt pháp lý.
Những kịch bản rắc rối có thể xảy ra không nằm trong phạm vi trách nhiệm của Apple, Samsung, Sony hay bất cứ một hãng điện tử tiêu dùng nào khác - dĩ nhiên là trừ trường hợp thiết bị của họ sử dụng pin của chính họ sản xuất/thuê OEM. Dù phải gánh thêm trách nhiệm trong trường hợp này nhưng các hãng điện tử có thể kiểm soát khâu sản xuất/kiểm tra chất lượng của pin tốt hơn rất nhiều. Bằng cách này, họ vừa đảm bảo được an toàn cho người dùng, vừa tránh được những kịch bản "giời ơi đất hỡi" như vụ việc tai nghe Beats kể trên.
Quan trọng nhất, người tiêu dùng đã, đang và sẽ luôn chủ quan khi nghĩ đến những linh kiện có thể gây nguy hiểm tính mạng như pin và sạc. Ngay cả sau những vụ tai nạn thương tâm do sạc "nhái" gây ra, rất nhiều người dùng smartphone vẫn sẵn sàng mua những mẫu sạc rẻ tiền có thể gây chết người. Ngay cả trong cơn bão của Galaxy Note7, nhiều fan cuồng của Samsung vẫn kiên quyết không mang đổi trả chiếc điện thoại dễ nổ này.
Phần đông người dùng vẫn vì giá rẻ mà quên đi ý thức bảo vệ bản thân. Bớt đi cơ chế pin tháo rời có thể coi là một cách để bớt đi một mối nguy cho người dùng.
Hiển nhiên, với những chiếc smartphone, tablet, laptop có pin gắn liền, nhiều người cũng sẵn sàng sử dụng pin không rõ nguồn gốc xuất xứ để thay thế.
Đây chính là lý do vì sao các hãng điện tử càng ngày càng ưa chuộng thiết kế pin gắn liền. Ngay cả LG từng kiên quyết bám trụ với thiết kế pin gắn liền khi đặt chân lên thế giới kim loại nguyên khối đến nay cũng đã đặt pin vào bên trong G6. Ngay cả các hãng laptop - loại thiết bị dễ thay pin (và nên có quyền thay pin) hơn smartphone – nay cũng chuyển sang sử dụng pin bên trong thân máy. Những chiếc tai nghe Bluetooth sử dụng pin AAA như Beats cũng ngày một hiếm gặp, nhường chỗ cho pin tích hợp sẵn.
Có lẽ, không một người tiêu dùng nào sẽ cảm thấy dễ chịu với xu hướng thay đổi này, song có lẽ chỉ trong vòng vài năm nữa những chiếc smartphone, tablet, tai nghe sử dụng pin rời sẽ trở thành dĩ vãng. Đứng từ góc độ của nhà sản xuất, pin tích hợp là cách tốt nhất để đảm bảo cho an toàn cho người dùng và dĩ nhiên là để tăng tối đa lợi nhuận và để giảm thiểu các tình huống rắc rối "giời ơi đất hỡi" cho nhà sản xuất. Không ai muốn bị ép phải bỏ ra một đống tiền để Apple và Samsung độc quyền dịch vụ thay pin, song đó cũng là cách duy nhất để đảm bảo người dùng sẽ chỉ có thể sử dụng những cục tin an toàn nhất.